Taliban 2.0 và những giấc mơ bị vỡ vụn của phụ nữ Afghanistan
Trở lại Kabul sau 2 thập kỷ, Taliban tuyên bố phụ nữ sẽ nhận được những quyền lợi bình đẳng dựa trên đạo Hồi, trong đó có việc được đi làm và được đi học nhưng những gì diễn ra trên thực tế có lẽ không hẳn là như vậy.
Taliban 2.0: Những lời hứa có trở thành sự thật?
Taliban đã cam kết sẽ xây dựng một chính phủ cởi mở và bao trùm sau khi kiểm soát được Kabul nhưng hầu hết các nhà quan sát lo ngại rằng hầu như có rất ít sự thay đổi ở lực lượng này trong 20 năm qua và dự đoán các quy định hà khắc sẽ nhanh chóng quay lại Afghanistan.
"Mạng sống, tài sản và danh dự sẽ không bị tổn hại và sẽ được các chiến binh bảo vệ", người phát ngôn lực lượng Taliban Suhail Shaheen cho biết ngày 16/8. Đây là thông điệp gần đây nhất được lực lực này đưa ra nhằm đảm bảo với người dân Afghanistan rằng họ sẽ được an toàn.
Rõ ràng Taliban ngày càng tinh vi hơn trong chiến lược tuyên truyền trước khi kiểm soát Kabul. Trong trao đổi với các quốc gia khu vực những tháng gần đây, đại diện Taliban đã đưa ra cam kết sẽ đảm bảo các quyền lợi của phụ nữ và kiềm chế các nhóm khủng bố ở Afghanistan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất chấp những cam kết cải cách, các chính sách của Taliban có thể vẫn giống như những tháng ngày đen tối của những năm 1990. Vào thời điểm đó, tất cả quyền lợi của phụ nữ đều bị loại bỏ, trong khi các hình phạt dã man, trong đó có hình thức tử hình công khai, trở thành quy chuẩn.
Nhiều lãnh đạo hiện nay của Taliban đều là những người từng nắm quyền khi Taliban kiểm soát Afghanistan từ 1996 - 2001. Lãnh tụ tối cao của Taliban Mawlawi Hibatullah Akhundzada - "lãnh tụ niềm tin" của lực lượng này, từng là cố vấn tôn giáo cho người sáng lập Taliban Mullah Mohammed Omar. Mullah Abdul Ghani Baradar, một người đồng sáng lập Taliban khác, hiện là người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban.
"Taliban sẽ cai trị theo cách thức họ từng làm trước đây, song sẽ có một vài điều chỉnh. Mục tiêu của họ là thực thi Hồi giáo theo cách hiểu của họ chứ không phải phát triển một nhà nước hiện đại", Husain Haqqani, học giả cấp cao tại Viện Hudson cho hay.
Vài giờ sau khi các tay súng Taliban tiến vào Dinh Tổng thống, người phát ngôn của lực lượng này tuyên bố "cuộc chiến đã kết thúc" ở Afghanistan. Tuy nhiên, giữa bối cảnh tình hình vẫn hỗn loạn sau khi Taliban chiếm được Kabul, hiện chưa rõ liệu lực lượng này sẽ thành lập một chính phủ mới qua sự nhất trí hay vũ lực.
"Hiện vẫn cần xem xét xem liệu Taliban có bước vào đàm phán để đạt được sự nhất trí từ người dân hay không. Câu hỏi thứ hai là hệ thống chính trị mà họ tổ chức sẽ như thế nào", Ali Yawar Adili, giám đốc Mạng lưới Phân tích Afghanistan đánh giá.
Dù vậy, Taliban đã khẳng định rõ các mục tiêu của mình là thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan mới với việc thực thi nghiêm ngặt các quy định của đạo Hồi và bác bỏ việc tổ chức bầu cử.
Một điều chưa biết là liệu cơ quan chỉ huy trung tâm của Taliban, vốn cam kết sẽ cải cách, có tiếp tục giữ nguyên các vị trí chỉ huy như hiện nay hay không, Jennifer Brick Murtazashvili, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Pittsburgh nhận định.
"Chúng tôi không biết liệu trung tâm của Taliban sẽ tổ chức như thế nào nhưng chắc chắn cơ quan này mạnh hơn nhiều so với suy nghĩ của chúng ta".
Taliban đã tới Kabul với những nguồn lực đáng kể. Theo một báo cáo được Viện Phát triển Nước ngoài (ODI) có trụ sở tại London công bố, doanh thu của lực lượng này từ việc trồng cây thuốc phiện và buôn bán ma túy trong nhiều năm qua, mặc dù vẫn đáng kể, nhưng đã thu hẹp so với doanh thu từ thuế vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu.
