Tái thiết cây xanh đô thị: Cần có quy hoạch tổng thể

Công tác quy hoạch cây xanh trồng trên các tuyến đường tại Hà Nội hiện còn bộc lộ nhiều bất cập cả về chủng loại, cách trồng cho đến công tác quản lý, duy trì.

Những bất cập này bộc lộ rõ nét qua thiên tai. Giữa tháng 9-2024, khi bão số 3 quét qua, hơn 40.000 cây bị gãy, đổ và đó là lời cảnh báo cho quá trình phát triển, bảo vệ cây xanh đô thị.

Nhiều bất cập trong quy hoạch cây xanh

Những năm qua, tỉ lệ cây xanh ở Hà Nội ngày càng tăng lên, các tuyến phố đã được phủ xanh bằng nhiều loại cây khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội (Sở Xây dựng), trước bão số 3, số lượng cây bóng mát trên địa bàn thành phố vào khoảng 1.165.000 cây, trồng trên 1.310 tuyến đường, phố, công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng và trong khuôn viên tổ chức, cá nhân. Còn trên địa bàn 12 quận có khoảng 142.000 cây xanh (chưa bao gồm cây trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân).

Trong số này, theo phân cấp, Sở Xây dựng quản lý hơn 700.000 cây xanh (gồm 194.000 cây đô thị và 510.000 bóng mát, lấy gỗ) trên địa bàn 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã và Công viên Thủ Lệ. UBND cấp huyện quản lý khoảng 461.000 cây tại các địa bàn còn lại.

“Thành phố đã đầu tư nhiều cho cây xanh và chiến lược 1 triệu cây xanh của Hà Nội đã thành công. Tuy nhiên, nhiều chủng loại cây được trồng tại những tuyến đường phố, vỉa hè hay thậm chí dưới gầm cầu vượt đường sắt trên cao chưa phù hợp, do đó hiệu quả sử dụng chưa phát huy được tối đa. Hà Nội đã tạo được hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học về cây xanh khá tốt nhưng việc bố trí trên từng tuyến chưa được coi trọng” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam nhận định.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn cũng chỉ rõ, việc trồng cây trên địa bàn thành phố thường theo đợt, theo chủng loại hoặc theo xu thế, trồng đồng loạt trên tất cả các tuyến chứ không có kịch bản và kế hoạch thực hiện một cách bài bản. Bên cạnh đó, Hà Nội dù đã có giải pháp để tìm ra loại cây mới đưa về trồng nhưng lại thiếu bước trồng thử nghiệm trước khi đưa ra trồng đại trà, nên hiệu quả không được như mong muốn.

Nhiều tuyến phố nhỏ, vỉa hè bé như phố Lý Nam Đế, hiện đang trồng những cây lớn như xà cừ, sao đen khiến cây chiếm hết vỉa hè, mọc lệch tán, phá vỉa hè và công trình, gây nguy cơ mất an toàn. Chưa kể các cây đã già cỗi, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão nhưng khó phát hiện bằng mắt thường, tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân.

Ngoài ra, việc Hà Nội chưa có quy hoạch bài bản về cây xanh đường phố, cây xanh công viên sẽ để lại nhiều hệ lụy cho tương lai. “Nếu chúng ta có kịch bản, định hướng cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có những câu chuyện gắn với bản sắc từng con phố thì sẽ hiệu quả hơn. Hà Nội cũng cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây cho phù hợp với không gian đô thị. Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp nữa. Do đó, chúng ta cần mạnh dạn lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ những cây không còn phù hợp” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn nêu đề xuất.

Thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các phương án trồng, thay thế cây xanh, tạo lập một diện mạo mới cho đô thị.

Thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể các phương án trồng, thay thế cây xanh, tạo lập một diện mạo mới cho đô thị.

Phải có kế hoạch bài bản, đồng bộ

Góp ý về tái thiết cây xanh đô thị trong thời gian tới, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp, cho rằng, để có hệ thống cây xanh tổng thể tốt trong tương lai, vấn đề then chốt là Thành phố phải chuẩn bị đội ngũ giàu kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn bởi cây trồng trong đô thị có điều kiện môi trường đặc thù, yêu cầu chăm sóc, duy trì cũng khác, liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội.

Về chủng loại cây trồng, PGS.TS Đặng Văn Hà cho rằng, trên địa bàn thành phố có nhiều cây bị trồng… nhầm và bằng kỹ thuật “nhồi” xuống khiến cây không thể phát triển được. Ông chia sẻ: “Chúng ta làm một con đường rồi cứ 8m đến 10m lại đào một cái hố “nhồi” cây xuống mà không tính tới những vấn đề liên quan đến hạ tầng điện nước. Cây nào cũng đánh đồng trồng một kiểu như thế thì không sống tốt được”.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn cho rằng, đã đến lúc Thành phố phải có quy hoạch cây xanh đô thị bài bản, chủ động lựa chọn, phát triển các loài cây phù hợp với đô thị, từng bước thay thế cho cây hư hỏng, cây già cỗi không còn phù hợp, cây rễ nổi, tán lớn và nặng trong các không gian nhỏ hẹp… Ông cũng cho rằng: “Việc thay thế cây không thể thực hiện đồng loạt mà cần nghiên cứu cụ thể xem thay cây nào, lộ trình ra sao? Trước khi thay, Thành phố nên có kế hoạch phát triển cây xanh đồng bộ cho toàn địa bàn, không nên “có gì trồng nấy”, dễ gây lộn xộn về cảnh quan đô thị. Nhiều loài cây không phù hợp với không gian, môi trường, đặc điểm tự nhiên, tạo rủi ro lớn cho sau này”.

Nhìn xa hơn, TS.KTS Phạm Anh Tuấn đề xuất, để nâng cao hiệu quả chăm sóc cây xanh hiện nay, Thành phố phải có quỹ vườn ươm đủ lớn. Vườn ươm giúp chăm sóc cây xanh đủ chất lượng với kích thước và hình thái đáp ứng tốt các yêu cầu sinh trưởng và phát triển sau khi trồng. Cần hạn chế việc lấy cây xanh từ các nơi khác về Hà Nội trồng, giải pháp này bản chất chỉ là di chuyển cây từ các nơi khác về trồng, không tăng thêm diện tích cây xanh về tổng thể, giảm chất lượng cây xanh khi đánh chuyển, nhất là đối với những cây có kích thước lớn và khó tạo được tính đặc trưng cho cảnh quan Hà Nội.

Sau cơn bão số 3 (Yagi), Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện rà soát, đánh giá lại từ chủng loại cây, các vị trí trồng cây, điều kiện thổ nhưỡng cũng như các không gian để cây xanh phát triển... Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, thực hiện chỉ đạo, Sở sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu sâu về cây xanh đô thị và sẽ có báo cáo đánh giá tổng quát việc trồng cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ chủng loại cây đến các vị trí trồng cây...

Trước sự phát triển đa dạng về chủng loại cây trồng và điều kiện hạ tầng thành phố đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây, tới đây, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá việc này một cách tổng thể. Các phương án trồng, thay thế cây xanh sẽ được công khai, minh bạch và lấy ý kiến rộng rãi để đạt được sự đồng thuận của người dân.

Khánh An

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tai-thiet-cay-xanh-do-thi-can-co-quy-hoach-tong-the-685147.html