Tấm gương trung nghĩa, hiếu thảo của Trương Đỗ

Trương Đỗ - người xã Thanh Giang (Thanh Miện) là một nhà khoa bảng tài, đức vẹn toàn.

Khám, ngai và bài vị thờ Trương Đỗ tại di tích Đàn Thiện

Khám, ngai và bài vị thờ Trương Đỗ tại di tích Đàn Thiện

Ông nổi danh sử Việt với ba lần dâng sớ can gián vua Trần Duệ Tông không đem quân đi đánh Chiêm Thành.

Trương Đỗ là một vị quan thanh liêm, tận tụy, mẫn cán, trung quân, ái quốc, ba lần dâng sớ can gián vua Trần Duệ Tông không đem quân đi đánh Chiêm Thành nổi danh sử Việt. Không chỉ vậy, Trương Đỗ còn là một người con rất có hiếu với cha mẹ, là tấm gương sáng cho đời sau noi theo.

Theo sách "Những tấm gương hiếu thảo thời xưa", Trương Đỗ người làng Phù Đái, huyện Đồng Lại, nay là thôn Phù Tải, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng từ nhỏ Trương Đỗ đã học rất giỏi, có tiếng là văn võ song toàn. Năm 15 tuổi, Trương Đỗ lên trọ học ở nhà một người quen tại phường Nghi Tàm, thành Thăng Long. Thời gian này, Trương Đỗ làm gia sư dạy học cho con cháu chủ nhà để được miễn tiền ăn ở nhưng vẫn tranh thủ làm các công việc khác như hái dâu, tỉa cây, bủa lưới để kiếm thêm tiền hằng tháng gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ.

Một lần đi học, gặp các quan Bộ Binh đang tập bắn cung, hầu hết bắn trượt, Trương Đỗ đứng xem, phì cười. Người tướng quân chỉ huy không hài lòng, gắt hỏi: “Ngươi có bắn trúng được không mà dám cười bọn ta?”. Trương Đỗ đáp: “Bắn trúng thì có khó gì”. Trương Đỗ bắn ba phát trúng cả ba. Mọi người đều trầm trồ khâm phục. Tướng quân kinh ngạc, muốn nhận Trương Đỗ làm con nuôi nhưng ông từ chối.

Đến đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Khánh (1330 - 1372), Trương Đỗ thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ), làm quan tới chức Ngự sử đài tư giám đồng úy tự khanh Trung đô phủ tổng quản, thường gọi là Ngự sử đại phu. Khi xây dựng được nơi ăn chốn ở, ông liền về quê đón cha mẹ lên kinh thành để con cháu có điều kiện chăm sóc. Ở triều ông làm việc tận tụy, mẫn cán, được tiếng khen là cẩn thận, liêm khiết. Đại Việt sử ký toàn thư - Bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa 18 (năm 1697), Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2010 có viết về ông: “Trương Đỗ là người thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn… Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng nghèo mà trong sạch”.

Tháng 7 năm Bính Thìn (1376), vua nước Chiêm Thành là Chế Bồng Nga thường xuyên đem quân quấy phá nước ta. Vua Trần Duệ Tông quyết định thân chinh đem quân đi đánh dẹp. Trương Đỗ thấy dụng binh chưa lợi, liền dâng sớ can ngăn rằng: “Chiêm Thành chống lệnh, tội cũng chưa đáng phải giết, song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở, nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thuần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn”.

Lời sớ của quan Ngự sử đại phu Trương Đỗ rất thống thiết nhưng ý vua không thay đổi.

Tháng 9 và tháng 11 cùng năm ấy, Trương Đỗ lại dâng lá sớ thứ hai và thứ ba, phân tích hết điều lợi, điều hại, vua Trần Duệ Tông vẫn bỏ qua không nghe và lệnh cho các tướng dẫn 12 vạn quân nam tiến.

Ngày 23 tháng giêng năm Định Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Chế Bồng Nga sai một viên quan nhỏ tên là Thu Bà Ma đến giả đầu hàng, nói dối là Chế Bồng Nga đã trốn đi, chỉ còn lại thành không, nên nhanh tiến quân, chớ để lỡ cơ hội. Lúc bấy giờ, đại tướng quân của vua Trần cũng can rằng: “Cổ nhân có nói: Lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại”. Vua không nghe, rồi ào ạt tiến quân, nhưng cánh quân ở phía trước và phía sau hoàn toàn cách biệt, giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Vào giờ Tý ngày 24 tháng giêng, quan quân tan vỡ, Trần Duệ Tông cùng các tướng sĩ đều tử trận. Thừa cơ triều đình lộn xộn, tháng 6 năm đó Chiêm Thành lại đem quân vào đánh nước ta.

Đối với Trương Đỗ, sau ba lần dâng sớ can vua không được, ông treo mũ từ quan về quê dạy học, tự sản, tự cấp để phụng dưỡng cha mẹ.

Trương Đỗ chăm sóc cha mẹ già từ việc ăn ngủ hằng ngày đến thuốc thang khi đau ốm. Ông và con cái thường ăn cơm độn, dưa cà là chính, dành gạo ngon, thức ăn ngon cho cha mẹ. Thức ăn nuôi cha mẹ bữa thì thịt tươi, cá tươi, bữa thì chả chim. Hết thì ông cầm cần, cầm nỏ đi tìm vì ông có tài buông câu bắn nỏ. Trương Đỗ phụng cha mẹ già tròn đạo hiếu. Khi cha mẹ tạ thế, ông rất đau buồn, ghi lại những bài văn, những câu đối điếu, ai nghe cũng rơi nước mắt.

Trương Đỗ mất tại quê nhà. Cảm mến tài năng và đức độ của ông, sau khi mất, Trương Đỗ được nhân dân tôn làm Thành hoàng, thờ tự tại đình làng Phù Tải. Trải qua các triều đại phong kiến, Thành hoàng Trương Đỗ đều được ban tặng sắc phong ghi nhận công lao và cho phép bản xã thờ tự.

Năm 1947, do đình Phù Tải bị tiêu thổ kháng chiến, nhân dân địa phương đã rước khám, ngai và bài vị thờ Trương Đỗ về thờ tại di tích Đàn Thiện từ đó đến nay.
Di tích Đàn Thiện được khởi công xây dựng vào năm Thành Thái thập bát niên (1906), kiến trúc kiểu chữ Tam nối liền nhau gồm 3 gian tiền tế, 5 gian trung từ và 5 gian hậu cung. Đây là di tích còn lưu giữ được kiến trúc cổ khá độc đáo của xã Thanh Giang mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc nghệ thuật, được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2002.

ĐẶNG THU THƠM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/danh-nhan/tam-guong-trung-nghia-hieu-thao-cua-truong-do-134607