Ở Nimroz, một tỉnh ở phía nam Afghanistan, các hoạt động buôn bán ma túy và thuốc phiện chỉ chiếm 9% (5,1 triệu USD) doanh thu của Taliban trong khi 80% doanh thu (40,9 triệu USD) đến từ việc đánh thuế các loại hàng hóa.
Sajjan Gohel, một chuyên gia về Nam Á tại Trường Kinh tế London cho biết: "Taliban đang ngày càng sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông. Tại Doha, lực lượng này tuyên bố không có vấn đề gì với nền giáo dục dành cho cả phụ nữ nhưng những điều xảy ra trên thực tế lại hoàn toàn khác. Chuyên gia này cũng dẫn ra các bài báo ghi nhận phụ nữ tại các thành phố của Afghanistan như Ghazni và Herat không được đến trường và phải trùm khăn burqa.
“Thế giới của chúng tôi đã sụp đổ”
Khalida sẽ không bao giờ quên một trong những hành động đầu tiên của Taliban khi kiểm soát quận của cô cách đây vài tuần. Vào một đêm, Khalida bị đánh thức bởi tiếng nổ đinh tai nhức óc. Từ trên tầng thượng, cô gái 18 tuổi nhìn thấy khói bốc lên từ ngôi trường trung học dành cho nữ sinh của cô. Ngôi trường là niềm tự hào và niềm hạnh phúc của Khalida với một thư viện đầy ắp những cuốn sách mới được các giáo viên thu thập từ khắp nơi.
"Tôi đã khóc rất nhiều. Dân làng đã cố gắng dập lửa nhưng Taliban đã bắn vào họ và không ai cứu được ngôi trường của chúng tôi. Vào buổi sáng, khi tôi tới trường, mọi thứ đã bị thiêu rụi và phá hủy, thậm chí cả những cánh cổng trường".
Nhiều người Afghanistan vẫn không quên ký ức về quãng thời gian Taliban kiểm soát Afghanistan từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, khi mà trẻ em gái không được đến trường, phụ nữ phải trùm khăn burqa, cũng như không được phép ra ngoài mà không có đàn ông đi cùng.
Gần đây, Taiban đã hành quyết một người phụ nữ trẻ mặc trang phục bó sát và không có đàn ông đi cùng khi ra ngoài ở tỉnh Balkh. Theo India Times, người phụ nữ 21 tuổi này đã bị Taliban bắn chết ở làng Samar Qandian mà lực lượng này kiểm soát. Hồi tháng 7, sau khi chiếm được các quận ở tỉnh Takhar, Taliban đã đưa ra một loạt quy tắc trong đó có việc cấm phụ nữ rời khỏi nhà mà không có đàn ông đi cùng và bắt đàn ông phải để râu.
Hiện các nhà lãnh đạo Taliban tuyên bố phụ nữ sẽ nhận được những quyền lợi bình đẳng theo những gì được quy định trong đạo Hồi, trong đó có việc được đi làm và được đi học.
Tuy nhiên, những người phụ nữ Afghanistan làm việc trong các lĩnh vực như báo chí, chăm sóc sức khỏe và luật pháp đã bị sát hại trong một loạt vụ tấn công.
Theo India Times, một số bài báo ghi nhận việc Taliban đi gõ cửa từng nhà, lên danh sách những trẻ em gái và phụ nữ từ 12 - 45 tuổi để buộc những người này phải cưới các chiến binh Hồi giáo.
Những quy định trước đó của Taliban đã cho thấy những hình phạt hà khắc của lực lượng này đối với những người vi phạm, từ cắt cụt chân tay, cho tới hành quyết và ném đá. Người phát ngôn lực lượng Taliban Shaheen không loại trừ khả năng các hình phạt trên sẽ quay lại trong cuộc sống hàng ngày.
"Điều đó phụ thuộc vào những tín đồ và các tòa án. Họ sẽ quyết định các hình phạt này", người phát ngôn lực lượng Taliban Suhail Shaheen cho hay.
Các trường hợp trên là dấu hiệu ban đầu cho thấy một số thành tựu về quyền cho phụ nữ ở Afghanistan trong 20 năm qua có thể bị đảo ngược.
Nhiều phụ nữ Afghanistan có học thức đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ và nói lên sự tuyệt vọng của mình.
"Với việc các thành phố sụp đổ, những giấc mơ sụp đổ, lịch sử và tương lai sụp đổ, nghệ thuật và văn hóa sụp đổ, sự sống và cái đẹp sụp đổ, thế giới của chúng tôi đã sụp đổ", nhiếp ảnh gia người Afghanistan Rada Akbar viết trên Twitter.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 16/8 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết để bảo vệ "phụ nữ và trẻ em gái, những người lo sợ sự quay lại của những tháng ngày đen tối nhất" tại Afghanistan.
"Tôi vô cùng lo ngại trước những báo cáo vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. Chúng ta không thể và không được bỏ rơi người dân Afghanistan", ông Guterres nhận định./.