Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 2.000 trẻ em bị đuối nước
Ngày 10/10, Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam. Tham dự có gần 100 phóng viên báo đài Khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đặng Hoa Nam cho biết, trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024 số vụ đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm tuy nhiên số ca tử vong vẫn cao.
Nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi trẻ chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển, kể cả các vùng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước. Đây cũng là 1 trong 10 nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu ở nhóm 1 đến 24 tuổi.
Theo ông Nam, có không ít vụ đuối nước vô cùng thương tâm. Cách đây 5 năm, tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình từng xảy ra vụ đuối nước khiến 8 cháu tử vong. Đây là một vụ đuối nước nghiêm trọng, rất tang thương và là bài học đau xót cho tất cả các gia đình, nhà trường, cộng đồng, nhất là các cơ quan nhà nước. Mọi người đều phải nhìn thấy trách nhiệm của mình về vấn đề tăng cường bảo vệ trẻ em.
Những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm nên ông Nam cũng cho rằng, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em phải được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có sự chung tay của tất cả các ngành, đoàn thể, sự hiểu biết, nhận thức tốt của mỗi người, cũng như phát huy tối đa nguồn ngân sách và năng lực của các ngành chức năng.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ đuối nước, cần thiết phải đào tạo bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi; nâng cao năng lực cho công tác phòng chống đuối nước cho trẻ.
Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 2.000 trẻ em bị đuối nước. Ở những vùng càng khó khăn thì nguy cơ đuối nước càng cao. Yếu tố nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em, đó là trẻ chơi ở gần nước thiếu sự giám sát của người lớn và thiếu kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước; do sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có phương tiện bảo hộ như phao, áo phao; thiên tai, thảm họa thiên nhiên.
Bà Dương Khánh Vân, Cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, đuối nước không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được.
Đuối nước là nguyên nhân gây ra khoảng 300 nghìn ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm; là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm 1-24 tuổi. Trong khi đó, nam giới có nguy cơ bị đuối nước gấp 2 lần so với nữ giới. Trên 90% ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Việt Nam đang ở trong vùng có nguy cơ về đuối nước cao nhất trên toàn cầu khu vực Tây Thái Bình Dương.
Dựa trên quan điểm này, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra 4 chiến lược và 6 can thiệp nhằm phòng chống đuối nước. Cụ thể: Xây dựng Kế hoạch phòng chống đuối nước quốc gia; tăng cường phối hợp đa ngành; nghiên cứu phòng chống đuối nước thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu; tăng cường nhận thức của người dân về đuối nước thông qua công tác truyền thông có chiến lược.
6 can thiệp được khuyến nghị, đó là: Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non; làm rào kiểm soát trẻ tiếp cận với nguồn nước; dạy bơi và kỹ năng an toàn môi trường nước cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng khả năng chống chịu, quản lý rủi ro, hiểm họa khác ở cả cấp độ địa phương và quốc gia; xây dựng, thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy đối với tàu, thuyền, phà.
Để giảm thiệt hại do đuối nước gây ra, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu Hoa Kỳ) thông tin, đã có gần 44.400 trẻ từ 6 đến 15 tuổi được học bơi an toàn; hơn 52.200 trẻ từ 6 đến 15 tuổi được học kỹ năng an toàn; hơn 30.200 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em.