Tạm dừng sản xuất các doanh nghiệp có nguy cơ cao

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kiểm tra, thẩm định các phương án. Các doanh nghiệp không đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch sẽ được yêu cầu tạm ngưng sản xuất để phòng chống dịch bệnh...

Đoàn kiểm tra tại Công ty Samsung – SEHC, Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Ngày 13/7, Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đã phối hợp cùng UBND TP. Thủ Đức và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM khảo sát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao.

DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG 2 PHƯƠNG ÁN

Đại diện Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, đến nay, tại Khu Công nghệ cao có 154 doanh nghiệp đang thực hiện những dự án đầu tư. Trong đó có gần 90 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, còn lại là các doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai dự án, chưa đi vào hoạt động.

Ban quản lý đã tổ chức cho các doanh nghiệp thực hiện việc tự đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất theo Quyết định 2194 của Bộ Y tế. Các doanh nghiệp đã tự đánh giá và báo cáo trên hệ thống trực tuyến.

Kết quả tự đánh giá, không có doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất cao và nguy cơ cao, 8 doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở mức trung bình, 42 doanh nghiệp có nguy cơ thấp, 35 doanh nghiệp ít nguy cơ lây nhiễm.

Dựa trên kết quả tự kiểm tra đánh giá của các doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã phối hợp với các tổ, đoàn kiểm tra thực hiện trực tiếp kiểm tra 15 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp có lượng lao động trên 1.000 lao động, chiếm 80% tổng số lao động trên địa bàn Khu Công nghệ cao.

Kết quả kiểm tra, có 1 doanh nghiệp nguy cơ rất cao, 1 doanh nghiệp nguy cơ cao, 3 doanh nghiệp nguy cơ trung bình, 5 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm thấp, và 5 doanh nghiệp ít nguy cơ.

Đặc biệt, 2 doanh nghiệp nguy cơ cao và rất cao là các công ty đã phát hiện nhiều ca bệnh Covid-19, hiện nay các công ty này vẫn đang thực hiện tạm dừng sản xuất. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, đã có 20 doanh nghiệp trình các phương án đến Ban Quản lý Khu Công nghệ cao về việc vừa cách ly vừa sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, TP.HCM đang trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16. Khu Công nghệ cao có lượng người lao động đông, người lao động phân bố trên nhiều địa bàn, do đó đây được đánh giá là 1 trong những điểm nóng dịch bệnh.

Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bằng việc cắt đứt các vòng lặp dịch bệnh giữa Khu Công nghệ cao, Khu Chế xuất với các khu lưu trú, nhà trọ.

Trên cơ sở nhận thức đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã siết chặt các biện pháp. Cụ thể: Tăng cường kiểm tra giám sát, phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo; yêu cầu các doanh nghiệp có nhu cầu duy trì sản xuất trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 phải có phương án cách ly người sản xuất.

Các doanh nghiệp được định hướng 2 phương án, bao gồm: Triển khai khu lưu trú dã chiến ngay tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện theo mô hình “một con đường hai điểm đến” (doanh nghiệp tổ chức cách ly tập trung người lao động tại khu lưu trú bên ngoài và có phương tiện vận chuyển người lao động đến phân xưởng).

Đối với cả 2 phương án này, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt người lao động, lập danh sách người lao động, thực hiện test nhanh định kỳ.

TẬN DỤNG THỜI CƠ VÀNG 15 NGÀY ÁP DỤNG CHỈ THỊ 16

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kiểm tra, thẩm định các phương án. Các doanh nghiệp không đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch sẽ được yêu cầu tạm ngưng sản xuất để phòng chống dịch bệnh.

Hiện nay Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hiệu quả các nội dung trên. Mục tiêu là tận dụng thời cơ vàng 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 để cắt đứt các vòng lặp dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp, đảm bảo an toàn sản xuất.

Cũng trong ngày 13/7, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đã thành lập 2 đoàn công tác để rà soát, kiểm tra, đánh giá nguy cơ tại 2 doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao.

Tại Công ty Samsung – SEHC, ông Đỗ thành Hải - Giám đốc An toàn Sức khỏe Môi trường, Công ty Samsung – SEHC, cho biết, công ty có 7.000 người lao động, 16 phân xưởng. Tại công ty đã phát hiện 46 ca mắc Covid-19, 300 F1. Những ca bệnh và F1, F2 phát hiện tại 3 phân xưởng. Ở 3 phân xưởng này đều đã tạm thời ngưng hoạt động.

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, TS.BS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, thuộc Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM cho biết, cơ bản các doanh nghiệp đã có các phương án phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên qua khảo sát thực tế, các phương án, quy trình được doanh nghiệp xây dựng chưa thực sự đảm bảo. Trường hợp có ca bệnh thì nguy cơ lây nhiễm ở các doanh nghiệp rất cao.

Do đó, hiện nay các cấp, ban ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định các phương án của các doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn khắc phục những hạn chế. Những doanh nghiệp nguy cơ cao cần thực hiện nghiêm tạm dừng sản xuất để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Mỹ Phương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tam-dung-san-xuat-cac-doanh-nghiep-co-nguy-co-cao.htm