Tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu, kiên trung với con đường cách mạng
Nói về tinh thần quả cảm và sự hy sinh quên mình của người anh hùng Lý Tự Trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: 'Người Đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng' (trích Hồ Chí Minh toàn tập). Trong suốt cuộc đời mình, Lý Tự Trọng đã không ngừng tận tâm, tận hiến và tận trung với con đường cách mạng. Sự hy sinh của anh là ngọn lửa thổi bùng tinh thần yêu nước trong trái tim của biết bao thế hệ tiếp nối...
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÝ TỰ TRỌNG (20/10/1914 - 20/10/2024):
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan (vùng Đông Bắc nước Xiêm, tỉnh Lạc Hòn - địa giới đầu thế kỷ trước) trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Thời kỳ này do phải tránh sự truy lùng gắt gao của bọn thực dân Pháp nên hàng chục nghìn đồng bào yêu nước (phần lớn là miền Trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...) từng nổi dậy theo Phan Đình Phùng đánh Pháp rồi theo Phan Bội Châu tham gia Việt Nam Quang phục Hội để mưu việc “phục quốc” buộc phải tìm đường vượt núi cao Trường Sơn và băng qua Sông Mẹ (Mê Kông) vừa để cuốc cày kiếm sống vừa để tổ chức lực lượng trở về đánh Pháp trong sự chia sẻ, đùm bọc của Nhân dân nước bạn.
Chừng 4,5 tuổi, Lê Văn Trọng được bố mẹ đưa đến ở trong gia đình ông bà Cựu Tuấn, một đồng hương, đồng chí thân tín trong “Quang phục quân” (lực lượng vũ trang của Việt Nam Quang phục Hội) để bố mẹ dành thời gian vừa lo việc cuốc cày làm ra lúa gạo vừa lo việc nước xây dựng các đội nghĩa quân.
Lớn lên trong tinh thần và truyền thống yêu nước của cả hai gia đình và bà con Việt kiều, hơn 6 tuổi Lê Văn Trọng được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái...
Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc. Giữa năm 1925, đồng chí Ngô Chính Quốc - thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) về việc lựa chọn một số con em của các gia đình Việt Kiều yêu nước tại đây đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam, Lê Hữu Trọng là một trong tám thiếu niên được lựa chọn.
Ngay sau khi đến Quảng Châu cũng như suốt thời gian mấy năm được sự chăm sóc ân cần từ nơi ăn, chốn ở, nhất là trong việc rèn luyện, học tập hàng ngày của đồng chí Vương (tức Lý Thụy - Nguyễn Ái Quốc), cả nhóm thiếu niên đã thể hiện tinh thần cố gắng trong mọi việc học tập, sinh hoạt. Nhóm thiếu niên được đồng chí Vương đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam và trực tiếp giáo dục, rèn luyện. Đồng chí Vương thường trao đổi với các đồng chí trong Tổng bộ về Lý Hữu Trọng, một học viên bé nhất trong nhóm nhưng có tư chất thông minh, rất ham học, rất tích cực rèn luyện và có ý thức tổ chức kỷ luật trong cuộc sống hàng ngày. Đồng chí Vương cùng các đồng chí trong Tổng bộ đã dự kiến kế hoạch chọn một số thiếu niên trong đó có Lý Hữu Trọng đưa sang Liên Xô để đào tạo lâu dài. Để đảm bảo cho việc hoạt động bí mật của nhóm, tất cả các thành viên trong nhóm đều được thay đổi sang họ Lý (cùng họ với Lý Thụy - tức Nguyễn Ái Quốc). Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng, sau đó được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trung học tại Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.
Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch tiến hành phản cách mạng ở Thượng Hải, Trung Quốc và giết hại hàng ngàn đảng viên đảng cộng sản, công nhân cách mạng, đồng thời tuyên bố thành lập “Chính phủ quốc dân” đại diện cho quyền lợi của đại địa chủ, đại tư sản mại bản Trung Quốc. Khi khởi nghĩa Quảng Châu nổ ra, các đồng chí Việt Nam đang học tập tại trụ sở của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu và Trường Quân sự Hoàng phố trong đó có Lý Tự Trọng tham gia trong các lực lượng cách mạng. Sau khởi nghĩa thất bại, nhóm thanh niên Việt Nam bị bắt giam, một số chiến sĩ, cán bộ của Hội tạm lánh về nước.
Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia tổ chức các cuộc mít tinh tại Sài Gòn, Hội nghị công nhân Đông Dương, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn thanh niên cộng sản. Với bí danh là Nguyễn Huy, Lý Tự Trọng xin làm công nhân hãng than tại Sài Gòn.
Năm 1930, khi Trung ương Đảng về đóng trụ sở tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng được làm việc với đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự. Lúc bấy giờ nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vừa làm liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ ủy Nam kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ ủy Nam kỳ với các cấp bộ đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn thanh niên cộng sản.
Ngày 08/02/1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền với nội dung kêu gọi liên minh công - nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Đồng chí Phan Bôi (bí danh là Quảng) lúc này phụ trách tuyên truyền của xứ ủy, được phân công làm trưởng ban tổ chức, Lý Tự Trọng được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ. Khi quần chúng xem đá bóng ở sân bóng C.I.A xong, vừa đổ ra đường, đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết, bọn cảnh sát ập đến, tên mật thám Legrand nhảy vào bắt đồng chí Phan Bôi. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn tên mật thám gục xuống. Trước sự kiện chấn động đó, thực dân Pháp đã ra sức truy lùng và bắt sống được anh.
Sau khi bị thực dân Pháp bắt, Lý Tự Trọng bị đưa đi tra tấn và giam giữ lần lượt tại hai nơi là bốt Catinat và Khám lớn Sài Gòn. Dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng địch không khai thác được thông tin gì từ anh, chỉ nói tên anh là Nguyễn Huy. Giam cầm tra tấn ở Khám lớn Sài Gòn một thời gian không thu được kết quả, bọn chúng đưa anh ra xử án. Run sợ trước phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 17 tuổi. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mặc dù bị xiềng xích nhưng hàng ngày anh vẫn tập thể dục, đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Khí phách hiên ngang của anh đã làm cho bọn cai ngục phải khâm phục và kinh ngạc, chúng gọi anh là “Ông Nhỏ”, “thật là con người gang thép”.
Tối 20/11/1931, bọn cai ngục lặng lẽ đưa máy chém đến sát cửa Khám lớn. Lúc này, toàn khám náo động, tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng la hét, tiếng hô khẩu hiệu của hàng nghìn tù nhân kể cả thường phạm vang ra ngoài: “Đả đảo thực dân xử tử anh Trọng”, “Đả đảo thực dân giết hại Nguyễn Huy”, “Trả tự do cho Lý Tự Trọng”. Bọn thực dân ra lệnh báo động, bao vây Khám lớn, cho lính xông vào các nhà giam trói tay, cùm chân tù nhân, nhưng tiếng thét vẫn cứ dồn dập vang lên. Cửa xà lim tử hình mở ra, một lũ lính lăm lăm tay súng vây quanh Lý Tự Trọng. Anh bình tĩnh, ung dung bước đi, miệng hô lớn: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!” “Việt Nam, Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.
Tù nhân trong các nhà giam đồng loạt hô theo. Lát sau, từ cổng Khám lớn Sài Gòn vẳng lại: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên, vùng lên...”.
Tinh thần cách mạng bất khuất ấy của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, sự anh dũng hy sinh của anh đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Dù ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Lý Tự Trọng đã để lại cho các thế hệ thanh niên Việt Nam một di sản quý giá, đó chính là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và nhiệt huyết tuổi trẻ. Kể từ đó, tên anh đã đi vào lịch sử, trở thành tấm gương sáng chói cho lớp lớp thanh niên Việt Nam sau này học tập và noi gương.