Tấm gương sáng ở vùng biên giới

Trên những con đường dọc dài biên giới Tây Nam của Tổ quốc, giờ đã không còn cảnh vắng vẻ, đìu hiu, những điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới từng ngày khởi sắc. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả là minh chứng cho quá trình hăng say lao động, khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh (Sáu Minh) ở Điểm dân cư liền kề xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An là nông dân tiêu biểu, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong xây dựng và phát triển kinh tế, tấm gương sáng cho bà con nhân dân ở các vùng biên giới phấn đấu, học tập.

“Miệt vườn” trên biên giới

Trong ngôi nhà kiên cố khang trang được Quân khu 7 và tỉnh Long An hỗ trợ gần 180 triệu đồng, gia đình đầu tư thêm trên 750 triệu đồng xây dựng vào năm 2020 ở điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa. Ông Sáu Minh, năm nay 60 tuổi cùng vợ là bà Nguyễn Thị Mum, 59 tuổi thật hào sảng, phong cách người Nam Bộ, nhiệt tình mời các chú bộ đội và dân quân thưởng thức đặc sản từ cây nhà, lá vườn như bưởi da xanh, dừa xiêm…

 Vợ chồng ông Sáu Minh thu hoạch trái cây.

Vợ chồng ông Sáu Minh thu hoạch trái cây.

Gắn bó với vùng đất này từ năm 1995, trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn, từ khi 5 người con của ông bà còn nhỏ, đến nay đều đã trưởng thành, yên bề gia thất, nhưng cảnh thiếu trước, hụt sau vẫn luôn thường nhật. “Làm việc quần quật mà chẳng khi nào dư nổi, lúc đó chỉ nghĩ, chắc gia đình mình sẽ nghèo thâm niên”, bà Nguyễn Thị Mum nhớ lại.

Theo ông Sáu Minh, kinh tế gia đình bắt đầu ổn định và phát triển từ khoảng 5 năm trở lại đây, từ 7ha trồng lúa nước, ông mạnh dạn quy hoạch, chia ô, tiến hành trồng các loại cây ăn quả. Trên chiếc ghe nhỏ, hai ông bà dẫn chúng tôi đi thăm “miệt vườn” cây trái của gia đình, những gốc bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng trĩu quả, báo hiệu một mùa bội thu. “Ở gần biên giới, mùa khô thiếu nước nghiêm trọng nên những con kênh được đào quanh vườn vừa tạo không gian đẹp, và cung cấp đủ nguồn nước tưới cho vườn cây”, ông Nguyễn Ngọc Minh giải thích.

Để có được khu vườn ưng ý như hôm nay, ông Sáu Minh đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, trong quá trình vừa làm vừa học tập kỹ thuật qua sách báo, tivi, đồng thời được sự quan tâm của địa phương cử tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong tỉnh, tạo điều kiện cho vay vốn. Ông cho biết, nhờ có đường giao thông thuận lợi, nên việc buôn bán ổn định, tiểu thương vào thu mua tận vườn cho bà con với giá cao. Ngoài trồng cây ăn quả, ông còn rất mát tay trong chăn nuôi, đàn bò của gia đình luôn có gần 10 con, heo thịt gần 50 con, mỗi năm tổng thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi, sau khi trừ chi phí đầu tư cho gia đình ông thu lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Vợ chồng ông Sáu Minh sử dụng ghe để dạo quanh “miệt vườn” của gia đình.

Vợ chồng ông Sáu Minh sử dụng ghe để dạo quanh “miệt vườn” của gia đình.

Triển vọng từ mô hình nuôi thỏ

Với suy nghĩ cỏ trong vườn nhà rất nhiều, là nguồn thức ăn thường xuyên cho thỏ, năm 2022, ông quyết định mua 10 con thỏ nái để nuôi thử. Kết quả, đàn thỏ phát triển rất nhanh và đẻ nhiều (mỗi tháng thỏ mẹ đẻ một lần). Từ đó giúp ông đột phá, đầu tư mở rộng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi thỏ.

Hiện nay, đàn thỏ của gia đình ông có khoảng 500 con, có lúc cao điểm lên đến gần 1.200 con. Để đảm bảo sức khỏe và phát triển tốt cho thỏ, nguồn thức ăn chính là cám viên kết hợp bổ sung chất xơ từ cỏ và các loại rau xanh. Theo ông Minh cần chú ý 2 nhóm bệnh chính của thỏ là cầu trùng và ghẻ. “Phải hiểu chúng, chăm sóc tỉ mỉ, đặc biệt là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hằng ngày thì mới hạn chế được bệnh tật, mang lại hiệu quả cao, bền vững”, ông Sáu Minh chia sẻ.

Ông Sáu Minh trong khu chăn nuôi thỏ của gia đình.

Ông Sáu Minh trong khu chăn nuôi thỏ của gia đình.

Về đầu ra của sản phẩm, qua những chuyến tập huấn, tham quan ở tỉnh Long An và các địa phương khác, ông đã kết nối được với một số khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, với giá tương đối ổn định, cho gia đình ông thu nhập hàng tháng từ xuất bán thỏ số tiền khoảng 5 triệu đồng.

“Không chỉ làm kinh tế giỏi, chú Sáu Minh còn là người rất nhiệt tình với công tác xã hội, luôn giúp đỡ các hộ còn khó khăn trong ấp vay vốn không tính lãi, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho bà con vào những lúc nông nhàn để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Thành Phuông, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tự hào nói về ông Nguyễn Ngọc Minh.

THẾ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự - Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tam-guong-sang-o-vung-bien-gioi-737570