Tấm gương soi chiếu một thế hệ yêu nước đầy khí phách
Cuốn hồi ký 'Gia đình, bạn bè, đất nước' không chỉ là hành trình của một con người mà còn là tấm gương soi chiếu cả một thế hệ yêu nước đầy khí phách, cần được đọc để hiểu và để tri ân. Bà Nguyễn Thị Bình – người phụ nữ duy nhất ký vào Hiệp định Paris năm 1973 – đã khắc họa bằng lời văn giản dị mà sâu sắc hành trình ngoại giao lẫy lừng, lòng yêu nước nồng nàn và bản lĩnh chính trị vững vàng.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam cùng với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hợp tác tái bản cuốn sách Gia đình, bạn bè và đất nước của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris.
Là người con vùng đất Quảng giàu truyền thống Cách Mạng, bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927) tiếp nối lịch sử vẻ vang ấy, khi trở thành một nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định, góp phần tạo nên cuộc đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc ta.

Hồi ký Gia đình, bạn bè, đất nước của bà Nguyễn Thị Bình. Cuốn sách được bà bắt tay viết từ năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009 và được bổ sung, chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023. Ảnh: Omega+
Hai lần “phá luật” để bảo vệ đồng bào
Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh. Cha bà là viên chức trong ngành trắc địa. Mẹ bà mất sớm, khi bà mới 16 tuổi. Thời ấu thơ, bà cùng gia đình sống ở nông thôn, sau đó cha bà được điều sang Campuchia làm việc, cả gia đình định cư tại Phnom Penh một thời gian dài. Tại đây, bà học tại trường Lyceé Sisowath, một trường trung học Bảo hộ dạy bằng tiếng Pháp.
Từ nhỏ, bà ảnh hưởng từ cha qua thái độ lao động – nền tảng cho công tác chính trị sau này: “Cụ là người rất yêu lao động nên đánh giá con người cũng qua thái độ lao động của họ: người nào siêng làm là người tốt, người nào hơi lười Cụ không ưa…Về sau trong suốt đời hoạt động và công tác, tôi luôn gắn bó và cũng dễ gần gũi với người dân lao động, thường nhìn con người qua thái độ lao động và cách họ quan hệ với người lao động…”, bà viết trong hồi ký.

Bà Nguyễn Thị Bình tại Paris tháng 12.1970. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Nhiều bạn bè của bà cho rằng bà Nguyễn Thị Bình thừa hưởng một số đặc tính của người đất Quảng: cương trực, khí phách, không dễ bị khuất phục, “tham việc công”, nghĩa là có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, sẵn sàng gánh vác và dấn thân…
Ngày 19.3.1950, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, trước sự kiện hai chiếc tàu của Mỹ là soái hạm Stickwell và khu trục trạm hạm Anderson cập bến Sài Gòn. Thành ủy Sài Gòn thành lập Ban chỉ đạo cuộc đấu tranh rộng lớn chống sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, đồng thời chống đàn áp và khủng bố của địch tại các đô thị. Bà Nguyễn Thị Bình đại diện phụ nữ trong Ban chỉ đạo chung, cùng đồng đội có nhiệm vụ vận động bãi công bãi thị và biểu tình.
“Chúng tôi được chỉ thị những người trong Ban chỉ đạo chỉ theo dõi, không được lộ diện chỉ huy”, bà viết trong hồi ký. Thay vì ẩn mình, bà đã “nhảy vào bấu xé giằng tau tên mật thám” giúp anh thanh niên thoát khỏi tay địch, khi anh này giật xuống lá cờ Mỹ trên lầu hai của trụ sở phái đoàn Mỹ. Trước đó, bà đã hô to: “Hãy bảo vệ anh em ta!” khi dự đoán nhiều mật thám vây quanh anh thanh niên.
Trước sự quyết liệt của quần chúng, hai chiếc tàu Mỹ phải rút lui ngay trong đêm, hủy bỏ thao diễn thủy quân. Cuộc biểu tình thắng lợi.

