Tam giác Nga - Trung - Ấn có thể hình thành ở phương Đông?

Tổng thống Nga Putin dường như có các kế hoạch lớn trong việc tạo dựng một khối liên minh mới trên cơ sở tìm cách làm tan băng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nắm tay Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị BRICS năm 2022. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nắm tay Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị BRICS năm 2022. Ảnh: Reuters

Nga với mục tiêu xây dựng hệ thống thương mại riêng

Tuần trước, đã diễn ra một cuộc họp nhiều ý nghĩa ở New Delhi mà không được phần lớn các nước phương Tây không để ý. Đó là bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Thư ký Hội đồng An ninh quyền lực của Nga Nikolai Patrushev đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp riêng. Thông tin chính thức về những gì đã được thảo luận chỉ được đưa rất sơ sài, chung chung và mang tính ngoại giao, nhưng phải hiểu rằng, để có được cuộc gặp với ông Modi không phải là nhiệm vụ dễ dàng và cuộc trò chuyện chắc chắn có những câu chuyện đáng chú ý.

Kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, nền kinh tế Nga chủ yếu dựa vào quan hệ thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc. Mức độ trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moscow đồng nghĩa với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin về cơ bản phải xây dựng một hệ thống thương mại riêng để tránh các giao dịch bằng đô la.

Trên thực tế trong thời gian qua, giao dịch thương mại của Nga với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) đã tăng lên gấp 80 lần. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước, ông Putin đã nói về một kế hoạch dài hạn dựa vào đồng NDT như một loại tiền tệ được lựa chọn. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng đồng NDT của Trung Quốc để thanh toán giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin”.

Kế hoạch đó cũng sẽ bao gồm cả Ấn Độ vào một thời điểm không xa. Thời gian qua, nhờ tăng cường mua dầu số lượng lớn, nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gấp bội với con số khổng lồ 400% trong năm tài chính vừa qua. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ và tiến trình này tăng nhanh đột biến bởi tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ mới là đối tác lớn thứ 7 của Nga. Không có gì ngạc nhiên khi Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đi cùng với Chủ tịch Rosneft, công ty dầu khí nhà nước của Nga, người đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ để tăng nguồn cung.

Chưa hết, tại một hội nghị doanh nghiệp Nga-Ấn Độ tại New Delhi ngày 31.3 vừa qua, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Alexander Babakov đã gợi ý rằng Nga, Trung Quốc và Ấn Độ nên giao dịch bằng một loại tiền kỹ thuật số chung. Ông tuyên bố đó cần phải là ưu tiên hàng đầu. “Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là viết ra các quy tắc mới trong lĩnh vực tài chính cho phép sử dụng một loại tiền tệ chung. Không quan trọng đó là đồng rúp kỹ thuật số, đồng rupee kỹ thuật số, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hay một số loại tiền tệ khác. Nhưng điều quan trọng là loại tiền này phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia tương ứng của chúng ta. Và việc tạo ra nó nên dựa trên việc thiết lập các mối quan hệ tài chính mới dựa trên một hệ thống không dựa vào đồng đô la hay đồng euro ngày nay, mà tạo ra một loại tiền tệ mới có khả năng phục vụ các mục tiêu của chúng ta”.

Trước đó, Nga đã công bố chính sách đối ngoại mới nhất khẳng định Ấn Độ và Trung Quốc là những đồng minh thân cận nhất của họ.

Thách thức từ quan hệ Trung-Ấn

Giữ Trung Quốc và Ấn Độ trong mối quan hệ liên minh, đặc biệt là để tạo ra một hệ thống thương mại không bị chi phối bởi phương Tây là mục tiêu của Moscow.

Tuy nhiên, khó khăn đối với Putin nằm ở chỗ Ấn Độ vẫn nghi ngờ Trung Quốc, do các cuộc đụng độ kéo dài ở biên giới, và rất khó có khả năng New Delhi sẽ sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh để xây dựng một nền kinh tế song song không có đồng đô la. Sau khi các cuộc đụng độ biên giới người nổ ra vào năm 2020, Ấn Độ đã tẩy chay các nhà đầu tư và ứng dụng điện thoại thông minh của Trung Quốc. Năm ngoái, họ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra trốn thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Xu hướng cứng rắn trong chính sách thương mại này một phần cũng bắt nguồn từ chủ nghĩa bảo hộ mà Ấn Độ đang theo đuổi, với chủ trương của Thủ tướng Modi về việc xây dựng một nền kinh tế tự lực tự cường, tập trung vào nguồn lực trong nước.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ấn Độ không muốn thách thức sự thống trị toàn cầu của đồng đô la. Những lo ngại về quyền bá chủ của phương Tây là một phần lớn hơn trong văn hóa chiến lược của Ấn Độ. Năm ngoái, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã cho phép giao dịch bằng đồng rupee, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nếu Tổng thống Putin muốn tận dụng những điểm đồng lợi ích này để thúc đẩy một hệ thống thương mại song song của mình, thì Moscow sẽ phải tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi ở biên giới của họ. Nhiều người hoài nghi rằng Putin có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, biên giới với Ấn Độ cũng đang ngày càng trở thành một chú thích trong các ưu tiên chiến lược của chính Trung Quốc khi nước này hướng đến những vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã tự định chứng tỏ mình là một lựa chọn thay thế chiến lược cho Mỹ, ở khắp mọi nơi từ Ukraine đến Thái Bình Dương và Trung Đông.

Nếu Tổng thống Putin có thể tập hợp những tham vọng lớn ơn đó khi ông gặp Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO và có lẽ là G20 vào cuối năm nay, thì một tam giác chiến lược mới có thể sẽ hình thành ở phương Đông.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tam-giac-nga-trung-an-co-the-hinh-thanh-o-phuong-dong--i325610/