Tấm bia đá cổ nhất Việt Nam
Giới khảo cổ tìm thấy một tấm bia đá có niên đại năm 314 tại Bắc Ninh.
Tấm bia được đánh giá là cổ nhất Việt Nam, tuy bị vỡ làm đôi và nét chữ bị mờ nhưng gần mười năm nay, các nhà khảo cổ vẫn không ngừng tìm kiếm thông điệp từ bảo vật cách đây trên 17 thế kỷ.
Tấm bia hơn 1.700 năm tuổi
Vào năm 2013, ngành khảo cổ Bắc Ninh phát hiện một tấm bia đá cổ tại nghè thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương (Thuận Thành). Tấm bia đá gồm hai mặt với 2 niên đại khác nhau. Mặt thứ nhất có ghi niên đại “Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt”, tạm cho rằng là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, khoảng tháng 9 năm 314. Mặt thứ hai có ghi niên đại “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên”, tức năm 450.
Bởi sự quan trọng của tấm bia được cho là cổ kính nhất Việt Nam nên sau khi được phát hiện, ngành văn hóa vẫn để tấm bia vẫn nằm nguyên vị trí cũ, canh cử người trông coi cẩn thận.
Do tấm bia bị vỡ làm đôi nên nửa dưới được gắn với đế, nửa trên được xếp dưới đất. Khi đó, từ đền Thanh Hoài là cụ Nguyễn Huy Chiện cho biết, đang có phương án thuê thợ đá về gắn lại cho hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vì sự quan tâm của giới khảo cổ khắp cả nước kéo đến nên hiện vật vẫn nên để nguyên hiện trạng.
Kết cấu của tấm bia đá gồm 2 phần là thân bia và đế bia. Thân bia được tạo tác bởi một phiến đá lớn, phần đầu bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác tạo thành trán. Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật đồ sộ. Chiều cao của tấm bia là 2m, rộng 1m và độ dày là 15cm. Phần đế bia có chiều dài 1,36m, rộng 1m và cao 0,5m.
Theo người nhà đền, trước đây bia vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một vết nứt chéo ngang thân bia. Năm 1967, máy bay Mỹ bị rơi trúng địa phận thôn Thanh Hoài cách bia khoảng 300m. Khi bộ đội công binh cho nổ các quả bom còn sót lại đã gây ra chấn động khiến tấm bia bị vỡ làm đôi.
Cũng theo người địa phương, từ khi bia bị vỡ thì dân làng xếp vào chái nhà của nghè. Củi khô xếp đống nên một thời gian dài tấm bia quý giá rơi vào quên lãng. Khi ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh đi khảo sát xếp hạng di tích, các chuyên gia lược dịch mới biết đây là tấm bia cổ quý giá.
TS Lê Viết Nga, lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, khẳng định: “Với hai giả thiết về niên đại của bia thì niên đại tuyệt đối của tấm bia vẫn còn là một ẩn số. Nhưng dù niên đại của nó có rơi và thời điểm nào (năm 305 hoặc 315) thì với những căn cứ hiện có, hoàn toàn có thể khẳng định đây là tấm bia cổ nhất Việt Nam được phát hiện. Văn bia có niên đại vào đầu thế kỷ thứ 4, tức thời Đông Ngô bên Trung Quốc”.
Gợi nhớ nhân vật thời Tam Quốc
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, số chữ còn lại ở cả 2 mặt tấm bia cổ chỉ khoảng gần 300 chữ, mỗi mặt được viết theo lối chữ khác nhau. Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên, hiện còn khoảng 120 chữ viết theo phong cách Lệ thư. Mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên còn khoảng 150 chữ, viết theo phong cách Khải thư.
Dù không công bố nội dung chính mà tấm văn bia ghi chép, nhưng giới khảo cổ đều cho rằng, các dòng chữ có liên quan đến nhân vật có tên là Đào Hoàng. Tuy nhiên, mỗi mặt lại có một nội dung khác nhau: Mặt thứ nhất ghi chép về lai lịch, công trạng của ông, mặt thứ hai ghi chép về việc trùng tu nơi thờ tự, tức nghè Thanh Hoài.
Niên đại của mặt thứ nhất được ghi ở dòng cuối cùng của mặt bia: “Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt nhâm”. Niên đại của mặt bia thứ hai ghi ở dòng thứ 5 (tính từ phải sang trái): “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên, Thái tuế Canh Dần, thập nhị nguyệt (Bính Thìn)”.
Ông Nga cho hay, về niên đại Tống Nguyên Gia của mặt bia thứ hai ta có thể dễ dàng xác định đây là niên hiệu của Lưu Nghĩa Long (424 - 453). Về niên hiệu Kiến Hưng được khắc ở mặt bia thứ nhất, từ sau năm Đào Hoàng mất (năm 300).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khảo cổ cũng nghi ngại về niên đại của tấm bia. Về niên đại Tống Nguyên Gia của mặt bia thứ hai không có gì phải bàn. Về niên hiệu Kiến Hưng, từ sau năm Đào Hoàng mất cho đến nhà Tiền Lương thì có tới 7 lần niên hiệu Kiến Hưng được sử dụng.
