'Tam giác vàng' du lịch biển, đảo

Quảng Trị hiện có 75 km bờ biển với các bãi biển đẹp, có hệ thống giao thông thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Cách bờ biển Cửa Tùng, Cửa Việt hơn 15 hải lý là đảo Cồn Cỏ với hệ sinh thái biển đa dạng cùng với lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường. Đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để kết nối thành tam giác du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ.

Biển Cửa Việt thu hút nhiều du khách tham quan -Ảnh: L.K

Biển Cửa Việt thu hút nhiều du khách tham quan -Ảnh: L.K

Bên cạnh đó, tam giác du lịch Cửa Tùng-Cửa Việtđảo Cồn Cỏ ở gần các di tích quốc gia đặc biệt như Địa đạo Vịnh Mốc và Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải nên rất thuận lợi cho việc kết nối, làm phong phú các loại hình du lịch biển, đảo và du lịch di sản văn hóa.

Mặt khác 3 địa danh này là điểm cuối cùng vươn ra biển của Hành lang kinh tế Đông-Tây qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay nối Việt Nam với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar... Do vậy, tam giác du lịch Cửa TùngCửa Việt-đảo Cồn Cỏ có lợi thế rất lớn về mặt địa lý để kết nối với các địa phương trong khu vực nhằm phát triển du lịch.

Ngày 8/4/2019 tại cảng Cửa Việt, tàu biển Panorama II đã cập cảng Hợp Thịnh đưa thủy thủ đoàn và 44 khách du lịch quốc tế đến từ các nước như Canada, Mỹ, Australia và New Zealand đến tham quan và trải nghiệm du lịch tại Quảng Trị. Đây là đoàn khách du lịch quốc tế lần thứ 2 đến Quảng Trị trong năm 2019 bằng tàu biển qua đó mở ra hướng phát triển mới cho ngành du lịch Quảng Trị.

Đến nay, Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng để khai thác du lịch. Cùng với đó là đường ven biển Cửa Việt-Cửa Tùng nối với đường xuyên Á từ TP. Đông Hà về cảng Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Trong chiến lược phát triển du lịch biển, đảo tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu dịch vụ-du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng-Cửa Việt; Khu dịch vụ-du lịch dọc tuyến Cửa Tùng-Vịnh Mốc; Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt và Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ. Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch nhất là xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp; mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ để phát huy tiềm năng tam giác du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ.

Tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ hiện đã trở thành điểm nhấn nổi bật của du lịch Quảng Trị. Hòn đảo này hấp dẫn du khách bởi phong cảnh hoang sơ cùng với hệ sinh thái đa dạng. Nằm sâu dưới vùng biển này là những rạn san hô trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm. Hầu hết diện tích đảo Cồn Cỏ được phủ xanh bởi rừng nguyên sinh, thảm thực vật tạo nên một quần thể xanh tươi, trù phú.

Hiện nay, trên đảo đã có hệ thống nhà nghỉ, homestay đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về chỗ ở; các nhà hàng, địa điểm để phục vụ khách du lịch ăn uống, giải trí cơ bản đảm bảo. Đặc biệt có 2 tàu cao tốc đưa khách du lịch ra đảo chỉ còn 45 phút so với 2 giờ như trước đây. Huyện đảo Cồn Cỏ đã lồng ghép, bố trí kinh phí tôn tạo một số điểm tham quan, phát triển nâng cấp một số dịch vụ thiết yếu như xe điện đưa đón khách, dịch vụ lặn ngắm rạn san hô…

Tỉnh Quảng Trị đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cồn Cỏ để phục vụ khách du lịch trên Hành lang kinh tế Đông-Tây; chú trọng phát triển các loại hình du lịch như lặn biển ngắm san hô, tham quan khu rừng đặc dụng và các loài sinh vật cảnh đặc trưng. Cồn Cỏ cũng được kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành “tam giác vàng” du lịch biển, qua đó đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Du khách đến với bãi biển Cửa Tùng -Ảnh: L.K

Du khách đến với bãi biển Cửa Tùng -Ảnh: L.K

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì việc đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các khu du lịch đã được quy hoạch từ Cửa Tùng đến Cửa Việt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết các dự án đầu tư vào dịch vụ-du lịch biển ở khu vực này dù được cấp đất ở vị trí đắc địa, có diện tích lớn nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.

Vì vậy chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của du lịch biển, đảo; chưa thật sự tạo động lực phát triển và liên kết chuỗi các cơ sở dịch vụ-du lịch biển trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như kết nối một cách chuyên nghiệp các điểm trong tam giác du lịch Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ.

Vì vậy, để tam giác du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ phát huy hết tiềm năng, lợi thế các ngành, địa phương tăng cường quản lý, rà soát, nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ-du lịch biển. Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án kéo dài thời gian xây dựng, kịp thời chấn chỉnh tình trạng dự án “treo” ở khu du lịch-dịch vụ biển.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cần có chiến lược xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư du lịch biển, đảo; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng cho các nhà đầu tư về kết cấu hạ tầng, các cơ sở phục vụ du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng…Với huyện đảo Cồn Cỏ cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng trong phát triển kinh tế và du lịch, dịch vụ ở đảo có tầm nhìn dài hạn.

Phải khẳng định rằng khai thác tam giác du lịch biển Cửa Việt-Cửa Tùngđảo Cồn Cỏ là tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo có khả năng cạnh tranh với các ngành kinh tế khác. Do vậy, tăng cường đầu tư vào khu du lịch biển này sẽ tạo ra xung lực mới trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Trị trong tương lai.

Lâm Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/du-lich/tam-giac-vang-du-lich-bien-dao/176249.htm