Tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trong lòng di sản

Là chủ đề của hội thảo quốc tế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc tổ chức ngày 22/8.

Giám đốc Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung trình bày tham luận tại hội thảo

Giám đốc Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung trình bày tham luận tại hội thảo

Tham dự có lãnh đạo Trung tâm BTDTCĐ Huế, Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc (AURI), Trung tâm Xây dựng Công cộng Quốc gia Hàn Quốc, Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh, Bảo tàng Đà Nẵng.

Hội thảo với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tiến tới việc hợp tác phát triển tư vấn quy hoạch thiết kế, tái thiết và phát triển không gian bảo tàng trên nền tảng cũ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế.

Được thành lập từ năm 1923, Bảo tàng CVCĐ Huế, tên hiện hành của Museé Khải Định, hiện là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế. Bảo tàng đang lưu giữ, quản lý và bảo quản các hiện vật ở các điểm di tích phản ánh đời sống và sinh hoạt của triều Nguyễn, trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Các hiện vật được phân chia thành 12 sưu tập theo nhóm chất liệu.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện không đủ diện tích cần thiết để trưng bày

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện không đủ diện tích cần thiết để trưng bày

Tòa nhà trưng bày chính của Bảo tàng là điện Long An, được đánh giá là một trong những ngôi điện đẹp nhất được xây dựng dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, với diện tích khoảng hơn 1.200m2, bảo tàng hiện tại không đủ diện tích cần thiết để trưng bày, nên chỉ có khoảng 500 hiện vật được trưng bày tại đây.

Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2023, tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng Bảo tàng CVCĐ Huế. Sau khi dành thời gian thị sát tại Bảo tàng, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh về chủ trương xây dựng khu vực trưng bày mới cho Bảo tàng CVCĐ Huế theo hướng phù hợp với không gian di sản, việc trưng bày phải đạt được tính hấp dẫn, hiện đại.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã trình bày, chia sẻ những ý kiến tâm huyết có giá trị trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản văn hóa, từ đó làm cơ sở để ứng dụng vào nội dung tái thiết và xây dựng một không gian Bảo tàng CVCĐ Huế trong tương lai xứng tầm với vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của Huế.

LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/tai-thiet-va-phat-trien-khong-gian-bao-tang-trong-long-di-san-145230.html