Trong vòng 57 năm (304 - 361) có đến 7 lần sử dụng niên đại Kiến Hưng, vậy thì niên đại Kiến Hưng được nhắc đến trong bia là niên đại nào? Giả thuyết thứ nhất, nếu theo logic về mặt thời gian thì niên hiệu Kiến Hưng của nhà Thành Hán là tương đối hợp lý, bởi theo niên đại này thì niên hiệu Kiến Hưng nhị niên sẽ là năm 305, tức 5 năm sau khi ông qua đời.
Giả thuyết thứ hai, đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317) vì sau khi Đông Ngô hàng Tây Tấn thì Đào Hoàng lại trở thành đại tướng dưới triều đại này. Nếu tính từ khi ông mất cho đến niên đại Kiến Hưng thứ 2, tất cả là 14 năm (từ năm 300 đến năm 314), cũng không phải là khoảng thời gian quá lâu cho việc dựng bia.
Thêm vào đó, trên tiêu đề được ghi ở trán bia: “Tấn (?) cố sứ trì tiết quán quân tướng (quân) giao châu mục đào liệt hầu bi” (chữ “tấn” chỉ còn bộ “viết” phía dưới, chữ “quân” trong ngoặc đứng mất hẳn, đọc theo vị trí chữ và chức phong của nhà Tấn cho Đào Hoàng trong Tấn thư).
Với những cứ liệu trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, dòng niên đại được nhắc đến trong bia rất có thể là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, tức niên hiệu Kiến Hưng nhị niên (314).
Đào Hoàng là ai?
Theo nội dung tấm bia cổ cũng như khi các nhà khảo cổ đối ứng với lịch sử Trung Quốc thì Đào Hoàng không rõ năm sinh nhưng mất năm 300. Tên tự Thế Anh, là đại tướng dưới triều Đông Ngô và Tây Tấn.
TS Lê Viết Nga cho biết, “Tấn thư” không ghi thân thế và tổ tiên của Đào Hoàng, chỉ biết rằng ông sinh ra và lớn lên ở vùng Mạt Lăng, quận Đơn Dương thuộc nước Ngô, một trong ba quốc gia thời Tam Quốc.
Thời bấy giờ, miền đất Giao Châu thuộc vùng quản lí của Đông Ngô thường phát sinh bạo loạn. Năm 269, thấy đã mất hai châu, Tôn Hạo hoảng sợ, vội sai Ngu Dĩ làm Giám quân, Tiết Vũ làm Uy Nam tướng quân, đại đô đốc và Đào Hoàng được phong chức Thương Ngô thái thú, đem quân tiến đánh nhằm chiếm lại Giao châu.
Trận đầu ra quân, Đào Hoàng bại trận ở sông Phần phải lui về giữ Hợp Phố, hai tướng tử trận. Đào Hoàng dẫn hơn 100 quân vào tập kích Đổng Nguyên. Bên quân Tấn. Đào Hoàng nhân tình hình đó lại công hãm và chiếm được Giao Châu. Đông Ngô cho ông làm Thứ sử Giao Châu.
Địa thế ba quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương hiểm trở, lại thường có giặc cướp. Tôn Hạo sai Hoàng đem quân đánh, mở mang ba quận vào đất Ngô. Sau Tôn Hạo phong ông làm đô đốc Vũ Xương, dời đến Hợp Phố và cho viên thái thú Hợp Phố Tu Nguyên lên thay, nhưng có nghìn người Giao Châu xin cho Hoàng ở lại, vua Ngô bèn cho ông ở lại Giao Châu.
Năm 280, Tấn Vũ Đế đem quân diệt Ngô, hạ Kiến Nghiệp, bắt sống Tôn Hạo. Tôn Hạo đích thân viết một bức thư, sai Hoàng Tức đến khuyên Đào Hoàng quy thuận nhà Tấn. Đào Hoàng khóc suốt mấy ngày, sau cùng mới chịu, sai sứ đưa ấn bao về Lạc Dương. Tấn Vũ Đế cho ông giữ nguyên chức cũ, lại ban tước Uyển Lăng hầu, Quan quân tướng quân.
Theo sử sách, Đào Hoàng ở Giao Châu hơn 30 năm, ân, oai tỏ rõ, được dân địa phương quý mến. Năm 300, ông qua đời, nhân dân kêu khóc như mất cha mất mẹ. Bởi khi còn sống, Đào Hoàng giúp dân khai khẩn, lập các làng ấp, an cư cho dân nên được yêu quý. Khi chết, dân lập đền thờ Đào Hoàng tại xã Thanh Khương (Thuận Thành) tưởng nhớ công ơn.
Theo ngành khảo cổ Bắc Ninh, xác định đó là tấm bia cổ quý giá, được coi như bảo vật nên các chuyên gia có đề nghị với địa phương được trưng dụng để hàn gắn và bảo quản. Tuy nhiên, các cao niên cho rằng, đó là bảo vật truyền đời nên giữ lại và có phương án trùng tu, để tại nghè Thanh Hoài như bao đời nay vẫn thế.
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam có lưu giữ một trong những tấm bia đá cổ, mang tên “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng bi văn”. Bia nguyên ở làng Trường Xuân, xã Đông Minh (Đông Sơn, Thanh Hóa), ghi niên đại năm Mậu Dần, niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (tức năm 618). So về niên đại, tấm bia này cách xa tấm bia ở Bắc Ninh. Từ đó, các nhà khảo cổ khẳng định bia đá nghè Thanh Hoài là bia đá cổ nhất ở Việt Nam được tìm thấy.