Tài xế bỏ nghề, doanh nghiệp thiếu lao động vì điệp khúc xăng tăng giá
Việc xăng dầu tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay trong khi hoạt động vận tải chỉ mới phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp, tài xế gặp vô vàn khó khăn.
Như Congluan.vn đã thông tin vào chiều 11/5, Liên Bộ Tài chính - Công Thương công bố chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới. Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.490 đồng, RON 95 tăng 1.550 đồng, dầu diesel và dầu hỏa đắt thêm lần lượt 1.120 đồng và 1.340 đồng.
Xăng tăng giá liên tục đã gây áp lực lớn cho hoạt động vận tải.
Như vậy, giá xăng E5 RON 92 là 28.950 đồng một lít, RON 95 là 29.980 đồng. Đây là đợt tăng giá liên tiếp từ cuối tháng 4 và sau đợt tăng này, giá xăng RON95 bán lẻ trong nước đã lập đỉnh mới, cao hơn mức thiết lập hồi giữa tháng 3 là 160 đồng một lít. Còn E5 RON92 thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 3 khoảng 30 đồng mỗi lít.
Điều này đã khiến hoạt động vận tải vốn chỉ mới “nhen nhóm” trở lại sau hơn 2 năm chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh thì nay càng thêm khó khăn, nhiều tài xế đã bỏ nghề vì nhu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Anh Hùng Long, một tài xế chạy GrabBike tại Hà Nội bày tỏ, giá xăng tăng quá cao nên thu nhập giảm trông thấy. Trước đây nếu chi phí tiền xăng một ngày hết khoảng 90.000 đồng nhưng nay phải chi gần gấp đôi.
Ngày nào chạy cố gắng lắm thì được khoảng 450.000 đồng; tiền xăng đã chiếm phần lớn; chưa kể tới tiền bảo dưỡng sửa chữa, ăn uống, chi phí sinh hoạt,... Dù tiết kiệm lắm thì thu nhập mỗi tháng cũng chẳng được là bao.
Nhiều năm làm lái ôm công nghệ nhưng chưa bao giờ anh Hưng chán nản như lúc này, khó khăn chồng chất khó khăn đối với cánh tài xế xe ôm công nghệ khi dịch bệnh COVID-19 khiến lượng khách giảm mạnh nhưng giá xăng lại tăng liên tục.
Với giá xăng như hiện tại, chạy những cuốc xe ngắn mới có một ít tiền lãi. Từ ngày giá xăng tăng cao, nhiều tài xế đã hủy những cuốc xe dài. Cũng theo anh Hưng, nhiều đồng nghiệp cũng đã bỏ chạy xe công nghệ để tìm kế sinh nhai khác.
Nhiều lái xe ôm công nghệ đã chuyển nghề vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Khó khăn, chán nản cũng là tâm trạng chung của nhiều lái xe taxi ở Hà Nội. Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và nhu cầu đi lại của người dân tăng dần; tuy nhiên anh Phúc, một lái xe taxi thấy có rất nhiều đồng nghiệp đã không quay trở lại làm việc.
Lượng khách đi mới chỉ nhúc nhắc nên mỗi ngày anh chạy được vài chuyến trong khi xăng dầu tăng phi mã.
Trừ chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, tổng đài,...số tiền còn lại không đáng bao nhiêu. Đi làm như vậy chưa đủ nuôi thân, chứ nói gì đến nuôi cả gia đình, anh Phúc ngán ngẩm.
Nhiều tài xế taxi công nghệ cũng chia sẻ, hiện tại họ đang phải chấp nhận chạy xe “không công”, tức là chạy mỗi ngày chỉ đủ tiền chi phí xăng xe và tiền ăn.
Nhưng nếu không chạy xe thì vừa mất tiền lãi xe mà sau này họ sẽ không được ưu tiên phát chuyến nữa. Vì vậy, nhiều tài xế vẫn lựa chọn “gồng mình” duy trì trên 10 - 12 giờ chạy xe mỗi ngày và hy vọng rằng tình hình giá xăng dầu sẽ ổn định hơn trong thời gian tới để giảm bớt khó khăn.
Thông tin từ ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, qua 20 năm phát triển, TP.Hà Nội mới có hơn 17.000 taxi. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm dịch COVID-19, hơn 7.000 taxi tại đây không có tài xế, phải dừng hoạt động.
Doanh nghiệp vận tải taxi đứng trước nỗi lo thiếu hụt lao động.
Nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng của người dân vẫn thấp, tỉ lệ xe có khách chỉ khoảng 40% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải cho xe hoạt động trở lại để giữ thị trường.
Tuy vậy không thể gắng gượng lâu khi giá xăng dầu tăng cao, trong khi doanh thu của doanh nghiệp vận tải chỉ đạt khoảng 15% - 20% thời điểm trước dịch.
Để hạn chế số lượng doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, kéo theo vấn đề tài xế nghỉ việc, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ.