Tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình

Với diện tích mặt nước rộng lớn, dung tích trên 9 tỷ m3, hồ Hòa Bình được coi là kho tàng quý báu về thủy, sinh vật và nguồn lợi thủy sản phong phú. Hàng năm, để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngành thủy sản tỉnh đã thả hàng chục nghìn con cá giống xuống lòng hồ, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Hàng năm, Chi cục Thủy sản đều phối hợp với các đơn vị, tổ chức triển khai thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình.

Những năm gần đây, phát triển nuôi trồng thủy sản vùng hồ Hòa Bình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng qua việc ban hành các chính sách thúc đẩy nuôi cá lồng bè. Nhờ đó tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn với nhiều loài cá đặc sản có chất lượng, giá trị cao. Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh có 2,7 nghìn ha, trên 4.900 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình, sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 9,5 nghìn tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề đang đặt ra trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển ngành thủy sản bền vững, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống ngư dân. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, đầu năm hoặc vào ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (1/4), Sở NN&PTNT thường tổ chức Tháng hành động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tổ chức thả cá giống trên lòng hồ Hòa Bình. Tháng hành động nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân có những hành động thiết thực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thả các loài thủy sản có lợi cho môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi các loại thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác nhằm phát triển kinh tế thủy sản bền vững, có trách nhiệm với môi trường.

Từ năm 2020, ngành thủy sản tỉnh đã triển khai Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình. Trong 2 năm (2020 - 2022), đề án đã tổ chức 3 lớp tập huấn về Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật, in ấn, phát trên 8.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thả cá giống trên hồ Hòa Bình và các thủy vực tự nhiên 115.000 con cá giống các loại, cắm 10 biển cấm khai thác có thời hạn tại các bãi cá đẻ tự nhiên, 6 pano tuyên truyền về cấm sử dụng chất nổ, xung kích điện, chất cấm để khai thác thủy sản. Thông qua đề án kịp thời giúp các địa phương trong công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên, góp phần cải thiện cuộc sống của các hộ dân ven hồ Hòa Bình nói riêng và bà con trên địa bàn tỉnh nói chung.

Để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong giai đoạn 2023 - 2025, ngành thủy sản tiếp tục phối hợp các sở, ngành tổ chức 10 lớp tập huấn Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật; in 50.000 tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực thủy sản tới các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động thủy sản khu vực hồ Hòa Bình. Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề đối với các giống loài thủy sản bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; xác định và lập bản đồ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống để tổ chức khoanh vùng bảo vệ, thiết lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng mô hình ương nuôi các loài cá giống bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế trong lồng, bè để thả tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên. Thả 300.000 con cá giống bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế xuống hồ Hòa Bình để bổ sung nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút, đồng thời bảo toàn các giống loài tự nhiên, đa dạng sinh thái cho hồ, từng bước nâng cao sản lượng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/183246/tai-tao,-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-ho-hoa-binh.htm