Tâm hồn tử tế

Tự nguyện trao trả động vật rừng là việc làm có trách nhiệm với thiên nhiên và với chính môi trường sống của chúng ta. Thả động vật về rừng, trồng thêm cây rừng sẽ giúp rừng giàu hơn, đẹp hơn và phát triển bền vững, ổn định… từ đó rừng sẽ bảo vệ môi trường an sinh, kinh tế của con người.

Thông qua việc tuyên truyền bảo vệ rừng, động vật hoang dã của lực lượng chức năng và hệ thống chính trị ở cơ sở đến từng thôn, sóc, trường học trên địa bàn các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, đến nay đã xuất hiện nhiều câu chuyện đẹp trong đời sống. Và việc làm tử tế của 2 học sinh người S’tiêng tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập góp phần bảo vệ động vật hoang dã là một điển hình cần nhân rộng.

Như bao ngày khác, một ngày giữa tháng 5, tôi đi vào ven rừng tìm nguồn thức ăn (lá cây rừng) cho các loài động vật hoang dã đang được cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ động vật của Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Trên đường đi, tôi tình cờ nhìn thấy 2 cậu bé người S’tiêng, tuổi chừng 13-14 đi chăn trâu, đang cầm 2 cá thể rùa. Tôi đến gần và hỏi lớn: “Rùa ở đâu vậy?” thì 2 cậu bé nhìn tôi có vẻ sợ sệt trả lời rằng: "Cháu mới nhặt được trên đường, không biết của ai". Tôi lại hỏi: “Đem đi đâu không sợ bị kiểm lâm bắt mà cầm tênh hênh trên tay vậy các cháu?”, lúc này một cậu bé nhanh nhẹn đáp: “Cháu đem vào suối thả nên không sợ kiểm lâm bắt”.

Tôi rất ngạc nhiên và không nói nên lời, vì lần đầu tôi nghe thấy hành động tự thả động vật về rừng của 2 cậu bé người địa phương... Tôi đang nghi ngờ và tự hỏi “có thả thật hay lừa mình?” thì đột nhiên một cậu bé hỏi: "Chú làm ở vườn quốc gia à?”. "Ừ". Sau khi nghe tôi trả lời thì một cậu bé nói: "Chú cầm lấy thả vào suối cho chúng cháu đi"... Lần này, tôi lại càng ngạc nhiên và thấy xấu hổ về những nghi ngờ của mình về 2 cậu bé.

Tôi nhận 2 con rùa từ tay 2 em và xem nó là loài gì thì lại nghe cậu bé nói: "Chú phải thả ngay vào suối nha, nuôi sẽ chết"... và tôi buột miệng: "Ừ". Tôi thấy vui, muốn chụp chung với 2 bạn nhỏ tấm hình nhưng thật tiếc vì lúc sáng lại để quên điện thoại ở nhà. Tôi lại hỏi: “Các cháu tên gì và ở thôn nào?” thì 2 cậu bé không nói tên mà trả lời: "Ở Bù Rên" (tức ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập)... Tôi lại hỏi: “Các cháu không đi học sao lại đi chăn trâu?” thì cậu bé đáp: "Hôm nay chúng cháu được nghỉ".

Không hỏi được tên nhưng vẫn muốn chụp chung tấm hình, tôi lên xe chạy về lấy điện thoại và vội quay lại nhưng có lẽ 2 cậu bé đã theo đàn trâu rong ruổi trong những vườn điều già xa xa...

Sau khi quan sát 2 cá thể rùa này, được biết đây là loài rùa đất Pulkil hay còn gọi là rùa dứa sọc, có tên khoa học Cyclemys pulchristriata. Đây là loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IIB (NĐ 84/2021), có giá trị khoa học rất cao. Tình trạng sức khỏe ổn định và loài này được ghi nhận có phân bố tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, vì vậy việc tái thả tại đây là phù hợp với môi trường sống của chúng.

Lúc về, tôi cứ nghĩ tới việc làm và tâm hồn tử tế của 2 bạn nhỏ. Thực hiện lời hứa với 2 cậu bé người S’tiêng, ngay lúc đó tôi đã mang 2 con rùa này vào đầu ngọn suối Đắk Dốt thả...

Cảm ơn tất cả! Cảm ơn 2 cậu bé không quen, chúc 2 cháu luôn gặp mọi điều tốt lành... Hành động đẹp và những con người thật này sẽ góp phần lan tỏa rất lớn trong việc tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Khương Hữu Thắng
Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/133436/tam-hon-tu-te