'Tấm căn cước' quý giá
Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, 'đòn gánh gánh hai đầu đất nước'. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là 'tấm căn cước' quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Đất anh hùng, đất thi nhân
Hà Tĩnh lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, hướng mặt về biển Đông bao la, xa xưa là vùng đất cổ Việt Thường, nơi tụ cư của người Việt cổ. Với thế núi hình sông, phong thổ, địa lý và vị trí “biên trấn” trong lịch sử, Hà Tĩnh là mảnh đất giang sơn tụ khí. Linh khí quần tụ từ Hồng Lĩnh 99 đỉnh uốn lượn bên dòng Lam Giang xanh trong mềm mại, từ “Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa”, từ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, từ 6 cửa sông mở ra biển cả bao la.
Khí chất sông núi tạo nên khí chất con người, làm nên hồn cốt của một vùng đất, tạo ra những giá trị văn hóa lớn lao. Bao lớp danh nhân hiền tài và những người dân bình dị từ đời này sang đời khác đã vun đắp truyền thống văn hóa, đóng góp to lớn cho nước nhà. Từ thuở bình minh của lịch sử cho đến hôm nay, cư dân Hà Tĩnh đã không ngừng sáng tạo, trao truyền, hun đúc nên hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, độc đáo.
Trong đó, 700 di tích đã được xếp hạng các cấp. UNESCO đã công nhận 2 danh nhân là Đại thi hào Nguyễn Du và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; công nhận 3 di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu; 2 di sản phi vật thể là dân ca ví, giặm và ca trù.
Người Hà Tĩnh nổi lên với các đặc trưng cơ bản: Yêu quê hương, đất nước, luôn sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, đi đầu bước trước trong mọi cuộc cách mạng, hiếu học và học giỏi, trọng danh và quyết chí để thành danh, ngay thẳng bộc trực mà sâu sắc, thủy chung, mộc mạc mà đằm thắm, dung dị mà lãng mạn, thâm trầm mà hài hước, nghiêm cẩn, quyết liệt mà nhân ái, bao dung, gian khổ vẫn vui cười.
Đặc biệt, do nằm trong vùng “chảo lửa túi mưa”, người Hà Tĩnh có tinh thần gắn kết cộng đồng bền vững. Nhà thơ Huy Cận viết: Đất này bền nghĩa bạn/ Đất này tình thủy chung/ Đất này mẹ dạy con/ Yêu anh hùng nghĩa khí… Những đặc trưng này đã làm nên bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh, là “tấm căn cước” đi ra khắp mọi miền, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn trong sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.
Lâu nay, giới học giả nghiên cứu, các văn nghệ sĩ sáng tác và người dân cả nước nói về đất và người Hà Tĩnh thường dùng đến những cụm từ: “văn hóa và cách mạng”, “đất nhạc, đất thơ”, “đất học”, “địa linh nhân kiệt”… Riêng tôi muốn dùng thêm một cụm từ tuy không mới nhưng phản ánh được tố chất của con người và vùng đất nơi đây, nêu bật được bản sắc văn hóa và cốt cách người Hà Tĩnh: “Đất anh hùng, đất thi nhân”. Khi đất nước có giặc, người Hà Tĩnh rất anh hùng, bất khuất, kiên trung. Tố chất anh hùng luôn hòa quyện tố chất thi nhân, tạo nên mẫu người nghĩa sĩ, chiến sĩ cách mạng, người trí thức rất can trường mà tâm hồn vẫn khoáng đạt, lãng mạn, chứa chất nhiều khát vọng. Tiêu biểu là Nghĩa vương Nguyễn Biểu, Sứ thần - Đại thi hào Nguyễn Du, Dinh điền sứ - nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Danh tướng - thi nhân Đặng Dung, Quân sư - tác gia Nguyễn Thiếp, Nhà giáo - nhà ngoại giao - nhà biên soạn Nguyễn Huy Oánh, Đình nguyên Tiến sĩ - chí sĩ Phan Đình Phùng, thầy giáo - nhà cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập…
Nói về khí chất yêu nước, can trường, xả thân vì nghĩa lớn của con người nơi đây, nhà Sử học người Pháp Hipop Le Breton viết: “An - Tĩnh là quê hương của nhiều triều vua. Đất này đã sản sinh ra những vị đế vương, những loạn thần, những võ tướng và những thi nhân... Đất An - Tĩnh là quê hương của những bậc đại nho ở An Nam lừng danh một thời”.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, đất Hà Tĩnh luôn xuất hiện những anh hùng, văn nhân, hiền tài. Ẩn chứa phía sau con người làm tròn việc nước là những tâm hồn yêu đời, những tài năng thơ, những nhà văn hóa kiệt xuất với đời sống tinh thần vô cùng phong phú, tiêu biểu là Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện... Họ là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của dòng chảy văn hóa Hà Tĩnh như dòng sông Lam không bao giờ vơi cạn, chứa đựng biết bao thăng trầm lịch sử, bao buồn vui của đời người.
Tích tụ từ hàng ngàn năm, phẩm chất, tố chất người Hà Tĩnh, văn hóa Hà Tĩnh trở thành kho báu, là “thiên nhiên thứ 2” tiềm tàng, phong phú. Kho báu ấy đã được các thế hệ người Hà Tĩnh sau này làm giàu thêm. Đó là những gương mặt học sinh giỏi, trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… thành danh trong nước và trên thế giới. Đó là những người nông dân, công nhân đã đem sức lực và trí tuệ xây dựng nên làng quê NTM kiểu mẫu, những công trình hiện đại làm cho bộ mặt quê hương ngày càng tươi đẹp, rạng rỡ, những nghệ nhân góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cha ông.
Nhân lên sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Hà Tĩnh
Được tiếp nhận, trao truyền mạch nguồn văn hóa của các thế hệ cha ông, trong hành trình xây dựng và phát triển, Hà Tĩnh luôn coi văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là nền tảng tinh thần xã hội, “sức mạnh mềm” to lớn. Tiếp nối, cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết Trung ương về văn hóa, con người Việt Nam, ngày 22/12/2023, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.
Nghị quyết đã nhấn mạnh yếu tố “con người” trong mối tương quan “văn hóa - con người”: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, mục tiêu, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Phát triển văn hóa phải hài hòa với chính trị, KT-XH… Trọng tâm xây dựng, phát triển văn hóa là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người phát triển toàn diện, có nhân cách cao đẹp”.
Nghị quyết cũng định hướng “Xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện, hội đủ những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam và giá trị riêng có của con người Hà Tĩnh: Yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, nghĩa tình, cần cù, hiếu học; năng động, sáng tạo; kỷ luật, trọng danh dự, thượng tôn pháp luật; ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên; tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết, tự hào về lịch sử, văn hóa quê hương, dân tộc”.
Trong mọi thời đại, con người luôn là chủ thể sáng tạo và gìn giữ di sản văn hóa, tạo ra môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa, sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội góp phần hình thành lối sống, tri thức, ứng xử văn hóa, sáng tạo và trao truyền văn hóa của mỗi con người. Nghị quyết 18-NQ/TU thêm một lần nữa khơi dậy nguồn nội sinh to lớn trong mỗi người dân đất Hồng Lam, góp phần chấn hưng văn hóa, thúc đẩy nguồn lực con người, vì mục tiêu đưa Hà Tĩnh ngày càng giàu mạnh, phát triển, tiên tiến và đậm đà bản sắc.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/tam-can-cuoc-quy-gia-post279965.html