Takshow 'Sống và làm việc cùng AI: Hội nhập để phát triển thành phố tương lai'

Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Du lịch TP.HCM 2025, hướng tới việc ứng dụng công nghệ để kiến tạo một đô thị thông minh, năng động và bền vững, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Saigon Books tổ chức takshow 'Sống và làm việc cùng AI: Hội nhập để phát triển thành phố tương lai'.

Trong vai trò điều phối chương trình, ông Bung Trần-Nhà sáng lập AI Education đã cùng hai diễn giả là ông Đào Trung Thành – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) và ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã mang đến một không gian đối thoại cởi mở, sâu sắc xoay quanh những tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với công việc, đời sống đô thị và ngành du lịch.
ThS Đào Trung Thành cho rằng, hiện nay, AI đã trở thành một "hạ tầng" phổ biến trong mọi lĩnh vực như du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục... AI có thể giúp nâng cao hiệu suất làm việc; một sinh viên mới ra trường nếu có kinh nghiệm ứng dụng ChatGPT có thể đạt hiệu suất như một người làm việc lâu năm. Do đó, chúng ta cũng cần đầu tư cho giáo dục, phổ biến AI trong trường học.

Hai diễn giả đang chia sẻ tại talkshow

Hai diễn giả đang chia sẻ tại talkshow

Ông nhấn mạnh: "Với tốc độ phát triển và phủ sóng như hiện tại, nếu không muốn bị bỏ lại và có thể thích nghi được thì chúng ta phải sử dụng AI. Thế hệ trẻ ngày nay cần nhìn nhận lại vị trí của mình trong một thế giới đang vận hành cùng với AI. Để hội nhập và phát triển thành phố hơn nữa, chúng ta cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong tất cả các ngành nghề.

Ông Thành tiếp: “Con người không thể mãi đặt câu hỏi "AI sẽ thay thế chúng ta hay không?", mà phải chuyển sang tư duy "Làm sao để cộng tác hiệu quả với AI?". Không ai có thể đứng ngoài. AI không chỉ có cạnh tranh, mà còn hỗ trợ nếu chúng ta hiểu đúng và khai thác đúng”.

Theo ThS Đào Trung Thành, khái niệm "Trí tuệ đồng hành” (co-intelligence) là chìa khóa để định hình lại mối quan hệ giữa người và máy, nơi hai bên không triệt tiêu nhau mà cùng tạo ra giá trị. Trong phần chia sẻ, ông cũng giới thiệu cuốn Trí tuệ đồng hành của Ethan Mollick như một tài liệu có khả năng chuyển hóa nhận thức về AI từ góc độ cá nhân. Cuốn sách không nói nhiều về kỹ thuật, mà tập trung vào cách con người có thể dùng AI để sáng tạo, làm việc hiệu quả và ra quyết định thông minh hơn. Ông nhấn mạnh: "Tư duy cùng AI sẽ là kỹ năng nền tảng của người trẻ trong thập niên tới”.

Từ góc nhìn nhà quản lý, TS Lê Trương Hiền Hòa đặt vấn đề ứng dụng AI vào thực tiễn điều hành và hoạch định chính sách. Theo ông, ngành du lịch đang là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm và phân tích hành vi khách hàng. AI, vì vậy, trở thành công cụ quan trọng trong cả thiết kế sản phẩm lẫn quản trị dữ liệu điểm đến.

"Chuyển đổi số không thể thực hiện nếu chỉ dừng ở hạ tầng. Nhà quản lý phải thay đổi tư duy - từ cảm tính sang phân tích, từ phỏng đoán sang dự báo bằng dữ liệu”, TS Lê Trương Hiền Hòa cho biết.

Ông Hòa cũng cho rằng, để phát triển du lịch thì cần phát triển song song các cơ sở hạ tầng như giao thông và văn hóa. Một số ứng dụng AI trong du lịch có thể kể đến như bản đồ số AI; hiện TPHCM đã có bản đồ số 360 độ cùng với các dữ liệu du lịch được số hóa. Điều này tạo điều kiện cho du khách hiểu biết rõ hơn trước khi đến Việt Nam và thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Hiện nay trong đề án "Thành phố thông minh" có đề án "Du lịch thông minh", tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung cho du lịch.

Đây là nền tảng mà các đơn vị có thể nhập và chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực du lịch, giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở để phát triển hệ thống riêng.

Khi được hỏi về làn sóng sa thải lan rộng, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự để chạy đua với AI và tự động hóa, TS. Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ: "Trong nhà nước, việc đào thải nhân sự, thay thế bằng AI không mạnh bằng tư nhân. Xu hướng này không thể thay đổi được, nhưng cách chúng ta thích ứng và sống chung với nó mới quan trọng, vì khi sử dụng AI, chúng ta cũng dạy AI phát triển".

Ông khuyến khích nhân viên nâng cao kỹ năng và tiếp cận thông tin, đặc biệt trong mảng du lịch quản lý nhà nước. Ông cũng nêu ví dụ thực tế về Covid-19, khi ngành du lịch đã nhanh chóng thay thế lượng khách Ấn Độ bằng khách Trung Quốc trong thời gian ngắn, và khi không có khách quốc tế thì đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.

Tại buổi talkshow, các diễn giả cũng giới thiệu hai cuốn sách cần tham khảo:

Cuốn sách AI 2041 (tác giả: Kai-Fu Lee & Chen Qiufan) – Một tác phẩm kết hợp giữa viễn tưởng và thực tiễn, dự báo 10 kịch bản AI sẽ định hình thế giới vào năm 2041. Cuốn sách giúp người đọc hiểu rõ cách AI ảnh hưởng đến công việc, giáo dục, y tế và đời sống con người, đồng thời đặt ra những câu hỏi quan trọng về đạo đức và trách nhiệm trong kỷ nguyên công nghệ.

Cuốn sách Trí tuệ đồng hành (Co-Intelligent) được viết bởi tác giả: Ethan Mollick - Giáo sư tại trường Wharton và là một trong những chuyên gia hàng đầu về đổi mới và công nghệ – mang đến một góc nhìn thực tế, dễ hiểu và ứng dụng cao về cách AI đang định hình lại mọi mặt của cuộc sống. Không chỉ phân tích về công nghệ, cuốn sách này còn giúp bạn hiểu rõ cách AI có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và thậm chí đưa ra những quyết định thông minh hơn.

Ý Nhi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/takshow-song-va-lam-viec-cung-ai-hoi-nhap-de-phat-trien-thanh-pho-tuong-lai-317127.html