Bà Nguyễn Thị Bình đại diện đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, gặp gỡ với báo chí trước khi bước vào bàn đàm phán tại Trung tâm Hội nghị Kleber ở Paris, Pháp, năm 1969. Ảnh tư liệu
Lần khác, khi nhận nhiệm vụ tổ chức mít tinh tại Chợ Lớn vạch tội ác địch và kêu gọi bà con Hoa kiều cùng người Việt đấu tranh để bảo vệ con em, bà Nguyễn Thị Bình đã xông ra kéo mọi người đứng bao quanh một thanh niên người Hoa đang diễn thuyết. Vì muốn bảo vệ cho thanh niên người Hoa, bà lại phạm luật lộ mặt khi thực hiện nhiệm vụ. Sự kiện diễn thuyết sau đó tạo được tiếng vang.
Những lần “phá luật” có thể khiến bà bị địch chú ý, nhưng bà đã đặt an toàn tính mạng của nhân dân lên trước, sau cùng, bà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, thấy được tấm lòng yêu nước, thương dân, tinh thần dũng cảm của bà Nguyễn Thị Bình.
Giữ vững nguyên tắc đàm phán “dĩ bất biến ứng vạn biến”
Khi ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, bà chuẩn bị tinh thần trở về Nam hoạt động nhưng đầu năm 1961, bà được cử làm công tác ngoại giao cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong 6 tháng tại Ban Thống nhất, mà sau này bà không ngờ sẽ tiếp tục công việc ấy suốt 14 năm.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27.1.1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: Văn Lượng - TTXVN
“…Tất cả chúng tôi phải đổi tên để giữ bí mật. Đồng chí Nguyễn Văn Đức, một trong những đồng chí lãnh đạo Ban Thống nhất gợi ý tôi lấy tên là Bình. Bình là hòa bình, đi quốc tế dễ tranh thủ cảm tình và tên cũng dễ đọc. Tên Yến Sa, bí danh của tôi suốt thời kháng chiến chống Pháp”, bà Bình chia sẻ trong hồi ký.
Bà đi khắp nơi trên thế giới để vận động sự ủng hộ đấu tranh giải phóng dân tộc, từ bạn bè năm châu cho tới các chính phủ, rồi tranh thủ các lực lượng hòa bình, chống chiến tranh ở Mỹ.
Năm 1967, bà gặp một số một số đại diện phong trào phản chiến lần đầu tiên ở cuộc họp tổ chức tại Bratislava (nay là Cộng hòa Slovakia). Những người Mỹ tới cuộc họp với trang phục thiếu chỉnh tề, ăn nói tự do… Nhưng khi nghe bà trình bày tình hình Việt Nam, mong muốn độc lập của nhân dân Việt Nam, tội ác của Mỹ, họ chăm chú lắng nghe, đặt nhiều câu hỏi: “Cuối cùng hai bên siết tay nhau, hứa hẹn sẽ nỗ lực làm cho dư luận các nước, đặc biệt là Mỹ, hiểu rõ thực tế ở Việt Nam”, bà viết trong hồi ký.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc mừng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3.2025. Ảnh: TTXVN
Năm 1968, bà Nguyễn Thị Bình nhận chỉ thị tham gia đàm phán tại Paris. Bà luôn giữ vững lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lập trường nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự đổi thay). Bà cùng Đoàn ngoại giao gặp gỡ và trả lời báo chí phương Tây. Họ tập trung nhiều vấn đề, có quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam không? Lúc đó, bà và các đồng chí trong đoàn ngoại giao chỉ một mực trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam là ở Bắc cũng như Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống quân xâm lược”.
Cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình gắn chặt với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong suốt thế kỷ XX. Đó là hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc để giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước hòa bình, rồi thực hiện công cuộc Đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với 96 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, bà Nguyễn Thị Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Đọc hồi ký Gia đình, bạn bè, đất nước của bà Nguyễn Thị Bình, bạn đọc không chỉ cảm nhận tâm tư, tình cảm của bà dành cho gia đình, bạn bè và đất nước mà còn thấy tự hào về một thế hệ vừa “đánh vừa đàm” để “non sông liền một dải” như ngày hôm nay.
Minh Trang
_______________
* Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè, đất nước.