Tai tiếng khiến các cuộc thi hoa hậu ở Trung Quốc mất giá
Các cuộc thi sắc đẹp ở Trung Quốc bị khán giả quay lưng những năm qua vì chất lượng thí sinh đi xuống, công tác tổ chức vướng nhiều bê bối.
Ngày 25/8, Sohu đưa tin ban tổ chức Miss World lần thứ 71 cho biết nhận được đơn tố cáo về hành trình đến cuộc thi không minh bạch của Tần Trạch Văn - đại diện Trung Quốc. Tổ chức Miss World thông báo sẽ điều tra và xử lý vụ việc nếu phát hiện sai phạm.
Ồn ào "đi cửa sau" để thi hoa hậu
Theo Sina, giữa tháng 8, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc ra tuyên bố tước vương miện của người đẹp Nguyễn Nguyệt. Nguyên nhân không được công bố chi tiết. Đại diện ban tổ chức chỉ thông tin Nguyễn Nguyệt vì vi phạm điều lệ, nguyên tắc trong thời gian đương nhiệm.
Sau đó, ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc bổ nhiệm Tần Trạch Văn thay thế Nguyễn Nguyệt dự thi Miss World vào cuối năm. Đáng chú ý, Tần Trạch Văn không đạt bất kỳ danh hiệu sắc đẹp nào trước đó, và cũng không có kinh nghiệm catwalk hay diễn xuất trước ống kính. Lần thi hoa hậu gần nhất cô không lọt nổi vào top 18.
Tin tức Tần Trạch Văn tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế gây tranh cãi trong dư luận xứ tỷ dân. Khán giả thắc mắc vì sao ban tổ chức không cử hai á hậu đi thi, lại chọn người đẹp họ Tần.
Qua điều tra, phóng viên trang Sina hay 163 phát hiện nhiều điểm mập mờ trong lý lịch của Tần Trạch Văn và quá trình tuyển chọn thí sinh dự thi quốc tế của ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc.
Trang STCN đưa ra bằng chứng chứng minh người đẹp 25 tuổi và ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc khai gian dối về bằng cấp, chức danh và tuổi tác của Tần Trạch Văn.
Tần Trạch Văn được giới thiệu sinh năm 1997, tốt nghiệp thạc sĩ và là chuyên viên phân tích chứng khoán của Viện nghiên cứu Chứng khoán Essence. Nhưng trang web của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc cho thấy trình độ học vấn của người đẹp là cử nhân, sinh năm 1996. Không chỉ vậy, cô chỉ là nhân viên kinh doanh bình thường trong công ty.
Sau khi bị truyền thông phanh phui, ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc 2 lần chỉnh sửa thông tin được tố cáo gian dối của Tần Trạch Văn. Động thái này cho thấy chủ ý che đậy sai phạm của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc.
Theo Sina, Tần Trạch Văn có mối quan hệ thân mật với tỷ phú Triệu Trưởng Bằng (còn gọi là CZ), Giám đốc điều hành Binance, sở hữu khối tài sản 17,4 tỷ USD theo thống kê từ Forbes 2022. Đầu năm nay, người đẹp bị phát hiện cùng Chiêm Kim Bảo, Chủ tịch Hoa hậu Thế giới Trung Quốc, đi nghỉ dưỡng ở Dubai.
Điều này khiến công chúng tin rằng Tần Trạch Văn dựa vào mối quan hệ cá nhân để đi thi quốc tế. Trước những lùm xùm, ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Trung Quốc từ chối phản hồi. Vụ việc bị đánh giá làm mất mặt hình ảnh nhan sắc xứ tỷ dân.
Sina cho rằng dù kết quả điều tra ra sao, vụ việc của Tần Trạch Văn đã hé lộ góc khuất đen tối và sự đi xuống về giá trị trong các cuộc thi hoa hậu hàng đầu Trung Quốc.
Thi hoa hậu như diễn hội chợ
Sina cho biết tại Trung Quốc, số lượng các cuộc thi hoa hậu gần như không thống kê đầy đủ. Mỗi tỉnh, thành phố lại có hàng chục đấu trường nhan sắc để những mỹ nhân có tham vọng đổi đời thi thố, có thể kể đến như Hoa hậu Trung Quốc, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Du lịch, Hoa hậu, Hoa hậu Sinh thái Toàn cầu.
Những cuộc thi hoa hậu với tên gọi mang tầm quốc gia, châu lục, quốc tế, hoặc toàn cầu, thậm chí cấp tỉnh, thôn mọc lên "như nấm sau mưa". Ngay đến cả người trong giới cũng thấy loạn vì có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp.
Tuy nhiên, một thập kỷ trở lại đây, độ quan tâm của công chúng Trung Quốc dành cho các cuộc thi sắc đẹp đã giảm sút nghiêm trọng. Theo Ifeng, nguyên nhân đến từ việc các cuộc thi sắc đẹp tổ chức ồ ạt, tràn lan và sử dụng nhiều chiêu trò phản cảm để thu hút người xem. Sohu nhận xét: "Thi hoa hậu ở Trung Quốc hiện nay như đi diễn hội chợ".
Số lượng nhiều, nhưng quy mô và chất lượng tổ chức của đa số cuộc thi không đảm bảo khiến danh hiệu hoa hậu ngày càng bị coi rẻ và không còn nhiều ý nghĩa ở xứ tỷ dân.
Theo Sohu, Hoa hậu Bikini Quốc tế là cuộc thi gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc. Khâu tổ chức hứng nhiều chỉ trích vì câu dẫn người xem bằng hình ảnh phản cảm, lố lăng như ép thí sinh mặc áo tắm hai mảnh tạo dáng uốn éo giữa phố cổ hay nhảy múa gợi dục trên nền nhạc dance. Đến năm 2013, chính quyền cấm tổ chức cuộc thi vĩnh viễn sau nhiều năm "hành hạ" lĩnh vực sắc đẹp Trung Quốc.
Năm 2017, khán giả từng không khỏi ngán ngẩm khi chứng kiến 39 thí sinh Hoa hậu Trung Quốc mặc bikini sải bước tại trung tâm mua sắm Kowloon, Hong Kong. Hay các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa khôi được tổ chức tại Tế Nam phải trình diễn trang phục áo tắm giữa trời đông tuyết.
Một năm sau, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế Trung Quốc tiếp tục bị dư luận tẩy chay dữ dội khi để dàn thí sinh diễu hành trên phố trong trang phục bikini.
Việc phần thi áo tắm khai thác triệt để ở các đấu trường nhan sắc vấp phải nhiều trang cãi. Nhiều khán giả cho rằng trình diễn áo tắm trong cuộc thi nhan sắc ở Trung Quốc chẳng khác nào show khoe thân rẻ tiền.
Năm 2021, cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc gây bàn tán khi trao "cơn mưa" danh hiệu cho thí sinh. Ngoài 3 ngôi vị cao nhất, ban tổ chức còn chọn ra 14 thí sinh để đội vương miện hoa hậu, á hậu vùng miền. Vụ trao giải vô tội vạ khiến ban tổ chức bị phê bình gây ra tình trạng "bội thực" và giảm giá trị danh hiệu sắc đẹp.
"Danh hiệu hoa hậu ở Trung Quốc ngày càng mất giá. Công tác tổ chức nghiệp dư chạy theo lợi nhuận, khâu tuyển chọn sơ sài và scandal bủa vây khiến người chiến thắng không nhận được sự quan tâm của công chúng", Sina nêu lên thực trạng.