Tấm đất sét ẩn chứa lịch sử 3.500 năm

Tấm đất sét nhỏ có chữ hình nêm vừa được khai quật tại một địa điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể ẩn chứa lịch sử về cuộc sống vào cuối thời đại đồ đồng.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một tấm đất sét nhỏ 3.500 năm tuổi có khắc chữ hình nêm trong quá trình khai quật tại một địa điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đài CNN, tấm đất sét này có thể làm sáng tỏ cuộc sống vào cuối thời đại đồ đồng.

Chữ hình nêm là một trong những dạng chữ viết lâu đời nhất, được sử dụng trên khắp Trung Đông cổ đại. Chữ hình nêm ghi lại tiếng Sumer, tiếng Akkad và các ngôn ngữ khác của Lưỡng Hà (hiện là Iraq ngày nay). Những người ghi chép đã tạo ra những ký tự hình nêm đặc biệt, bằng cách sử dụng sậy viết trên các tấm đất sét.

Tấm đất sét mới tìm thấy, có niên đại từ thế kỷ XV trước Công nguyên. Được viết bằng chữ hình nêm ghi lại tiếng Akkad, dòng chữ cổ này mô tả việc mua một lượng lớn đồ nội thất.

 Tấm đất sét nhỏ có chữ hình nêm được phát hiện tại TP cổ Alalakh (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: MUSTAFA KEMAL UNIVERSITY

Tấm đất sét nhỏ có chữ hình nêm được phát hiện tại TP cổ Alalakh (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: MUSTAFA KEMAL UNIVERSITY

“Tấm đất sét này nặng 28 gram. Chúng tôi tin rằng tấm đất sét sẽ cung cấp một góc nhìn mới về mặt cấu trúc kinh tế và hệ thống nhà nước của cuối thời đại đồ đồng” – ông Mehmet Ersoy, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.

Tấm đất sét này chỉ có kích thước 4,2 cm x 3,5 cm với độ dày 1,6 cm. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hiện vật này bên ngoài cổng TP cổ Alalakh, hiện là địa điểm khảo cổ Tell Atchana.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn là tấm đất sét nhỏ này được tìm thấy vào tháng 7, trong quá trình phục hồi địa điểm khảo cổ sau trận động đất tàn khốc hồi đầu năm 2023. Theo tiến sĩ Murat Akar – người đứng đầu cuộc khai quật – sau thảm họa động đất, khảo cổ học đã trở thành một hình thức phục hồi và chữa lành cho người dân.

"Cuốn sổ của kế toán"

Nhà khảo cổ học người Anh Leonard Woolley lần đầu tiên khai quật TP Alalakh vào những năm 1930. Tiến sĩ Jacob Lauinger tại ĐH Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) cho biết ông Woolley đã phát hiện ra một kho lưu trữ các tấm đất sét có chữ hình nêm trong một pháo đài liền kề với cổng TP.

"Tấm đất sét mới tìm thấy này có nguồn gốc từ cùng một kho lưu trữ các tấm đất sét đó hoặc một kho khác chưa được khai quật trong pháo đài, và nó đã bị trôi xuống cống tại một thời điểm nào đó" – ông Lauinger nói.

Ông Lauinger và bà Zeynep Türker – nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa nghiên cứu Cận Đông của ĐH Johns Hopkins – đang dịch và nghiên cứu tấm đất sét này cùng với ông Akar.

Những phát hiện này sẽ được công bố trong thời gian tới. Bản dịch tấm đất sét cho thấy có người đã mua khoảng hơn 200 bàn, ghế bằng gỗ. Ông Lauinger cho biết trong khi các tấm đất sét khác từ Alalakh đề cập đến việc sản xuất đồ nội thất, thì tấm đất sét này lại nhắc về việc mua bán. Do đó, tấm đất sét này có phần đặc biệt hơn các tấm đất sét được phát hiện trước đây.

Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu mối liên hệ của tấm đất sét này với các tấm đất sét khác do ông Woolley khai quật, cũng như các tấm đất sét có chữ hình nêm đề cập đồ nội thất từ các địa điểm khác thuộc cuối thời đại đồ đồng.

Ông Lauinger cho biết các văn bản hành chính, chẳng hạn văn bản được tìm thấy tại Alalakh, chỉ ghi lại số lượng nguyên liệu thô và thành phẩm mà công nhân cung điện tạo ra, phân phối và sử dụng.

 Tấm đất sét có chữ hình nêm tiếp tục được nghiên cứu. Ảnh: MUSTAFA KEMAL UNIVERSITY

Tấm đất sét có chữ hình nêm tiếp tục được nghiên cứu. Ảnh: MUSTAFA KEMAL UNIVERSITY

"Vì lý do này, tấm đất sét cung cấp những hiểu biết đáng kinh ngạc về xã hội và nền kinh tế cổ đại của Alalakh. Chúng ta thực sự đang đọc sổ sách của một kế toán cổ đại từ gần 3.500 năm trước" – ông Lauinger nói.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao người mua lại đặt nhiều đồ nội thất trong một lần như vậy.

"Có phải vì một dịp đặc biệt nào đó ở Alalakh như một cuộc hôn nhân hoàng gia không? Có phải đó là vì một lễ hội tôn giáo không? Alalakh có sản xuất đồ nội thất để xuất khẩu không? Hy vọng chúng ta có thể bắt đầu làm sáng tỏ những vấn đề này” – ông Lauinger cho biết.

Cứu một thành phố đã mất

Sau khi cuộc khai quật của ông Woolley kết thúc vào cuối những năm 1940, địa điểm này đã bị bỏ hoang trong gần một thế kỷ. Khi ông Akar và các đồng nghiệp của ông bắt đầu cải tạo địa điểm này vào năm 2012, nơi này ở trong tình trạng hoang sơ và gần như không thể nhận ra, do nó bị cây dại bao phủ.

Kể từ năm 2019, ngoài khai quật, nhóm của ông Akar đảm nhận thêm nhiệm vụ mới bảo vệ, gia cố và bảo tồn kiến trúc gạch bùn của TP cổ Alalakh.

Sau loạt trận động đất lớn vào tháng 2-2023, một số khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, khu phức hợp nghiên cứu khảo cổ mà nhóm ông Akar sử dụng vẫn đứng vững và trở thành trung tâm hỗ trợ nhân đạo trong những tháng đầu sau trận động đất.

Sau một vài tháng, công tác phục hồi và khai quật đã được tiếp tục tại Alalakh. Trong năm 2023, cộng đồng địa phương đã làm khoảng 4.500 viên gạch bùn để sửa chữa những địa điểm bị hư hại, khắc phục thiệt hại do động đất gây ra.

“Chúng tôi sử dụng khảo cổ học như một cách để phục hồi và chữa lành. Việc tiếp tục công việc tại địa điểm này sau trận động đất cũng rất quan trọng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương và là cách để bảo tồn di sản văn hóa của riêng họ” – ông Akar cho biết.

Trong quá trình khai quật mới tại Tell Atchana, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tấm đất sét nói trên. Ông Lauinger cho biết nhóm nghiên cứu rất tò mò muốn xem liệu những tấm đất sét tương tự có xuất hiện ở nơi mà ông Woolley chưa từng khai quật hay không.

“Một số nhà khảo cổ học không tìm thấy tấm đất sét chữ hình nêm trong suốt sự nghiệp của họ. Vì vậy, đây chắc chắn là một phát hiện hiếm có và thú vị” – ông Lauinger nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-dat-set-an-chua-lich-su-3500-nam-post805638.html