Tái thiết Ukraine: Lấy tiền ở đâu?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến 35% nền kinh tế Ukraine ngừng hoạt động, ước tính tổng thiệt hại đến lúc này khoảng 600 tỷ USD. Bài toán tái thiết Ukraine đã được bàn tới, nhưng vấn đề quan trọng là tiền ở đâu? Kiev có thể được sử dụng 'chiến lợi phẩm' là tài sản đóng băng ở nước ngoài của Nga hay không?

Tái thiết Ukraine: Lấy tiền ở đâu? (Nguồn: Asiatimes)

Tái thiết Ukraine: Lấy tiền ở đâu? (Nguồn: Asiatimes)

35% nền kinh tế Ukraine đã bất động

“Theo nhiều ước tính khác nhau, chúng ta đã mất từ 30% đến 50% nền kinh tế. Dự báo về mức giảm GDP cũng là 30-50%. Hiện gần 35% nền kinh tế của chúng ta không hoạt động”, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết.

Theo đó, ngân sách ước tính của Ukraine hiện chỉ còn bằng 50-70% mức thời bình. Trong khi, chi phí cho các nhu cầu xã hội, nhân đạo và rà phá bom mìn đã tăng lên đáng kể.

Thủ tướng Ukraine cho biết, tất cả những yếu tố trên đang tạo ra thâm hụt ngân sách 5 tỷ USD mỗi tháng cho Kiev. "Đó là số tiền lớn và tất nhiên, chúng tôi đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các đối tác và chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đó. Kiev hiện đang hợp tác chặt chẽ với IMF, Ngân hàng Quốc tế, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Vương quốc Anh cũng rất ủng hộ chúng tôi", Thủ tướng Shmyhal nói.

Theo ông Shmyhal, thiệt hại trực tiếp gây ra cho cơ sở hạ tầng và nền kinh tế Ukraine hiện vào khoảng 600 tỷ USD và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Hơn 100 cơ sở giáo dục và hơn 500 cơ sở y tế đã bị phá hủy hoặc hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, 25.000 km đường ô tô đã bị phá hủy và vài trăm cây cầu, 12 sân bay quốc tế bị hư hại và kho nhà ở trị giá hơn 40 triệu m3 cũng bị phá hủy.

Người đứng đầu chính phủ Ukraine lưu ý, nước này đã mất hơn 200 nhà máy, trong khi 17% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và 60% hoạt động dưới công suất trước chiến tranh.

Cần một "Kế hoạch Marshall" cùng tiền

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra đau thương vô hạn đối với người dân Ukraine. Không chỉ có vậy, những tác động rộng lớn hơn của nó đã và đang dần được cảm nhận trên khắp thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022 (WEF) Davos mới đây, Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và cũng là Chủ tịch điều hành của WEF đã đề xuất một "Kế hoạch Marshall" để tái thiết Ukraine. Trong phiên Đối thoại đặc biệt về Ukraine, nơi quy tụ 70 CEO toàn cầu, cùng nhiều vị chức sắc của châu Âu và Ukraine, các CEO đã đưa ra những cách thức cụ thể về cách mà công ty của họ có thể tham gia hỗ trợ chính phủ Ukraine và khu vực tư nhân trong công cuộc tái thiết, ngay từ bây giờ, thay vì đợi chiến tranh kết thúc.

Đại diện WEF đã lên tiếng đề nghị ủng hộ nỗ lực này, thúc đẩy các cuộc thảo luận về quan hệ đối tác mới và các giải pháp định hướng thị trường để có thể ứng phó với tình hình nhân đạo ở Ukraine và các cuộc khủng hoảng có hiệu ứng domino và mang sức ảnh hưởng toàn cầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường hai ngày (30-31/5), các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã thể hiện ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Tuy nhiên, các chi tiết liên quan chưa được nói tới mà sẽ được quyết định sau, trừ một gói các khoản vay của EU trị giá 9 tỷ Euro (9,7 tỷ USD), với một phần nhỏ viện trợ không hoàn lại để Kiev trang trải một phần lãi suất và duy trì hoạt động của chính phủ trong khoảng hai tháng.

Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng là nguồn tiền để tái thiết Ukraine vẫn chưa được bàn bạc cụ thể, hoặc chưa có câu trả lời rõ ràng, đáp lại lời kêu gọi trước đó của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại WEF Davos, trong bài phát biểu qua video. Theo đó, Tổng thống Zelenskyy kêu gọi phương Tây sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà tài phiệt để hỗ trợ chi phí tái thiết Ukraine, ước tính lên tới 500 tỷ USD.

Vậy câu hỏi đặt ra là Kiev có thể được sử dụng các loại tài sản đang bị đóng băng của chính phủ và các nhà tài phiệt Nga - là kết quả của các lệnh trừng phạt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, như một "chiến lợi phẩm" hay không?

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng từng tuyên bố, Nga “nên đóng góp” vào công cuộc tái thiết nước láng giềng. Hay ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU cũng cho rằng, sử dụng "chiến lợi phẩm" thu được từ Nga để tái thiết Ukraine là suy luận hợp lý.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này đã tạo ra làn sóng phản đối trong giới tài chính, doanh nghiệp từ các quốc gia phương Tây và đồng minh. Nếu phần lớn giới chức EU nghĩ đơn giản khi cho rằng, cần phải hỗ trợ Ukraine và đưa ra biện pháp trừng phạt thích đáng, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga, thì giới chuyên gia cảnh báo, "đóng băng tài sản của Nga là một vấn đề hoàn toàn khác với việc giải ngân chúng".

“Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã tin rằng, phương Tây rất tôn trọng luật pháp và chúng tôi đầu tư vào phương Tây trên cơ sở đó. Nhưng liệu nền tảng này có đang bị phá vỡ? Chúng tôi nên nghĩ thế nào?”, một nhà đầu tư hàng đầu ở phương Tây bình luận.

Trên thực tế, vấn đề đặt ra có thể không phải vì họ không ủng hộ Ukraine, cũng không phải vì họ không nhận ra rằng công cuộc tái thiết hậu chiến tranh sẽ là một thách thức lớn, cần một nguồn vốn khổng lồ và cũng là một cơ hội khó bỏ qua.

Nhưng theo giới quan sát, vấn đề quan trọng nhất chính là chưa từng có tiền lệ, cũng chưa có một lộ trình thích hợp nào được đưa ra. Nếu việc đóng băng tài sản và việc giải ngân không được thực hiện nhất quán và thiếu minh bạch, các chính phủ phương Tây sẽ phải đối mặt với nhiều năm kiện tụng tốn kém.

Và điều quan trọng là niềm tin – điều vốn là nền tảng đối với nền kinh tế chính trị của các quốc gia thành viên EU, sẽ bị "đặt trên dây" khi các thủ tục pháp lý quốc tế chưa rõ ràng. Bởi như hiện nay, nếu thủ tục và quyền tài sản quốc tế chưa thể thay đổi, tài sản của Nga vẫn chỉ có thể bị đóng băng trong nhiều năm. Nếu không các cuộc chiến pháp lý bất tận sẽ là diễn biến tiếp theo.

Hiện Kiev đã đưa ra một đề xuất thú vị, rằng nước này sẽ soạn thảo một bản ghi nhớ kêu gọi Liên hợp quốc thành lập một ủy ban mới về tịch thu và đóng băng tài sản “hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và hiệu quả” của những quốc gia có hành động tấn công vũ trang. Tuy nhiên, đừng quên quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an cho việc thành lập một ủy ban của Liên hợp quốc như vậy.

(theo WEF, FT)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-thiet-ukraine-lay-tien-o-dau-185786.html