Tạm đình chỉ hiệu trưởng vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang

Ông Trần Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú bị đình chỉ công tác, trong diễn biến mới nhất vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương hôm qua, 6-12, đã ban hành quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác đối với ông Trần Duy Sáng, Hiệu trưởng trường THCS Văn Phú.

Theo quyết định này, ông Sáng bị chỉ chức vụ và công tác 15 ngày để phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên của nhà trường.

Cũng trong ngày hôm qua, công an huyện Sơn Dương vẫn tiếp tục làm việc với một số em học sinh trường này liên quan đến những thông tin mạng xã hội và báo chí phản ánh.

 Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nơi xảy ra sự việc học sinh quây cô giáo.

Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nơi xảy ra sự việc học sinh quây cô giáo.

Vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang đã thu hút sự quan tâm của dư luận và sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã có văn bản yêu cầu UBND Tuyên Quang xác minh, làm rõ.

“Vụ việc xảy ra là rất nghiêm trọng và không thể chấp nhận được”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá và nêu quan điểm: "Sự việc chúng ta đều bức xúc nhưng trước tiên phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó có biện pháp để xử lý nghiêm, những gì là trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, lãnh đạo nhà trường; những gì liên quan đến học sinh, trách nhiệm của phụ huynh”.

Ý kiến chuyên gia

Ở góc độ chuyên gia, chia sẻ với PLO, PGS. TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, đây là vụ việc đáng tiếc vì cùng một vấn đề, cùng một giáo viên, và cùng nhóm học sinh.

Chuyên gia Đại học Sư phạm cũng cho rằng, trường THCS Văn Phú đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo với cô giáo về vụ việc hồi tháng 9, nhưng đáng tiếc là dường như chưa có các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Đây là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc ngày 29-11, giữa giữa cô giáo với chính nhóm học sinh trước đó có mâu thuẫn với mình.

Cũng về vụ học sinh quây cô giáo ở Tuyên Quang, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục thuộc Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng các học sinh đã thiếu kỹ năng, nhận thức pháp luật cũng như kiểm soát an toàn trên không gian mạng.

Các em thiếu kỹ năng hành xử phi bạo lực với người lớn, trong đó có cô giáo dạy mình. Và qua diễn biến trên lớp học cho thấy cô giáo âm nhạc này đã rất cô đơn, đơn độc. Sự việc diễn ra mà không thấy sự vào cuộc kịp thời của nhà trường, cha mẹ học sinh.

Diễn biến vụ học sinh quây cô giáo

Qua các báo cáo của công an và UBND huyện Sơn Dương, nguyên nhân và diễn biến của vụ việc bắt đầu từ tháng 9. Cô PTH, giáo viên môn Âm nhạc có mâu thuẫn với học sinh lớp 6A, rồi dẫn tới những lời nói không đúng chuẩn mực đạo đức của giáo viên. Sự việc được một học sinh lớp 7C quay lại bằng điện thoại, chia sẻ cho nhóm bạn rồi đăng tải trên Facebook. Vì việc này, đến ngày 21-11, cô H bị nhà trường kỷ luật cảnh cáo…

Đến ngày 29-11, vào tiết 3 buổi sáng, cô H có giờ giảng ở lớp 7C thì học sinh ở đây có những phản ứng rất tiêu cực. Đến tiết 4, cô sang dạy tại lớp 6A. Hết tiết này, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A, đóng trái cửa, nhốt cô H trong phòng học, rồi nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên. Các em tiếp tục quay video và đăng tải trên mạng xã hội Facebook.

Ban đầu, những clip bạo lực này chỉ ở diện hẹp. Nhưng trong thời gian Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ, Công an huyện Sơn Dương và trường THCS Văn Phú đang yêu cầu học sinh, giáo viên giải trình, kiểm điểm thì ngày 2-12 lại lan tỏa diện rộng. Sự việc được báo chí phản ánh đã thu hút sự quan tâm rộng rãi trong dư luận mấy ngày qua.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-dinh-chi-hieu-truong-vu-hoc-sinh-quay-co-giao-o-tuyen-quang-post765429.html