Tái tạo nội tâm - Những con đường xoa dịu trái tim

Làm thế nào để tái tạo nội tâm? Và làm thế nào để kiến tạo tâm hồn sau những tổn thương tâm lý? Hành trình ấy cần chú ý đến những yếu tố nào? Đúng là mỗi người đều có tâm lý riêng, để chúng ta thực sự trở thành chủ nhân thực sự của chính mình rất cần đến những phương pháp và kỹ năng một cách thuần thục. Cuốn sách 'Tái tạo nội tâm' của tác giả Thầy Duy Ni là một gợi ý đáng để tìm hiểu.

Với quan điểm: hệ thống trưởng thành tâm lý chủ yếu dựa vào liệu pháp nhận thức và chú trọng đến vai trò của cảm xúc. Phía sau tâm lý của mỗi người là một hệ thống nhận khổng lồ giữa chúng là các mối liên hệ, ảnh hưởng và hỗ trợ lẫn nhau do vậy quá trình thay đổi phải được diễn ra theo cách mưa dầm thấm lâu. Cách tốt nhất và tiết kiệm nhất đó là chúng ta nên thiết lập một hệ thống nhận thức đúng đắn ngay từ thủa ấu thơ khi đó tuy bỏ ra ít sức lực nhưng vẫn có thể bội thu.

Trong chúng ta, mỗi con người có một tâm lý riêng và đều có lúc bất mãn với nó. Vậy nên ai cũng đều tìm kiếm sự trưởng thành của tâm lý, cố gắng điều chỉnh tâm thái, kiểm soát tốt cảm xúc và hành vi, cải thiện tính cách của chính mình. Chỉ là khó lòng đạt được hiệu quả như ý muốn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa nắm được phương pháp đúng đắn mà trưởng thành tâm lý cần phải dựa trên sự hướng dẫn của khoa học.

Chắc chắn mỗi người ai cũng có những ưu phiền trong quá khứ, từ tuổi ấu thơ; song với quan điểm lạc quan và tích cực, tác giả cho rằng cần phải có thái độ biết ơn về những gì đã xảy ra với mình. “Những thiếu sót trong quá khứ đã trở thành khối tài sản quý giá”. Bởi nếu không có tâm lý tích cực thì hầu như con người sẽ sinh ra cảm giác bất mãn với tính cách của mình.

Chìa khóa của trưởng thành tâm lý: muốn thay đổi cảm xúc và hành vi của bản thân, điều đầu tiên là thay đổi nhận thức và cách nhìn sự vật sự việc. Và như vậy cánh cửa tâm lý đã mở ra.

Đa số mọi người đều cho rằng, tính cách cảm xúc, hành vi là những thứ khó thay đổi, thực ra là do mọi người chưa nắm được phương pháp đúng đắn. Phương pháp thay đổi nhận thức chính là một trong những chìa khóa của trưởng thành tâm lý.

Tin tốt là dẫu mỗi người có tâm lý khác nhau, song quy luật vận hành lại là cơ bản giống nhau. Điều đó có nghĩa là những gì được đúc kết từ hành trình tâm lý đầy trải nghiệm của tác giả, hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả chúng ta, dựa trên những nguyên tắc cốt lõi.

Thứ trực tiếp quyết định cảm xúc và hành vi của tất cả chúng ta không phải là bản thân sự việc mà chính là nhận thức đối với sự việc đó. Quá khứ đã không thể làm lại, song chúng ta có thể thay đổi nhận thức với một nhận thức mới thì chúng ta sẽ có được cảm xúc mới.

Đúng là những kinh nghiệm trong quá khứ thường sẽ lắng đọng như những lớp vỉa phù sa vào nhận thức hoặc thói quen tư duy và tác động đến chúng ta. Những uẩn ức, buồn đau sẽ tích tụ, đến một lúc nào đó nó giống như “quái vật bóng đêm” sẵn sàng nuốt chửng chúng ta.

Điều cần nhận thức lúc này đó là tự giãi bày, tìm chuyên gia, phân tích tình huống để đưa ra giải pháp. Cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng đối với nhận thức, việc cần làm trước tiên là điều tiết cảm xúc sau đó mới thay đổi nhận thức.

“Sống trên cõi đời này, thất tình lục dục mang đến cho chúng ta phiền não nhưng đồng thời cũng mang đến hạnh phúc. Vì vậy, muốn đạt được hạnh phúc và tự do, chúng ta không cần từ bỏ khát vọng và nhu cầu của mình. Hãy sống một cách bình thường, theo đuổi những thứ giản đơn làm cho nó hợp lý, có chừng mực và không trái tự nhiên là được rồi”. Tác giả đã nói ra những lời như vậy một cách chiêm nghiệm đầy thanh thản, bao dung.

Bản chất của cảm xúc đúng như tác giả chia sẻ: không có tốt hay xấu, quan trọng là có hợp lý với hoàn cảnh hay không. Tâm lý có quy luật riêng của nó, muốn thay đổi, cần phải có biện pháp chuyên môn. Liệu pháp tâm lý đầu tiên có thể kể đến đó là: đừng bao giờ đẩy bản thân vào hoàn cảnh nhất định phải thực hiện điều này điều kia. Chìa khóa đơn giản hơn là: làm được những việc bản thân có thể làm được, những thứ còn lại sẽ để thuận tự nhiên. Các sự kiện trong cuộc đời thường khó thay đổi được, nhưng khi bạn thay đổi nhận thức thì cảm xúc và hành vi cũng sẽ thay đổi theo. Nhận thức thay đổi, thế giới sẽ thay đổi.

Đúng như rất nhiều vị thiền sư, cao tăng đã nói, cái làm cho con người ta hay phiền não chính là “tha nhân” và đặt cái tôi và sự kỳ vọng quá cao hơn mức bình thường. Nếu tất cả trở về bình thường như tự nhiên nó vốn thế và sẵn sàng một tâm thái tự chủ, bao dung, những sân si khắc lên cát, những yêu thương khắc lên bia, thì chắc chắn sẽ oán hận, sân si sẽ tự khắc tiêu tan.

Với trải nghiệm hơn 20 năm tư vấn tâm lý và thấu triệt nhiều kiến thức liên ngành hỗ trợ cải thiện tâm lý cả ở phương Tây và phương Đông, điều đọng lại với tác giả và rất nhiều bạn đọc khi dừng chân ở những trang cuối cùng đó là: Hãy yêu bản thân một cách cẩn thận và chung sống hòa bình với chính mình. Yêu mình rồi mới hiểu người; khoan dung với người chính là gieo một hạt thiện lành để đơm hoa kết trái quả phúc. Hữu duyên, hữu ý, thiện nhân cũng là ở chỗ đó.

Nguyễn Hường (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tai-tao-noi-tam-nbsp-nhung-con-duong-xoa-diu-trai-tim-31943.htm