Tạm dừng đến trường, không dừng học
Sau lễ khai giảng đặc biệt, từ ngày 6.9, trừ cấp mầm non và lớp 1, học sinh trong toàn tỉnh Hải Dương bắt đầu ngày học đầu tiên của năm học mới bằng hình thức trực tuyến.
Từ sáng sớm 6.9, Việt Linh, học sinh lớp 7 Trường THCS Ngô Gia Tự (TP Hải Dương) đã chuẩn bị để sẵn sàng ngồi vào bàn học. Buổi học đầu tiên những ngày này các năm học trước, em đang có mặt ở trường, nhưng năm nay chỉ có 1 mình trong phòng. Việt Linh thành thạo đăng nhập vào Zoom Meeting vì đã quen từ năm học trước. Em cho biết môn đầu tiên của năm học mới là lịch sử. Học trực tuyến không thể như học tại lớp nhưng cô giáo đã có nhiều phương pháp để tạo sự thoải mái, giúp chúng em dễ hiểu bài.
Nhằm giúp học sinh có thể học trực tuyến thuận lợi, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương đã đề nghị các trường linh hoạt dạy học cả vào buổi tối và 2 ngày cuối tuần để học sinh nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương cho biết thời gian dạy học trực tuyến không quá 2 buổi/ngày. Cấp THCS không quá 4 tiết/buổi, mỗi ngày không quá 7 tiết. Cấp tiểu học không quá 3 tiết/buổi, mỗi ngày không quá 6 tiết.
Em Kha Hoàng Thảo Anh, học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP Hải Dương) cho biết do không có máy tính nên bố mẹ đã dành cho em 1 điện thoại thông minh để phục vụ việc học. "Em và các bạn cùng lớp đã quen với hình thức học trực tuyến. Dù không thể tiếp thu tốt như học trực tiếp nhưng các em sẽ cố gắng để bảo đảm được chương trình học", Thảo Anh nói.
Ngay từ sáng sớm 6.9, thầy Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách II cũng tất bật với công việc chỉ đạo dạy trực tuyến cho học sinh. Thầy Khoa cho biết ở một số vùng nông thôn có hiện tượng mạng bị chậm, còn buổi học diễn ra khá suôn sẻ với tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt 99,7%, số còn lại vắng có lý do. Năm nay trường có 24 lớp với 1.006 học sinh, các giáo viên sử dụng phần mềm Microsoft Teams để dạy học. Các giáo viên trước đó đã được tập huấn nên sử dụng các công cụ dạy học thành thạo, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Ở Trường Tiểu học Quang Minh (Gia Lộc), việc học trực tuyến được tiến hành linh hoạt để giúp các em có thể tiếp cận kiến thức một các phù hợp nhất. Trường đã chia các lớp học vào 3 ca sáng, chiều và tối. Những gia đình có từ 2-3 em học cùng lúc, giáo viên chủ nhiệm sẽ thống nhất với cha mẹ học sinh sắp xếp thời gian học phù hợp. Ông Đỗ Thế Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết do đã có kinh nghiệm từ năm học trước nên việc dạy và học trực tuyến của các trường không gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến sáng 6.9 đạt gần 100%.
Việc dạy và học trực tuyến đã không còn lạ lẫm đối với các thầy cô và học sinh. Năm học này các thầy cô giáo và học sinh cũng như các gia đình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động hơn để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Đa số các trường sử dụng phần mềm Zoom Meeting và Microsoft Teams để dạy. Hầu hết các trường sắp xếp thời gian dạy học trực tuyến vào buổi sáng, chiều và tối để phù hợp với từng học sinh. Ngoài những học sinh trong tỉnh, một số em bị kẹt lại ở tỉnh, thành phố đang có dịch cũng được hướng dẫn học trực tuyến theo tài khoản phần mềm của trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình học đường truyền có lúc bị chậm, nhất là ở vùng nông thôn. Có những lớp trên địa bàn TP Hải Dương chỉ học được khoảng hơn nửa tiếng thì bị "đẩy" ra khỏi lớp nên không thể tiếp tục học. Một số cô giáo dùng phần mềm Zoom Meeting không có bản quyền nên cũng thường xuyên bị đẩy ra (out) nên lớp học bị gián đoạn vài lần và phải kéo dài thời gian học đến hơn 11 giờ 30...
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy vậy, một số địa phương có nhiều học sinh khó khăn do thiếu thốn phương tiện như tại Nam Sách, Kinh Môn, Gia Lộc... Hầu hết gia đình các em có điều kiện kinh tế khó khăn, ông bà hoặc bố mẹ không dùng điện thoại thông minh. Nhiều học sinh ở khu, vùng chuyển đổi không có mạng internet...
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Sách, địa phương có 154 học sinh tiểu học, 44 học sinh THCS chưa có thiết bị để học trực tuyến. Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu ở xã Minh Tân có 7 em gia đình khó khăn chưa có thiết bị để học. Nhà trường đã phối hợp với gia đình hướng dẫn một số em đến học nhờ nhà bạn, một số học sinh khác đến trực tiếp nhà giáo viên chủ nhiệm để học.
Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) đã chủ động hỗ trợ tiền cùng với gia đình mua điện thoại thông minh cho 1 học sinh để học trực tuyến. Còn trường tiểu học của xã có 2 học sinh khuyết tật, giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp với gia đình đưa các em đến nhà bạn học cùng hoặc giáo viên tranh thủ đến trực tiếp nhà giao bài, hướng dẫn.
Với sự chủ động của ngành giáo dục và đào tạo, của các thầy cô và học sinh trong toàn tỉnh, dù còn bất tiện và vướng mắc song đại diện các nhà trường đều khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch năm học theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh đề ra.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---giao-duc/tam-dung-den-truong-khong-dung-hoc-178995