Tấm gương nỗ lực trong phát triển kinh tế, cống hiến cho xã hội
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả với Tổ quốc, trở về quê hương, cựu chiến binh (CCB) Phạm Xuân Hạnh ở Khóm 1, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tiếp tục nhiệm vụ mới là phát triển kinh tế gia đình. Với quyết tâm cao cộng sự cần cù chịu khó, người CCB này đã thành công trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, ông Hạnh còn tâm huyết, tích cực trong các phong trào, công tác xã hội ở địa phương và luôn được người dân tin yêu, tín nhiệm.
Năm 1986, anh thanh niên Phạm Xuân Hạnh lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 308 và được phân về phòng hậu cần làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Năm 1989, Phạm Xuân Hạnh rời quân ngũ, trở về quê hương ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh và tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương, được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Xã đoàn Vĩnh Tú.
Sau khi lập gia đình, ông Hạnh cùng vợ vào tỉnh Thừa Thiên Huế làm công nhân. “Nhiều năm làm công nhân, tôi nhận thấy nếu cứ mãi làm công việc này thì khó có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Mặt khác, tôi luôn nhớ tới quê nhà và muốn quay về để xây dựng cuộc sống tốt hơn, nhất là phải cố gắng có được thu nhập khá hơn để chăm lo cho con cái có cuộc sống đàng hoàng”, ông Hạnh tâm sự.
Nghĩ là làm, năm 2000, ông Hạnh đã chạy vạy, tích cóp mua được một mảnh đất 2 ha ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh với quyết tâm phát triển kinh tế tại đây. Đến năm 2005, ông Hạnh và gia đình chính thức về quê và chuyển lên sinh sống tại thị trấn Bến Quan. Thời gian đầu đến với mảnh đất mới, cuộc sống gia đình ông không tránh khỏi khó khăn, chật vật.
Tuy vậy, với ý chí không cam chịu đói nghèo, tinh thần không quản ngại gian khổ của một người lính, ông Hạnh bắt tay vào chăm sóc, khôi phục, cải tạo vườn tạp từ mảnh đất cằn cỗi, hoang vu. Xác định rõ thế mạnh vùng đất này là phát triển cây cao su, ông đã quyết định thay thế vườn cây cao su già cỗi bằng những giống cây cao su mới có chất lượng cao hơn.
Với số vốn ít ỏi dành dụm được cộng với nguồn vốn vay 50 triệu đồng của hội CCB, ông Hạnh vào tận Nông trường Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để lựa chọn, đưa giống cao su về trồng cũng như cung cấp cây giống cho người dân trên địa bàn. Tiếp đó, ông đầu tư trồng thêm tràm và đa dạng các loại cây ăn quả như bưởi, mít, xoài, ổi, dứa...; phát triển chăn nuôi bò, lợn, gia cầm.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, đến nay, ông Hạnh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp với 2 ha cao su, 10 ha tràm, hơn 10 con bò, hàng chục loại cây ăn quả có chất lượng, với tổng thu nhập bình quân hằng năm đạt từ 1,3 đến 1,5 tỉ đồng. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Hạnh dành thời gian tích cực hướng dẫn cho các CCB và người dân địa phương những kinh nghiệm, kỹ thuật... chăm sóc cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương.
Không chỉ bền bỉ, cần cù trong phát triển kinh tế, CCB Phạm Xuân Hạnh còn là một khóm trưởng năng động, nhiệt tình trong các hoạt động tại địa phương. Từ khi đến “quê hương thứ hai”, ông Hạnh luôn tích cực tham gia công tác hội, đoàn thể địa phương trong nhiều vai trò, ở cương vị nào, ông cũng đều tận tâm cống hiến với mong muốn góp sức mình vào sự phát triển chung của thị trấn Bến Quan. Năm 2015, ông được bầu làm Trưởng khóm Khe Cáy.
Ông chia sẻ: “Ở cương vị một người khóm trưởng, tôi luôn cố gắng gần dân, hiểu dân và nêu cao tinh thần “nói cho dân nghe, làm cho dân tin”. May mắn là từ minh chứng sinh động của bản thân đã được tôi luyện qua môi trường quân đội, bền gan, vững chí thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nên tôi nói được bà con tin tưởng. Ngoài ra, trong quá trình công tác, tôi luôn sâu sát, lắng nghe ý kiến; trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con để có hướng giải quyết hiệu quả”.
Năm 2019, khóm Khe Cáy và khóm Ngã Tư của thị trấn Bến Quan sáp nhập thành khóm mới tên là Khóm 1. Ông Hạnh vẫn tiếp tục được tin tưởng bầu giữ chức Trưởng Khóm 1. Giờ đây, Khóm 1 là một đơn vị mạnh của thị trấn Bến Quan khi đời sống người dân được nâng cao, kinh tế các hộ gia đình đều phát triển; bà con trong khóm luôn đồng lòng, đồng sức trong mọi hoạt động. Để đạt được thành quả đó, có một phần không nhỏ nhờ sự tận tụy, nhiệt huyết trong công tác của CCB Phạm Xuân Hạnh trên cương vị khóm trưởng.
Ông kể lại, sau khi sáp nhập, khó khăn nhất là địa bàn rộng, người dân có sự khác biệt về hoạt động kinh tế, thói quen sinh hoạt nên có phần bỡ ngỡ, chưa đoàn kết với nhau. Nhận thấy rõ điều đó, ông Hạnh quyết tâm gắn kết cộng đồng bằng các buổi hội họp, liên hoan văn nghệ, kết hợp người dân giữa 2 khóm cũ để thực hiện nhiệm vụ chung cho khóm mới. Để tạo sự đồng thuận, đoàn kết thành một khối, ông khởi xướng tổ chức nhiều trận đấu giao hữu, các giải thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, Khóm 1 phát triển mạnh về mọi mặt với 230 hộ, 820 nhân khẩu. Vừa qua, bà con Khóm 1 phấn khởi khi hoàn thành 2 công trình chào mừng 30 năm thành lập thị trấn Bến Quan 1/8 (1994-2024), đó là: công trình đường bê tông nội khóm với tổng chi phí 110 triệu đồng và công trình sân bóng chuyền phong trào trị giá 70 triệu đồng.
Tất cả các công trình đều do Nhân dân tự đóng góp cùng với nguồn thu từ xã hội hóa do ông Hạnh trực tiếp đứng ra kêu gọi ủng hộ. Giờ đây, trong mỗi chặng đường phát triển của quê hương, có thể nói rằng đều in đậm dấu ấn sự cống hiến tận tâm, hết lòng vì dân của Đảng ủy viên, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khóm 1 Phạm Xuân Hạnh.
Ông nói thêm: “Là một người lính, tôi luôn tâm niệm rằng khi đã trải qua và chiến thắng cuộc chiến tranh ác liệt với quân xâm lược thì trên bất cứ mặt trận nào, chúng tôi cũng sẽ không ngại tiên phong và quyết tâm đạt được kết quả như mong muốn”.