Tấm gương tự học uyên bác

Không phải ngẫu nhiên trong lời giới thiệu bộ sách 'Chuyện Đông, chuyện Tây' của An Chi, nhà ngôn ngữ học lừng danh Cao Xuân Hạo thốt lên: 'Nhiều người hình dung tác giả là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này'.

“Nhắc đến An Chi với tư cách một người không bằng cấp cao, nhưng say mê lao động khoa học, mang lại niềm tin cho đời sống nghiên cứu học thuật nước nhà... Một điểm đáng nhớ nhất, An Chi là một học giả tự học, không học vị, học hàm”. Đó là nội dung một bài viết của nhà nghiên cứu nổi tiếng Trần Bạch Đằng, đăng trên báo về giới trí thức Việt Nam đương đại. Sự xuất hiện trong đời sống học thuật và báo chí nước ta hơn 30 năm qua của học giả tự học uyên bác An Chi - Huệ Thiên là một trong những trường hợp hiếm.

Nghiêm khắc tự học

An Chi tên là Võ Thiện Hoa, sinh ngày 27/11/1935, ở xã Bình Hòa - Gia Định (nay quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), trong gia đình là cơ sở của cách mạng. Ông học trường Tây Chasseloup - Laubat, tham gia đoàn học sinh bí mật Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1954, khi 2 miền đất nước bị chia cắt, là học sinh kháng chiến (không thuộc diện tập kết), nhưng vì yêu nước, ông quyết định vượt tuyến ra Bắc.

Ông tham gia thanh niên xung phong xây tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, nhà máy chè Phú Thọ… sau đó, theo học Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương và đi dạy học ở tận xứ Mường, tỉnhThái Bình. Ngoài ra, ông còn làm nhiều công việc: Thợ máy, nhân viên thư viện, tạp vụ... Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác ở Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh rồi nghỉ hưu sớm ở tuổi 45.

Với sự đam mê kiến thức, trong khó khăn đất nước lúc đó, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, đọc rất nhiều sách báo và viết sách. Đặc biệt hơn, từ say mê tiếng Việt, ông âm thầm tự học, nghiên cứu từ nguyên, học tiếng Hán, tiếng Sanskrit, tiếng Pali, học lịch sử Đông - Tây qua sách vở, thậm chí, học cả khảo cổ học, sinh học, địa lý... và say mê đọc sách, mà ân nhân đầu tiên là nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ.

Ông nghiêm khắc với bản thân, tuân theo nguyên tắc: “Sự thật là cao hơn tất cả. Viết bổ sung cho bài trước chưa chuẩn, ông thẳng thắn bác bỏ chính mình, xin nhận sự thiếu sót, rất mong được sự lượng thứ, chỉ dẫn cho”... Ông không tránh khỏi phản ứng về bài viết, tranh biện với những nhà nghiên cứu kỳ cựu, thậm chí đến “nảy lửa”, làm phiền lòng không ít người vốn đã là “cây đa, cây đề”. Tuy nhiên, với bản lĩnh học thuật, kiến văn sâu rộng, luận chứng rõ ràng, trình bày dễ hiểu, ông “quyết tâm làm cho ra sự thật”.

Trong bài viết của mình, ông đưa ra đầy ắp cứ liệu làm cơ sở cho lý giải, không chỉ cứ liệu ngôn ngữ học, mà còn của các ngành khác, được đông đảo bạn đọc và giới nghiên cứu đồng tình cao. Đáng lưu ý, ông không ngại tranh luận với các nhà sử học lớn, giáo sư hàng đầu, như: Nguyễn Tài Cẩn, Phan Ngọc, Vương Hồng Sển, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huệ Chi… thậm chí với ông Cao Xuân Hạo - người mà ông luôn kính trọng như thầy.

Với ông, trong học thuật, khoa học, báo chí không chịu được sự sai lầm. Khi phát hiện “đã sai thì nói thẳng là sai”. Trong đó, ông chứng minh việc dùng uyển ngữ để nói về cái thuyết “instinctivement” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn nổi tiếng là thuyết sai lầm trong học thuật, ông đã tranh biện đến cùng và công bố trong cuốn sách - Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm” của ông.

Sinh thời, An Chi được coi là cuốn “Đại từ điển Bách khoa toàn thư sống” bởi kiến thức uyên bác, mới lạ và ít thấy. Từ giã cuộc đời ở tuổi 88, ông để lại khoảng 8.000 trang sách với 7 trước tác ngồn ngộn kiến thức quý hiếm. Các cuốn sách: “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”; “Câu chữ Truyện Kiều”; “Rong chơi miền chữ nghĩa” (5 tập); “Từ Thập Nhị Chi đến 12 con giáp”; “Từ nguyên”; “Truyện Kiều” bản Duy Minh Thị 1872; “Chuyện Đông, chuyện Tây (4 tập) nhận được Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 2.

Đóng góp học thuật và báo chí

Năm 1990, trên tạp chí Kiến thức Ngày nay lần đầu tiên xuất hiện bút danh Huệ Thiên, số phát hành có lúc lên đến trên 150.000 bản/tháng. Sau một “tai nạn viết lách”, Huệ Thiên nhường chỗ cho An Chi - bút danh có nghĩa là “y chan”, “giống hệt” như trước, và bút danh An Chi trở nên quen thuộc bạn đọc. Khi mua tạp chí, bạn đọc thường tìm mục “Chuyên Đông, chuyện Tây” ông phụ trách và số phát hành tăng lên, không ít người cắt phần trả lời đóng thành tập.

Ông viết đủ thứ về diện mạo và tung tích con tàu Amiral Latouche Tréville, về “lệ bắt tay và lệ vỗ tay”, về chuyện Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không, về một kỳ thi quốc gia đời Lê Thánh Tông…

Đặc biệt, chiếm phần lớn trước tác của ông là những bài viết ông trả lời, giải đáp thắc mắc cho bạn đọc trên nhiều lĩnh vực, sự kiện mới lạ mà cho đến nay chưa nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp nào làm được nhiều như ông: Đưa kiến thức ngôn ngữ học đến đại chúng.

Ông có nhiều phát hiện khiến cho giới chuyên môn phải giật mình. Như chính ông chỉ ra một cách thuyết phục những chỗ sai trong Từ điển Truyện Kiều của GS Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS Phan Ngọc sửa chữa không đúng. Đối với 2 cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam đều của GS Nguyễn Lân, ông cũng là người đầu tiên chỉ ra chính xác những “chỗ sai khó ngờ”...

Qua câu thơ tự trào “Vùi trong ngôn ngữ quên ngày tháng”, hơn 32 năm, học giả An Chi đã làm được nhiều điều bạn đọc, giới học giả nghiêng mình kính nể, quý trọng một tấm gương tự học “có một không hai”.

NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tam-guong-tu-hoc-uyen-bac-a399535.html