Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Từng ngày miệt mài trong kiếp mưu sinh, ngụp lặn trong thị phi, khẩu thiệt, có khi nào bạn ngửa mặt lên trời tự hỏi sao đời ta lại như vậy, cái gì đang nhào nặn đời ta, làm thế nào để được an nhiên tự tại, làm thế nào để đứng vững giữa dòng đời nghiệt ngã… Câu trả lời không ở đâu xa, nó ở ngay những câu chuyện mà tôi sẽ kể dưới đây với bạn?
Chén nước nơi Chánh điện
“Bạch Thầy, con không đi chùa nữa!”- một ngày nọ, một nữ cư sĩ Phật tử đến gặp sư thầy trụ trì và nói vậy.
Sư thầy hỏi: “Đạo hữu có thể cho thầy biết lý do không?”.
Người nữ cư sĩ trả lời: “A di đà Phật, vì ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh nọ đọc kinh dở; các Phật tử đi chùa chia rẽ, có khi hành xử sai; còn người đi chùa không lạy Phật mà chỉ chăm chăm nhìn điện thoại, đó là không nói đến khi rời khỏi chùa họ là những người ích kỷ, cao ngạo…”.
Sư thầy ôn tồn nói với nữ cư sĩ: “Đạo hữu hoàn toàn có lý. Nhưng trước khi dứt khoát không đi chùa nữa, thầy nhờ cô làm giúp cho thầy việc này nhé. Đạo hữu rót một ly nước đầy, rồi đi quanh Chánh điện ba vòng mà không làm đổ một giọt. Sau đó, Đạo hữu cứ việc không đi chùa”. Người nữ cư sĩ tự nhủ: “Quá dễ!”. Và cô ta tiếp ly nước từ sư thầy rồi đi ba vòng quanh Chánh điện như thầy dặn. Đi xong, cô đến trước mặt thầy: “ Rồi, con đi xong rồi”.
Sư thầy hỏi: “Khi cô đi, cô có thấy bà này nói xấu bà kia không?”. Người cư sỹ trả lời: “Thưa thầy không”. “Cô có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?” –sư thầy hỏi tiếp. Người cư sỹ trả lời: “Thưa thầy không”. “Cô có thấy người này, người kia chúi mũi vào điện thoại không?”. Người cư sỹ: “ Không, con không thấy”.
“Cô có biết vì sao trước cô thấy mà giờ cô không thấy không? Vì chính cô tập trung để ly nước không bị đổ. Nên biết… cuộc đời của người tu cũng vậy. Khi tâm hồn chúng ta tập trung hướng về sự hành trì tu tập, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác.
Ai không đi chùa vì cho rằng những người đi chùa toàn là đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không bao giờ có cơ hội gặp những bậc thiện tri thức, những bậc chân tu trong chốn tu hành để dìu dắt họ thăng tiến tâm linh…” – sư thầy thong thả giải thích. Nữ cư sĩ cúi đầu lắng nghe, nhận ra chân lý.
Câu chuyện về thiền sư Hakuin
Thiền sư Hakuin là một thiền sư người Nhật, ông tu tập thiền định, đức cao trọng vọng, danh tiếng lẫy lừng, đệ tử của ông rất đông. Ông được mọi người kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện. Có một cô gái xinh đẹp, thuộc gia đình danh giá sống gần ngôi chùa của Hakuin.
Cô chửa hoang mà không ai biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô tức giận lôi cô ra đánh đập, tra khảo. Trong lúc bế tắc, cô đã nói cha đứa bé chính là thiền sư Hakuin, bởi cô nghĩ, ông là người có danh tiếng, ai ai nể phục, thì cô sẽ không có vấn đề gì.
Biết tin đó, bố mẹ cô vô cùng tức giận, bèn tới sỉ nhục và mắng nhiếc thiền sư. Ông ngồi đó tĩnh lặng thốt lên một câu: “Thế à!”. Ngày cô bé sinh con, họ mang đứa bé tới trả cho thiền sư. Ông đón nhận đứa trẻ khi mọi người xa lánh, chửi bới, đệ tử khinh mạt rời ra ông.
Ông cũng nói câu: “Thế à!” Hakuin vẫn lẳng lặng bế đứa bé đi xin sữa trong khi ông bị mọi người dè bỉu, khinh khi. Ông vẫn một lòng chăm sóc đứa trẻ rất tốt. Thời gian thấm thoát trôi đi, cô gái thấy trong tâm mình bứt rứt bèn nói ra sự thật với bố mẹ mình.
Họ lật đật kéo tới chùa dập đầu tạ tội với thiền sư và xin được đón đứa bé về. Hakuin vẫn ngồi đó tĩnh lặng và nói câu: “Thế à!”. Sự thật của câu chuyện được đồn ra ngoài, ai ai cũng nể phục sự nhẫn nhịn của thiền sư. Mọi người kính nể tâm thái của ông. Và ông cũng lại thốt lên một câu: “Thế à!” khi được mọi người tán dương, khen tụng.
