Tạm dừng xuất khẩu sang Trung Quốc do dịch virus corona: Cơ hội tái cơ cấu nền nông nghiệp

Việc Trung Quốc tạm thời dừng xuất nhập khẩu hàng hóa do dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

 Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga

Tuy nhiên, việc nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu dịp đầu năm, hay được mùa mất giá không phải là vấn đề quá mới bởi năm nào hiện tượng này cũng lặp lại. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những giải pháp xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Ảnh hưởng nặng nề

Việc Trung Quốc tạm thời dừng xuất nhập khẩu, do dịch viêm phổi cấp lan rộng đã ảnh hưởng thế nào với xuất khẩu nông sản Việt, thưa bà?

- Dịch viêm phổi cấp do virus corona lan rộng nên Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế song phương giữa 2 nước. Bởi trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn chiếm 22 - 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như rau quả. Khi Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới, đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông sản Việt sang thị trường hơn 1 tỷ dân này.

Đặc biệt, thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi hiện kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính ngạch khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

 Nông sản được bày bán tại siêu thị Big C để giải cứu hàng xuất khẩu không tiêu thụ được. Ảnh: Lê Nam

Nông sản được bày bán tại siêu thị Big C để giải cứu hàng xuất khẩu không tiêu thụ được. Ảnh: Lê Nam

Hiện tại các cửa khẩu biên giới đang ùn tắc một lượng lớn nông sản, trong khi một số sản phẩm nông sản như thanh long, dưa hấu... đang vào vụ thu hoạch nhưng không thể xuất khẩu. Bộ Công Thương đã có giải pháp như thế nào trong việc hỗ trợ DN, người nông dân tiêu thụ sản phẩm?
- Ngay từ đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình, đưa ra cảnh báo; đồng thời yêu cầu các thương vụ nước ngoài tổ chức tìm kiếm, kết nối chuyển hướng hoạt động thương mại xuất khẩu mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường khác. Đề nghị các DN logistics giúp bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới. 14 giờ ngày 5/2, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã cho phép thông quan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là kết quả đầu tiên trong việc gỡ vướng cho hàng hóa, nông sản ứ đọng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ sau Tết Canh Tý đến hết nay.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương thời tiếp tục theo dõi tiến độ xuất khẩu cho đến khi các cửa khẩu chính thức mở cửa trở lại để kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh. Hiện nay Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo các địa phương, các hệ thống siêu thị chủ động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn về xuất khẩu đưa vào các hệ thống phân phối tiêu thụ, ưu tiên thị trường nội địa.

Biện pháp tiếp theo là động viên, hướng dẫn các chủ hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch đối với các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán, đóng gói, gắn tem nhãn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Đối với những lô hàng không đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sẽ ưu tiên giải phóng hàng trong ngày 9/2 khi chợ biên giới mở cửa trở lại; khuyến nghị các tỉnh biên giới tổ chức hỗ trợ bảo quản đối với các container đến ngày 9/2.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tạm dừng xuất nhập khẩu có ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam không, thưa bà?

- Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nên các biện pháp phòng ngừa dịch sẽ còn được phía Trung Quốc kéo dài như vậy sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với hoạt động xuất, nhập khẩu có thể từ 6 đến 8 tháng.

Thực tế hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất của DN Việt Nam thời gian qua cho thấy không chỉ mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc tạm dừng xuất nhập khẩu mà các ngành hàng khác cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ và các thị trường khác mặc dù có tăng cao, nhưng phần lớn nguyên vật liệu dệt may của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì thế, dịch viêm phổi cấp virus corona tác động đến rất nhiều mặt, cả trực tiếp và gián tiếp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và thậm chí kể cả tiêu dùng nội địa.

Cơ hội mới

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Trung Quốc tạm dừng xuất nhập khẩu cũng là cơ hội cho DN xuất nhập khẩu nông sản giảm dần phụ thuộc vào thị trường này, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bà đánh giá như thế nào về đề xuất này?

- Ý kiến của chuyên gia kinh tế đang là hướng đi mới cho hoạt đông xuất khẩu nông sản mà ngành công thương đang xây dựng kế hoạch, qua đó hạn chế đến mức tối đa sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương nghiên cứu tìm thị trường xuất khẩu mới cho nông sản Việt Nam. Điển hình như với mặt hàng gạo, sẽ tập trung vào các thị trường Indonesia, Philippines, Hàn Quốc hay thị trường châu Phi. Đối với cà phê, có thể tìm kiếm thị trường mới tại khu vực Trung Đông; còn với trái thanh long, có thể mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan… bởi dư địa tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu nông sản này còn rất lớn.

Hiện, Cục Xuất nhập khẩu hiện đang nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó bổ sung cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc. Trước mắt, Cục Xuất nhập khẩu đã đề nghị Thương vụ các nước cho phép các DN xuất khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ của Việt Nam chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các DN xuất khẩu uy tín ở nước sở tại qua kết nối với các DN xuất khẩu thanh long Việt Nam... tiêu thụ và xuất khẩu giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản sẽ khả quan hơn.

Đã nhiều lần DN xuất khẩu nông sản, người nông dân kêu gọi “giải cứu” nhưng thực tế cho thấy nguyên nhân là do người trồng và DN tiêu thụ sản xuất theo cảm tính. Vậy với tư cách là một nhà quản lý bà có lời khuyên như thế nào để DN hạn chế, thay đổi cách thức sản xuất này?

- Về lâu dài, DN cần có giải pháp căn cơ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu của thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa đang trên đà phát triển để từ đó không quá phụ thuộc vào một thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Ngoài ra các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế so sánh của từng địa phương, không nên sản xuất theo tâm lý đám đông.

Thời gian vừa qua, nhiều DN đã dùng công nghệ cao sản xuất các mặt hàng nông sản như vải thiều, nhãn, xoài... để xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc... Đây là những thành công bước đầu của cách làm đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao năng lực Việt Nam, đồng thời tìm được thị trường mới. Nếu DN lừng khừng không chịu đầu tư, không chịu chuyển hướng, tái cơ cấu thì khó có thể ngăn chặn hiện tượng “giải cứu”.

Xin cảm ơn bà!

"Thời gian vừa qua, nhiều DN đã dùng công nghệ cao sản xuất các mặt hàng nông sản như vải thiều, nhãn, xoài... để xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc... Đây là những thành công bước đầu của cách làm đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao năng lực Việt Nam, đồng thời tìm được thị trường mới. Nếu DN lừng khừng không chịu đầu tư, không chịu chuyển hướng, tái cơ cấu thì khó có thể ngăn chặn hiện tượng “giải cứu”. - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tam-dung-xuat-khau-sang-trung-quoc-do-dich-virus-corona-co-hoi-tai-co-cau-nen-nong-nghiep-364569.html