Tái tạo nguồn lợi thủy sản tuyến bờ
Cứ vào mùa mưa cũng là lúc các loại hải hải đặc sản ven bờ bắt đầu vào mùa sinh sản và đây cũng là lúc các nghề đánh bắt hải sản ven bờ hoạt động rầm rộ nhất. Ngư trường ven bờ có trữ lượng hải sản không lớn cộng với việc đánh bắt rầm rộ n hư vậy nên các loại hải sản từ con giống bố, mẹ đến hải sản non ngày càng cạn kiệt.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản tuyến
Ở nhiều vùng ven biển ngư dân đã dùng ngư cụ đánh bắt theo kiểu tận diệt như nghề giã cào, cào nhám, thậm chí có nhiều đối tượng còn bất chấp pháp luật dùng xung điện hoặc thuốc nổ để đánh bắt hải sản ven bờ dẫn đến chuyện vơi cạn nguồn lợi hải sản ven bờ trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, khai thác hải sản ven bờ chưa đúng với quy hoạch, số tàu khai thác ven bờ còn nhiều, cơ cấu nghề nghiệp chưa có chuyển biến tích cực…
Để tái tạo nguồn lợi thủy sản tuyến bờ, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra xử lý những vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt hải sản ven bờ. Các địa phương còn khuyến cáo, ngăn chặn và xem việc khai thác hải sản ven bờ là một vấn nạn cũng như thực hiện các giải pháp chuyển đổi hành nghề đánh bắt hải sản của ngư dân địa phương. Trước tình hình nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đặc biệt là đối với tuyến bờ, những năm qua, nhiều hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm thực hiện như: bảo vệ rùa biển, cấm khai thác có thời hạn một số loài hải đặc sản, quản lý và điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác, triển khai một số mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi thủy sản… đã góp phần tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản có giá trị kinh tế.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng đề án “Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vùng biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2025”, nội dung đề án gồm nhiều chương trình quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.Sắp xếp cơ cấu lại hoạt động khai thác hải sản tại vùng bờ, vùng lộng.Đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cấm, nghề hạn chế, nghề mang tính xâm hại nguồn lợi cao, nghề hoạt động ven bờ sang các nghề khác cho ngư dân...
Đề án đã được UBND tỉnh họp thông qua, tuy nhiên do Trung ương chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nên hiện nay Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện đề án và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cụ thể, làm cơ sở để tỉnh hoàn thiện và ban hành đề án. Nếu đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phục hồi, tái tạo, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của tỉnh trong thời gian tới.
PHAN LIÊN
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tai-tao-nguon-loi-thuy-san-tuyen-bo-130357.html