Đừng để tám ngọn gió đời làm loạn tâm ta
Đời là vậy! Con người ngày qua ngày sống giữa dòng chảy cuồn cuộn của đời người như một tảng đá sừng sững, gồng mình lên chống chọi với bão táp phong ba. Đời xô đẩy rồi vùi dập, nâng lên rồi lại đạp xuống tận sâu. Nếu cứ để dòng đời nhào nặn thì chắc rằng ta chẳng còn là ta. Thế nên mới có câu thơ rằng: “Đời đau thương, hạnh phúc/
Vẫn tùy theo cách nhìn/Thiên đường hay địa ngục/Khép, mở từ con tim”.
Có một bài viết của tác giả Tịnh Tâm tôi đọc đã khá lâu và rất thích. Trong bài viết ấy, tác giả nói rằng, từng ngày đời ta bị tám ngọn gió đời làm loạn nhân tâm.
Tám ngọn gió ấy gồm: Lợi (lợi lộc, lợi ích bản thân); Suy (hao tổn, mất mát); Hủy (chê bai chỉ trích); Dự (gián tiếp khen ngợi người); Xưng (trực tiếp ca tụng người); Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người); Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não); Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).
Tám cơn gió này làm lung lạc tâm trí, nhào nặn con người rồi biến họ trở thành kẻ bất an, tâm chưa một lần bình an, thân chưa một lần được ngơi nghỉ, nó đến như bão táp, vùi dập, chôn sâu ta từng ngày.
Tâm con người thường dao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng hớn hở, ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng.
Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế giễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.
Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Trong khi đó, theo tác giả Tịnh Tâm, nếu giác ngộ được chân lý thì có thể thấy, tám ngọn gió này vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó, chỉ là hư ảo. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường tồn.
Nhưng con người liệu có thoát khỏi tám ngọn gió đó không? Để trả lời câu hỏi này, trong Kinh Pháp cú có đôi lời của Đức Phật:“Không làm các điều ác/ Thành tựu những việc lành/Giữ tâm ý thanh tịnh/Ấy lời chư Phật dạy”.
Với đức Phật, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Sống vui vẻ, an nhiên, tốt với tất cả mọi người thì rồi bạn cũng sẽ đạt được những điều mình mong đợi. Ai tự thắng được cái tâm ích kỉ, vụ lợi, chỉ biết nghĩ cho mình là người đó sẽ tìm được hạnh phúc. Người khác có đối xử với mình ra sao mình vẫn nhẫn nhịn, vẫn giữ tâm trí bình thản, không đau khổ, u sầu… thì mình hẳn đã mang tâm Phật, sẽ tìm thấy thanh thản, an nhiên trong cuộc đời...
Một số thực hành để tâm bất biến trước bát phong cuồng nộ
Đừng so sánh cuộc đời của bạn với những người khác. Bạn không hề biết chính xác những gì họ đã và đang trải qua đâu.
Cuộc sống quá ngắn để lãng phí thời gian vào việc ghét bất kỳ ai. Hãy loại bỏ tất cả những cảm xúc tiêu cực ấy ra khỏi đầu.
Không một ai chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn ngoại trừ bạn.
Giữ liên lạc với bạn bè. Công việc không thể giúp bạn khỏe lại khi bạn ốm, nhưng bạn bè thì có thể.
Hãy cười nhiều hơn.
Cho dù hoàn cảnh tốt hay tồi tệ như thế nào, nó cũng sẽ thay đổi.
Hãy gọi cho gia đình thường xuyên.
Hãy để quá khứ trôi qua một cách yên bình. Đừng để chúng ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của bạn
Sống trọn từng khoảnh khắc và hãy thử những điều mới lạ.
Hãy yêu bản thân bởi vì bạn là duy nhất và bạn tuyệt vời theo cách của riêng bạn.
Mỗi ngày, hãy dành tặng điều gì đó tốt đẹp cho người khác.
Hãy hiểu rằng cuộc đời là một trường học và bạn được sinh ra để trở thành một học sinh trong ngôi trường đó. Rắc rối đơn giản chỉ là một phần trong chương trình giảng dạy và rồi nó cũng qua đi như một lớp học đại số vậy. Tuy nhiên, những bài học bạn nhận được lại có ý nghĩa suốt cuộc đời.
Đừng để những suy nghĩ hay những điều tiêu cực xuất hiện khi bạn không thể kiểm soát. Thay vào đó, hãy đầu tư năng lượng của bản thân cho những giây phút hiện tại. Ghen tỵ chỉ lãng phí thời gian. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần hoặc chắc chắn sẽ nhận được điều bạn thực sự, thực sự muốn.
Hãy cảm ơn cuộc đời vì mỗi sớm mai thức dậy, bạn vẫn còn sống.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tam-bat-bien-giua-dong-doi-van-bien-470878.html