Tài trợ lập quy hoạch - nhìn từ Sơn La!

Thời điểm này, các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Trong quá trình đó, có những doanh nghiệp đã ký cam kết tài trợ kinh phí quy hoạch xây dựng đô thị và các khu du lịch nhằm góp phần tạo nên diện mạo mới cho một số địa phương. Bởi vậy, nhiều địa phương có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc này.

Trong công văn gửi địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch theo đúng pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng, ngân sách nhà nước và các quy định khác liên quan. Việc triển khai lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí phải tuân thủ các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền và trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện - không điều kiện; không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt phải tuân thủ pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, đất đai và pháp luật khác có liên quan; không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm… bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.

Pháp luật hiện hành cho phép cá nhân, tổ chức tài trợ kinh phí để lập quy hoạch. Cụ thể, Luật Xây dựng quy định: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng. Luật Quy hoạch đô thị quy định: Kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và của tổ chức, cá nhân. Trong đó, kinh phí của tổ chức, cá nhân dùng để lập quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh.

Có thể vì những quy định này chưa được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn nên một số địa phương lúng túng, không biết thực hiện ra sao. Thậm chí, có tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ các đề xuất tài trợ lập quy hoạch đô thị.

Văn bản trả lời của Bộ Xây dựng cho thấy sẽ không có hướng dẫn cụ thể hơn về việc này từ Trung ương. Như vậy, các địa phương phải ban hành quy trình huy động, tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn tài trợ lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của mình.

Tỉnh Sơn La ban hành quy trình này từ tháng 4.2021 và có nhiều nội dung đáng để các địa phương học hỏi, tham khảo. Ví dụ, tỉnh chỉ tiếp nhận tài trợ bằng tiền, không tiếp nhận tài trợ bằng sản phẩm. Thực tế, tổ chức, cá nhân tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch thì sẽ bị “rối” ở khâu trình, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Nếu tài trợ lập quy hoạch bằng sản phẩm thì chỉ nên là sản phẩm dạng định hướng hoặc chiến lược phát triển vùng, khu vực. Tiền tài trợ được chuyển vào ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng như vốn ngân sách.

Các nguyên tắc khác của Sơn La cũng tương đồng với những nội dung Bộ Xây dựng “nhắc nhở” các địa phương. Đó là, việc tài trợ phải bảo đảm tự nguyện. Địa phương không được lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp, cũng không coi tài trợ quy hoạch là điều kiện ràng buộc đối với công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc huy động, tiếp nhận kinh phí tài trợ phải được công bố công khai. Quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích…

Vấn đề là những nguyên tắc này cũng như các khuyến cáo của Bộ Xây dựng phải được tuân thủ nghiêm túc trong quá trình huy động, tiếp nhận và sử dụng kinh phí tài trợ để lập quy hoạch. Chỉ khi “chí công vô tư”, không để các khoản tài trợ “nắn” quy hoạch, địa phương mới có được những bản quy hoạch chất lượng cao nhất, làm tiền đề và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội với một diện mạo mới đẹp đẽ, văn minh.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tai-tro-lap-quy-hoach---nhin-tu-son-la-jlc0jpionq-82370