Tâm huyết với giáo dục vùng biên

Trong hành trình phát triển sự nghiệp giáo dục vùng biên giới xa xôi, không ít nhà giáo đã lặng thầm cống hiến cả đời cho sự nghiệp trồng người. Trong số ấy, cô Nguyễn Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp, là tấm gương tiêu biểu về lòng tận tụy, yêu nghề, mến trẻ, khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng biên.

33 năm “gieo chữ” vùng khó khăn

Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Bù Đốp, cô Phương thấu hiểu sâu sắc những gian khó và thiệt thòi của trẻ em nơi đây. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, cô không chọn những nơi thuận lợi hơn để lập nghiệp, mà quay về quê hương để công tác, giảng dạy. Một quyết định dũng cảm trong bối cảnh thời đó, khi điều kiện giảng dạy còn rất thiếu thốn. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cơ sở vật chất giáo dục ở Bù Đốp vô cùng tạm bợ. Trường lớp nằm sâu trong vùng khó, đi lại gian nan, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa đường sá lầy lội. Chiếc xe đạp cũ là phương tiện duy nhất để cô giáo trẻ vượt chặng đường dài đến lớp. Nơi dạy học là những căn phòng dựng tạm bằng tre, gỗ, mái lá, xiêu vẹo trong nắng gió.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương luôn tận tụy với công việc, hướng dẫn chỉ dạy cho các thế hệ giáo viên trẻ dù là giáo viên đứng lớp hay cán bộ quản lý

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương luôn tận tụy với công việc, hướng dẫn chỉ dạy cho các thế hệ giáo viên trẻ dù là giáo viên đứng lớp hay cán bộ quản lý

“Lúc mới ra trường, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đều thiếu thốn. Cả lãnh đạo và giáo viên chỉ có 8 người, làm việc trong một phòng chưa đầy 20m2. Phòng học thì cột mục, mái dột, cứ mỗi lần mưa gió là cô trò phải vội vã di tản” - cô Phương nhớ lại.

Dẫu khó khăn chất chồng, cô Phương vẫn luôn kiên định với lựa chọn của mình. Nỗi vất vả không làm cô chùn bước, ngược lại càng thôi thúc cô cố gắng hơn để mang con chữ đến với học trò nghèo vùng biên. Trải qua hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề, cô Phương đã đi qua không ít cột mốc: từ giáo viên giảng dạy trực tiếp đến công tác quản lý trường học. Dù ở vị trí nào, cô vẫn luôn thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm với nghề và tình yêu thương vô bờ với học sinh.

Cô Phương chia sẻ: “Trong sự nghiệp “trồng người”, tôi luôn tâm niệm được đứng trên bục giảng là một điều thiêng liêng. Tôi thấy rất an lòng và toại nguyện với nghề đã chọn. Còn sức khỏe ngày nào, tôi sẽ còn cống hiến hết tâm, hết lực vì học sinh thân yêu”.

Người “thắp lửa” đam mê

Không chỉ hoàn thành tốt vai trò người thầy, người quản lý, cô Phương còn là người truyền cảm hứng tích cực cho các thế hệ giáo viên trẻ. Sự nhiệt huyết, tận tụy của cô đã lan tỏa tinh thần trách nhiệm, tinh thần cống hiến không ngừng trong tập thể sư phạm nhà trường.

Dù đã trở thành người cán bộ quản lý, cô Nguyễn Thị Thu Phương vẫn luôn gần gũi thân thương và được các em học sinh yêu mến

Dù đã trở thành người cán bộ quản lý, cô Nguyễn Thị Thu Phương vẫn luôn gần gũi thân thương và được các em học sinh yêu mến

Cô Bùi Thị Trang Điểm, giáo viên Trường tiểu học Thiện Hưng A chia sẻ: “Cô Phương rất tận tình trong công việc, luôn sôi nổi trong các hoạt động của trường và ân cần hướng dẫn chúng tôi trong giảng dạy cũng như thực hiện các phong trào, nhiệm vụ được giao. Cô Phương luôn là tấm gương để giáo viên học tập, noi theo”.

Cô Phương không chỉ quan tâm chuyên môn mà còn đặc biệt chú trọng đến đời sống học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Từ việc kêu gọi, vận động hỗ trợ học bổng, đồng phục, đồ dùng học tập đến việc sát sao trong từng hoàn cảnh. Cô luôn hiện diện như người mẹ thứ hai, nâng đỡ những ước mơ còn dang dở của học trò. Với những đóng góp không ngừng nghỉ, cô Phương đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và ngành giáo dục huyện Bù Đốp.

“Cô Phương rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của địa phương, luôn quan tâm đến học sinh, đặc biệt là các em hoàn cảnh khó khăn. Mọi chủ trương, kế hoạch ngành giáo dục đưa ra, cô đều triển khai rất bài bản, quyết liệt, hiệu quả. Nhiều năm qua, cô luôn là cán bộ quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp NGUYỄN HỮU NHUẬN

Dưới sự dẫn dắt của cô Phương, Trường tiểu học Thiện Hưng A không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của ngành, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Gương sáng giữa đời thường

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, điều kiện giảng dạy ngày càng hiện đại, những câu chuyện về sự tận tâm của người giáo viên như cô Phương càng trở nên quý giá. Cô là minh chứng cho một thế hệ nhà giáo vừa có tài vừa có tâm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cống hiến cho cộng đồng, cho những đứa trẻ nơi vùng biên còn nhiều thiếu thốn. Đó là lý tưởng, là động lực để những giáo viên trẻ hôm nay và mai sau noi theo và gìn giữ. Đó cũng là lời khẳng định đầy thuyết phục: Giáo dục nơi vùng biên cương sẽ không bao giờ là vùng trũng, nếu có những người thầy như cô Phương không ngừng nỗ lực gieo chữ, truyền tri thức và khơi sáng tương lai cho thế hệ trẻ.

Trong vai trò là cán bộ quản lý, cô Nguyễn Thị Thu Phương luôn quan tâm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như đời sống của cán bộ, giáo viên nhà trường

Trong vai trò là cán bộ quản lý, cô Nguyễn Thị Thu Phương luôn quan tâm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như đời sống của cán bộ, giáo viên nhà trường

Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đốp nhận xét: “Cô Phương là tấm gương sáng về lòng yêu nghề, tận tụy với học sinh và kiên trì bám trường, bám lớp hơn 3 thập kỷ qua. Đây không phải là quãng thời gian ngắn, nhất là với một giáo viên công tác ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn như Bù Đốp. Không chỉ giảng dạy giỏi, cô còn là người truyền lửa đam mê học tập cho bao thế hệ học trò dân tộc thiểu số. Những em nhỏ từng rụt rè bước vào lớp nay đã trưởng thành, có người quay về tiếp nối sự nghiệp giáo dục. Cô Phương không chỉ là một nhà giáo mẫu mực mà còn là biểu tượng đẹp của lòng kiên định, tình yêu thương và trách nhiệm. Cô xứng đáng với sự trân trọng không chỉ từ ngành giáo dục, mà từ cả cộng đồng nơi vùng đất biên cương này”.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/171844/tam-huyet-voi-giao-duc-vung-bien