Tam Dương từng bước nâng cao đời sống người dân
Đẩy mạnh vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đó là những giải pháp được huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai để giảm nghèo bền vững. Với những giải pháp đa dạng, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần từng bước 'xóa' hộ nghèo.
Những năm qua, kinh tế tập thể luôn được huyện Tam Dương chú trọng phát triển, nổi bật là số lượng HTX tăng nhanh. Sự ra đời của các HTX đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất trên địa bàn.
Tạo sức bật về giảm nghèo
Ông Phùng Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND huyện Tam Dương cho biết, HTX đang là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đồng thời, HTX đại diện cho các thành viên ký các hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tổ chức sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản.
Từ đó, ổn định và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và thu nhập của các hộ thành viên.
Đặc biệt, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các HTX, tổ hợp tác đang là những nhân tố tích cực nhất tại mỗi địa phương, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“Với sự năng động, tích cực thích ứng trong tình hình mới, nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, phát triển ổn định trên thị trường, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đều qua các năm, huyện không có xã nghèo”, ông Phùng Mạnh Thắng cho hay.
Là địa phương có thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi nên tỷ lệ HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Tam Dương chiếm tới 90%, các HTX đã từng bước phát huy được vai trò "trụ đỡ" cho kinh tế nông hộ, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân.
HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa là đơn vị tiên phong trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Đặc biệt, với việc thành lập HTX đã đưa sản phẩm dưa chuột trở thành thương hiệu của xã An Hòa. Đến với Tam Dương nhắc đến dưa chuột thì ai cũng nhớ đến xã An Hòa.
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ: Hoạt động từ tháng 4/2017 đến nay, HTX duy trì diện tích luân canh từ 5 - 6ha/năm. Mỗi năm trồng 4 vụ dưa, ngoài ra còn trồng thêm 1 số loại cây như đỗ xanh, đậu đũa, ngô (theo mùa). Nguồn thu từ dưa chuột tương đối cao khoảng từ 5 - 10 triệu đồng/sào. HTX sẽ cung cấp cho bà con đầy đủ từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình sản xuất và đảm bảo việc thu mua, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp rau, củ, quả cho các thành viên HTX.
Giảm nghèo gắn với sản xuất xanh
Đến nay, dưa chuột của HTX được giao đến chuỗi siêu thị BigC miền Bắc, một phần xuất cho Công ty SENFOOD để xuất khẩu sang Hàn Quốc và xuất đến các chợ đầu mối của Hà Nội…
“Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, HTX đảm bảo việc thu mua, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp rau, củ, quả cho các thành viên HTX với giá cả ổn định”, ông Đô Văn Dũng cho hay.
Ngoài ra, theo ông Dũng, HTX đã xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng dẫn các thành viên sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đảm bảo tuyệt đối quy định về vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với đó, HTX đang mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, mang lại lợi ích toàn diện cho thành viên, người lao động HTX. Không chỉ về lợi ích kinh tế, các HTX đang ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Anh Phan Văn Hưng, thành viên HTX chia sẻ: “Vào HTX, chúng tôi không được sử dụng thuốc trừ sâu và bón phân tùy tiện, quá trình trồng và chăm sóc đều theo quy trình, hướng dẫn kỹ thuật của HTX. Các thành viên cũng được HTX hỗ trợ phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật, được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 1.000 - 1.500 đồng/kg”.
Trong khi đó, bà Phùng Thị Sáu, thành viên HTX cho hay: "Nhà tôi có hơn 6 sào đất trồng dưa chuột và rau VietGAP. Vào HTX, tôi được chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, trang bị kiến thức về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao gấp 1,5 lần so với thị trường”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tam Dương Phùng Mạnh Thắng, để tiếp tục phát huy hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn cho các HTX, UBND huyện Tam Dương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp, hộ nông dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Huyện cũng đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX nâng cao nội lực,
Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời tích cực thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.