Tấm gương thương binh 'Tàn nhưng không phế'
Một thời từng cầm súng chiến đấu, dành trọn tuổi xuân cho độc lập dân tộc, đến khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống thường nhật, thương binh hạng ¼ Nguyễn Văn Thời ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Tháng 10/1966, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thời viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Người chiến sĩ ấy đã tham gia 20 trận đánh, 3 chiến dịch lớn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại chiến trường Bến Lức - Long An, trong một trận chiến đấu quyết liệt, ông Thời (khi đó là Đại đội trưởng) đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng bản thân ông lại bị một mảnh đạn pháo cắt đứt cánh tay trái và nhiều mảnh nhỏ còn găm lại trong cơ thể.
Miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Thời trở về quê hương nghỉ mất sức lao động với tỷ lệ thương tật 81%. Là thương binh nặng, ông được Đảng ủy và chi bộ miễn phân công lao động, nhưng tự lượng được sức mình, ông muốn tham gia cống hiến phần trí tuệ của mình bằng những việc làm cụ thể.
Từ giữa năm 1978, tỉnh cử cán bộ về địa phương hướng dẫn làm mặt hàng thảm bẹ ngô xuất khẩu, ông đã xung phong phụ trách xưởng dệt thảm của hợp tác xã. Với tác phong quân sự và bầu nhiệt huyết của người lính năm xưa, ông lại lăn xả vào công việc.
Ông ngày đêm bám máy, bám xưởng, tìm tòi công nghệ mới để tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Nhờ vậy, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng tăng, người lao động có thu nhập ổn định.
Liên tục trong 10 năm (1978-1988), xưởng dệt của hợp tác xã Thổ Tang do ông Thời phụ trách đã xuất được trung bình mỗi năm 100.000 m2 thảm bẹ ngô sang Liên Xô cũ. Cuối những năm 80, thị trường tiêu thụ thảm bẹ ngô đóng cửa, xưởng dệt thảm của hợp tác xã cũng ngừng hoạt động. Ông cùng em trai nhận đấu thầu 2 mẫu ruộng của HTX để trồng hoa, nuôi gà công nghiệp…
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Thời còn tích cực tham gia các hoạt động phát triển KT-XH của địa phương. Từ năm 2001-2009, ông được lãnh đạo xã và Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã tín nhiệm, giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Quản lý chợ Thổ Tang.
Từ khi ông Thời nhận nhiệm vụ mới, không chỉ đảm bảo chế độ thù lao hằng tháng cho lực lượng tham gia Ban Quản lý chợ mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương từ 100 triệu đồng/năm lên 170 triệu đồng/năm.
Năm 2011, được cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên trong thôn tín nhiệm, ông Thời được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Lá Sen. Năm 2013, ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Lá Sen. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ở cương vị nào, ông Thời cũng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, được chính quyền địa phương tin tưởng, bà con lối xóm yêu quý, tôn trọng.
Không chỉ vượt lên thương tật của bản thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, ông Thời còn gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông luôn giáo dục con cháu phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh. Các con ông đều đã trưởng thành và có gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang Lê Kim Thành cho biết: “Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Thời là người gương mẫu, trách nhiệm, luôn hết lòng với công tác xã hội của địa phương. Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tại địa phương nơi ông sinh sống.
Ông Thời luôn gương mẫu trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, khu dân cư văn hóa. Ông là tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”.
Trở về sau cuộc chiến, dù những cơn đau vẫn đeo đẳng nhưng thương binh Nguyễn Văn Thời luôn rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Ông cho biết: “Tôi năm nay đã 75 tuổi đời và hơn 50 năm tuổi Đảng, những vết thương chiến tranh có làm tôi đau nhức mỗi khi “trái nắng, trở trời”, nhưng tôi vẫn luôn mong muốn được tiếp tục cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước. Dù thương tật, dù tuổi cao, nhưng tôi luôn một tấm lòng, một ý chí hướng về quê hương, đất nước, mong tỉnh ngày càng giàu đẹp, phồn vinh hơn”.
Ghi nhận những thành tích trên, ông Nguyễn Văn Thời đã được các cấp, ngành tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen. Ông là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.