Tái thiết, chỉnh trang đô thị tại Hà Nội: Giải pháp nào?

Các chuyên gia cho rằng, công tác cải tạo, tái thiết, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô lịch sử tại Hà Nội cần phải đi cùng với việc bảo tồn di sản, các di tích kiến trúc, quỹ kiến trúc công trình, cần sự tham gia của người dân, nhà đầu tư...

Một khu biệt thự Pháp trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hải Linh

Một khu biệt thự Pháp trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Hải Linh

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; thời gian qua các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Luật Thủ đô hiện hành; nghiên cứu, đề xuất các chính sách để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong 9 chính sách, giải pháp đánh giá tác động xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ chế, chính sách về phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi đặt ra cho việc hoạch định chính sách.

Bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, để cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được UBND TP Hà Nội ban hành (QĐ 975/QĐ-UBND) là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

Đối với Hà Nội, các công trình kiến trúc có giá trị cần phải được bảo tồn, tôn tạo theo mô hình “bảo tồn thích ứng”, nhằm gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình đó; đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc, giảm các yếu tố cơi nới. Sắp xếp hợp lý với tầm nhìn ở các tuyến phố; Chỉnh trang theo hướng văn minh, thống nhất thể loại, quy mô, kích thước. Các công trình di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng được gắn với các kế hoạch bảo tồn, tu bổ theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đối với các công trình kiến trúc thời Pháp trong khu vực nội đô lịch sử, mặc dù có rất nhiều công trình chưa được công nhận là di sản nhưng lại có giá trị kiến trúc đặc biệt nên cần xây dựng các quy chế bảo vệ, phát huy. Việc bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp phải thích ứng và linh hoạt giải pháp theo từng ô phố (Ô phố nhà ở, ô phố công trình công cộng, ô phố hỗn hợp).

Theo đó, với ô phố công cộng và ô phố hỗn hợp, giải pháp cần thiết là ưu tiên bảo tồn, tôn tạo các công trình công cộng và không gian công cộng, tạo sự kết nối các không gian cảnh quan xung quanh. Bảo tồn và tôn tạo hình khối, mặt đứng công trình nhằm giữ được tính nguyên bản của công trình. Với ô phố hỗn hợp nên linh hoạt trong quá trình cải tạo để không làm ảnh hưởng tới các giá trị cần bảo tồn. Nghiên cứu triển khai đề án Khu phố Pháp trở thành vùng di sản để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

“Để phục vụ công tác bảo tồn và tôn tạo, cần lập hồ sơ chi tiết các công trình công cộng có giá trị đặc biệt. Tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình - tuyến phố - khu vực di sản” - KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Thực hiện giãn dân phố cổ, tái thiết đô thị

Theo KTS Trần Ngọc Chính, việc giãn dân phố cổ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác bảo tồn khu phố cổ. Cùng với đó, phải xác định rõ các loại đối tượng giãn dân để có chính sách thích hợp từ chất lượng công trình đến địa điểm tái định cư. Nơi ở mới phải thuận tiện cho người dân, có chất lượng sống tốt hơn chỗ ở cũ trong nội đô và phải tạo điều kiện về sinh kế lâu dài; đồng thời, phải có những cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư phù hợp. Chỉ khi đó, công tác giãn dân phố cổ mới có cơ hội phát triển bền vững.

Nhà tập thể cũ ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)

Nhà tập thể cũ ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)

Đối với việc “tái thiết đô thị”, phải gắn liền với việc giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan, trường học không phù hợp quy hoạch, ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh. Chỉnh trang khu vực đô thị cũ; Cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ (lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng).

Trong công tác quản lý xây dựng, cần áp dụng quản lý xây dựng bằng cặp chỉ tiêu Hệ số sử dụng đất và Tầng cao, cho phép công trình xây cao tầng hơn, tăng cường các diện tích ưu đãi như: chức năng công cộng, không gian xanh, không gian cộng đồng hoặc bảo vệ các công trình di tích. Cùng với đó, sớm triển khai Dự án "Quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm" đưa ra mục tiêu phát triển các không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, kết hợp mở rộng các không gian cho người đi bộ, tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị trong phạm vi dự án…

Liên quan quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, thực hiện di dời dân cư đang sinh sống trong các khu di tích lịch sử, giải phóng mặt bằng các cư dân đang lấn chiếm khu vực đất công... để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị. Phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 kết hợp với các đô thị vệ tinh từ đó sẽ dần thu hút dân số dịch chuyển ra; khi đó sẽ kiểm soát được quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt. Các khu tập thể, chung cư cũ trong khu vực phố cổ bị hư hỏng, xuống cấp cần có giải pháp cụ thể để di dời. Nghiên cứu phát triển loại hình căn hộ cho thuê đáp ứng nhu cầu dịch vụ, du lịch trong khu phố cổ…

Rất cần sự tham gia của người dân, nhà đầu tư

Theo KTS Trần Ngọc Chính, quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản, hình thành nên chính sách đặc thù - bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng.

“Các giá trị lịch sử văn hóa cần tiếp tục được coi trọng trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Việc khai thác hợp lý và lâu dài quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả” - KTS Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp, vướng mắc về cơ chế, chính sách là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội đang lãng phí nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, Hiệp hội hy vọng Luật Thủ đô sau sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư có thể hỗ trợ cùng vốn ngân sách, thấy trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp mình trong phát triển Thủ đô.

“Trong kêu gọi các nhà đầu tư, thành phố nên cân nhắc phân chia dự án đầu tư với quy mô hợp lý để kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, tránh tập trung vào 1 hoặc 2 nhà đầu tư gây tâm lý độc quyền. Trước đó, thành phố cần thông báo rộng rãi và tổ chức buổi gặp mặt các nhà đầu tư để kêu gọi họ cùng tham gia” - Lê Quốc Hiệp nêu quan điểm.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-thiet-chinh-trang-do-thi-tai-ha-noi-giai-phap-nao.html