Tai tiếng của nhà hàng đồ Việt ở Anh đòi độc chiếm nhãn hiệu 'pho'

Dù công bố kết quả kinh doanh tốt, liên tục mở chi nhánh mới, chuỗi nhà hàng bán đồ Việt của người Anh đã nhiều lần bị chỉ trích vì muốn độc quyền chữ 'pho'.

Pho Restaurant - chuỗi nhà hàng bán món Việt do người Anh điều hành ở Anh - đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội khi đăng ký nhãn hiệu đối với "pho". Các clip, bài đăng, bình luận lan truyền trên mạng xã hội đã lên án hành động được xem là "toan tính độc chiếm phở", gây khó khăn cho các nhà hàng khác, đa phần của người gốc Việt, đang bán món ăn này tại Anh.

Nhà hàng thậm chí từng yêu cầu các quán ăn bán món Việt Nam khác ở Anh phải đổi tên vào năm 2013. "Chúng tôi phải yêu cầu tất cả nhà hàng, lớn và nhỏ, không sử dụng nhãn hiệu Pho trong tên của họ, và với những gì chúng tôi nghĩ là một khoảng thời gian hợp lý để đổi tên", người sáng lập Pho Restaurant nói vào thời điểm đó.

Trước phản ứng dữ dội, thương hiệu này phải lên tiếng nhận sai vào năm 2013. Còn trong làn sóng lên án, tẩy chay mạnh mẽ của hiện tại, Pho Restaurant thông báo đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ của Anh để yêu cầu từ bỏ nhãn hiệu "pho".

"Chúng tôi xin khẳng định rằng chúng tôi sẽ không bao giờ cố gắng đăng ký nhãn hiệu cho món ăn này. Giống như rất nhiều người trong số các bạn đã chia sẻ những bình luận đầy nhiệt huyết về điều này, chúng tôi tin rằng phở không thuộc về bất kỳ ai ngoài người dân Việt Nam", nhà hàng đưa ra lời giải thích.

Kinh doanh ra sao?

Pho Restaurant được Stephen và Juliette Wall thành lập vào năm 2005 sau chuyến du lịch Việt Nam. Chuỗi nhà hàng ở Anh báo cáo kết quả tài chính cho năm kết thúc vào ngày 19/2/2023 với doanh thu 58,3 triệu bảng Anh (75,6 triệu USD).

Doanh số bán hàng tương đương (LFL) tăng 11,9% so với năm trước, với lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao tài sản cố định (EBITDA) là 5,8 triệu bảng Anh (7,5 triệu USD), giảm so với mức 8,1 triệu bảng Anh (10,5 triệu USD) của năm trước. Doanh thu tăng 33,6% so với mức 43,7 triệu bảng Anh (56,7 triệu USD) của năm trước.

 Nhà hàng ở Anh bị chỉ trích vì đăng ký nhãn hiệu với chữ "pho".

Nhà hàng ở Anh bị chỉ trích vì đăng ký nhãn hiệu với chữ "pho".

Chuỗi nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam này đã nhanh chóng phát triển lên 45 chi nhánh, cho biết "hoạt động tốt trong giai đoạn này với sự mở rộng liên tục bất chấp những khó khăn về kinh tế". "Hiệu suất hoạt động đã củng cố niềm tin của các giám đốc vào sự phục hồi của thị trường, với các nhà hàng mới tại Cheltenham, Plymouth, York, Bournemouth, Canary Wharf, London Bridge và Milton Keynes vào năm 2022-2023", báo cáo của công ty được đăng trên Restaurant Online nêu.

Năm 2022-2023, ban giám đốc thương hiệu đồ ăn này quyết định không gia hạn hợp đồng thuê địa điểm đầu tiên của mình ở Clerkenwell, London, trong khi hoạt động kinh doanh tối đã được hợp lý hóa từ 5 địa điểm xuống còn 4 địa điểm để tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách giảm tình trạng cạnh tranh nội bộ.

Công ty khẳng định "đảm bảo được nguồn vốn bổ sung, cho phép mở rộng hoạt động trong nhiều năm tiếp theo và có một loạt cơ hội mới đang chờ triển khai" vào thời điểm đó.

Tai tiếng

Pho Restaurant bắt đầu gây chú ý vào năm 2013 vì đăng ký nhãn hiệu cho "pho" và cố gắng kiện một doanh nghiệp Việt Nam nhỏ hơn đã sử dụng chữ này trong tên nhà hàng của họ.

Ở Anh, việc đăng ký nhãn hiệu có nghĩa là chỉ nhà hàng này mới có thể sử dụng "pho" trong tên doanh nghiệp.

Mặc dù chuỗi nhà hàng khẳng định không đăng ký nhãn hiệu cho món ăn Việt Nam, mà chỉ đăng ký tên công ty để bảo vệ doanh nghiệp, sự phẫn nộ đã lan rộng trên mạng xã hội. Theo The Guardian, trước phản ứng dữ dội, thương hiệu này đã nhận sai và hủy bỏ các tranh chấp pháp lý.

Một số thực khách phàn nàn món ăn "không có chút gì Việt Nam".

Một số thực khách phàn nàn món ăn "không có chút gì Việt Nam".

Đến năm 2019, nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam do người Anh làm chủ này lại bị chỉ trích khi công bố thực đơn mới, bao gồm phở bí ngòi, bát "cơm" súp lơ và các món ăn thuần chay khác. Mặc dù tự quảng cáo là "chuỗi nhà hàng đồ ăn đường phố Việt Nam chính thống", thực đơn rõ ràng lại không tuân theo bất kỳ công thức nấu ăn truyền thống nao của Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là trường hợp chiếm đoạt văn hóa, theo Next Shark.

Trong cuộc phỏng vấn với Taste of Manchester, Stephen Wall khẳng định rằng mặc dù chủ sở hữu không phải là người Việt Nam, "có tất cả quốc tịch làm việc cho nhà hàng và họ được đào tạo để tuân theo các công thức nấu ăn chính thống, được xây dựng cẩn thận bằng cách sử dụng các nguyên liệu tươi ngon nhất".

Pho Restaurant cũng từng tuyên bố trên trang web của mình rằng tên nhà hàng của họ, "pho" được phát âm là "foe", khác với cách phát âm tiếng Việt là "fuh".

Dù vậy, trên mạng xã hội và phần đánh giá Google, khách hàng đã nhiều lần than phiền rằng các món ăn "không có chút gì Việt Nam" hay nhân viên nhà hàng thậm chí còn không biết nước mắm là gì.

"Tôi đã gọi một phần bún bò và khi tôi hỏi 3 nhân viên khác nhau về nước mắm thì không ai biết đó là gì. Thịt bò nấu quá chín. Không ấn tượng và sẽ không quay lại", một người viết.

Lê Vy

Ảnh: phorestaurant/Instagram

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tai-tieng-cua-nha-hang-do-viet-o-anh-doi-doc-chiem-nhan-hieu-pho-post1506337.html