Tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở

Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Có được như vậy là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những người gắn bó lâu năm và có nhiều tâm huyết với công tác này.

Tổ trưởng Tổ Hòa giải Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) Phan Hùng Dũng chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động hòa giải. Ảnh: A.Nhơn

Tổ trưởng Tổ Hòa giải Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) Phan Hùng Dũng chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động hòa giải. Ảnh: A.Nhơn

Nhiệt tình, trách nhiệm

Theo “thủ lĩnh” các tổ hòa giải ở cơ sở, trước đây, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở chủ yếu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chứ không có khoản hỗ trợ nào. Sau này, Nhà nước quan tâm và có chính sách hỗ trợ các chi phí hoạt động hòa giải, nhưng mức hỗ trợ còn khiêm tốn, trong khi vụ việc phát sinh trong cộng đồng dân cư ngày càng nhiều, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai rất phức tạp. Do vậy, chỉ những người tâm huyết, nhiệt tình mới gắn bó lâu dài với công tác hòa giải ở cơ sở.

Điển hình như Trưởng ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) Nguyễn Đình Phùng (kiêm Tổ trưởng Tổ Hòa giải Hàng Gòn) năm nay đã “U.70” nhưng vẫn cần mẫn nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật từ các kênh: tài liệu, sách, báo, internet, ti vi… Ngoài ra, ông Phùng còn tích cực tham gia các chương trình tập huấn kỹ năng hòa giải do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện tổ chức. Sự siêng năng đã giúp ông trang bị được nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong tổ hòa giải ở cơ sở.

Ông Phùng cho biết, năm 1998, ông được bầu làm Phó trưởng ấp Hàng Gòn và làm Trưởng ấp từ năm 2021 cho đến nay. Ông còn tham gia công tác hòa giải ở cơ sở hơn 10 năm nay. Phụ trách địa bàn lâu năm nên ông Phùng có thể nắm rõ đời sống, hoàn cảnh của các hộ dân trong ấp. Điều này giúp ông thuận lợi hơn khi đứng ra hòa giải các vụ việc phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Theo kinh nghiệm của ông Phùng, trong công tác hòa giải, tùy theo tính chất mỗi vụ việc mà tổ hòa giải đưa ra phương án giải quyết phù hợp, hiệu quả. Chẳng hạn, đối với những vụ việc nhỏ, tổ hòa giải sẽ xuống hiện trường để giải quyết xong ngay tại chỗ. Còn những vụ việc có tính phức tạp, tổ hòa giải phải xin ý kiến chính quyền địa phương. Sau đó, các thành viên trong tổ tiến hành giải quyết vụ việc một cách bài bản, chặt chẽ theo đúng trình tự thủ tục quy định.

Cụ thể, khi nhận đơn của người dân, tổ hòa giải phải xuống địa bàn xác minh thông tin giữa các bên liên quan và cả hàng xóm chứng kiến nhằm nắm rõ nội dung. Sau đó, các thành viên trong tổ hội ý để thống nhất phương án trước khi đưa vụ việc ra hòa giải. Khi đã chọn được phương án phù hợp thì tổ hòa giải mời các bên liên quan đến nhà văn hóa ấp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến vụ việc cho người dân nắm, đồng thời vận động họ vì tình làng nghĩa xóm mà bỏ qua những mâu thuẫn, tranh chấp.

“Việc thực hiện tốt trình tự các thủ tục đã giúp công tác hòa giải mang lại hiệu quả cao, hầu hết các vụ phát sinh mâu thuẫn trên địa bàn đều được hòa giải thành. Nhiều năm liền, Tổ Hòa giải Hàng Gòn được lãnh đạo địa phương tuyên dương, khen thưởng vì hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Phùng bộc bạch.

Ông Phan Hùng Dũng là gương điển hình trong công tác hòa giải tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ông Dũng cho hay, ông được bầu làm Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Triều (xã Tân Bình) gần 10 năm. Ngoài ra, ông còn làm Tổ trưởng Tổ Hòa giải Tân Triều nhiều năm nay.

Theo ông Dũng, mỗi cương vị phụ trách đều có những đặc thù công việc riêng, nhưng có sự hỗ trợ lẫn nhau rất tốt. Với cương vị trưởng ấp, ông thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân rồi tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con. Thời gian qua, ông thường vận động bà con tham gia các buổi tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho có hiệu quả; hướng dẫn bà con làm hồ sơ vay các nguồn vốn “ưu đãi” để có điều kiện đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình… Từ đó, ông Dũng đã tạo được uy tín, niềm tin trong nhân dân và chính điều này đã tạo thuận lợi cho ông đứng ra hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp của bà con.

“Chúng tôi luôn xác định những vụ việc phát sinh trong cộng đồng dân cư cần phải được giải quyết càng sớm càng tốt, vì chậm trễ sẽ xảy ra tình trạng “chuyện nhỏ” thành “chuyện lớn” và gây ra hậu quả khôn lường. Do vậy, bất kể ngày hay đêm, khi người dân gửi đơn hoặc gọi điện đến nhờ giúp đỡ, tôi cùng các thành viên trong tổ đều nhanh chóng xuống địa bàn xác minh, tìm hiểu và giải quyết kịp thời cho bà con” - ông Dũng tâm sự.

Ông Phùng và ông Dũng chỉ là 2 trong nhiều người tâm huyết và làm việc rất có trách nhiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Sự góp sức của họ đã giúp cho chất lượng hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên.

Theo quy định hiện nay, việc chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc hòa giải) là 300 ngàn đồng/vụ, việc; chi 400 ngàn đồng/vụ, việc đối với trường hợp vụ, việc hòa giải thành theo Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013… Năm 2023, kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở toàn tỉnh trên 900 triệu đồng, trong đó kinh phí chi thù lao hòa giải theo vụ việc gần 213 triệu đồng.

Tiếp tục nâng chất lượng hòa giải

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 tại nhiều địa phương. Các thành viên trong đoàn đánh giá cao những mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả. Bởi thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm và giảm bớt các đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

Tổ trưởng Tổ Hòa giải Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) Nguyễn Đình Phùng (ngồi bên phải) chủ trì buổi hòa giải liên quan đến vay mượn tiền.

Tổ trưởng Tổ Hòa giải Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) Nguyễn Đình Phùng (ngồi bên phải) chủ trì buổi hòa giải liên quan đến vay mượn tiền.

Tại các buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã dành nhiều thời gian để lắng nghe “thủ lĩnh” tại các tổ hòa giải trình bày những thuận lợi, khó khăn cũng như chia sẻ tâm tư, nguyện vọng về tình hình hoạt động hòa giải hiện nay. Từ đó, các thành viên trong đoàn có ý kiến trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn cho địa phương sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoạt động hòa giải ngày càng được nâng lên.

Phó giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Nguyễn Thị Kim Hương (trưởng đoàn) cho rằng, thời gian qua, các tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết những vụ việc phát sinh trong cộng đồng chủ yếu dựa vào uy tín, kinh nghiệm, mối quan hệ tình cảm… Điều này là cần thiết, nhưng chưa đủ, mà phải trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức pháp luật để hoạt động hòa giải ngày càng nâng cao hiệu quả, phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng thực chất, Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở và cần có chế độ, chính sách chăm lo đầy đủ theo quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tập huấn, cung cấp các tài liệu, văn bản pháp luật liên quan nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên…

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/tam-huyet-voi-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-82d59b5/