Tâm huyết với nghề trồng hoa hồng
Nếu có dịp thăm Làng hoa trăm tuổi, du khách hãy đến những vườn hồng nhiệt đới nức tiếng bên dòng Sa Giang thơ mộng để hiểu hơn về chuyện “giữ lửa” nghề trồng hoa hồng của bao thế hệ nông dân.
Tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống
Đến thăm Vườn hồng của ông Nguyễn Văn No (chú Sáu) rộng 3.000m2, một trong những vườn hồng quy mô lớn và lâu đời tại phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, chúng tôi thật sự ấn tượng với khoảng 250 - 300 giống hoa hồng các loại, bao gồm các giống hoa hồng lai mới và cả giống hoa hồng bản địa xưa của Làng hoa Sa Đéc. Khu vườn là toàn bộ tâm huyết gìn giữ và phát triển của chú Sáu trong suốt 30 năm qua. Chú Sáu tâm sự: “Mấy chục năm gắn bó với cây hoa hồng, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ chuyển nghề. Nhờ cây hồng mà kinh tế gia đình có nhiều cải thiện, các con tôi có điều kiện học hành đàng hoàng. Với tôi, nghề trồng hoa hồng không chỉ là kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm, bổn phận gìn giữ nghề truyền thống của các bậc tiền nhân để lại...”.
Vườn Hồng Thảo Ly của vợ chồng chị Nguyễn Thị Trúc Ly và anh Thảo ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, nằm ven tuyến tỉnh lộ ĐT 848 nên du khách dễ dàng ghé tham quan. Điều đầu tiên khiến chúng tôi ấn tượng khi đến vườn hồng này là độ hoành tráng về diện tích và chủng loại hoa hồng. Chị Nguyễn Thị Trúc Ly kể: “Từ chỗ đến với nghề trồng hoa hồng vì kinh tế, nhưng gắn bó lâu dần, gia đình tôi yêu thích cây hoa hồng, không thể bỏ được bởi hương sắc của nó. Cũng vì quá yêu hoa hồng nên vợ chồng tôi dành nhiều tâm huyết xây dựng cho vườn hồng của mình. Bên cạnh những giống hoa hồng dành cho thị trường phổ thông, vợ chồng tôi cũng đầu tư trồng và cung cấp nhiều giống hồng cổ, hồng bonsai dành cho phân khúc khách hàng cao cấp hơn. Mỗi lần khách đến tham quan, có lời khen hoa hồng Sa Đéc đẹp là vợ chồng tôi thấy rất tự hào và thêm quyết tâm để gắn bó với nghề này, để cây hồng Sa Đéc ngày càng phát triển xa hơn”.
Tự hào về quê hương xứ sở
Nhắc tới nghề trồng hoa hồng, chắc chắn nhiều người vẫn còn kí ức đẹp về Vườn hồng Tư Tôn nằm nép mình bên dòng Sa Giang thế kỉ trước. Năm 2020, ông Dương Văn Quế, con trai thứ bảy của ông Dương Hữu Tài (tức ông Tư Tôn) đã phục dựng lại vườn hồng xưa của ông Tư Tôn. Vườn hồng Tư Tôn mới cách khu vườn cũ khoảng 3km, nằm ven tuyến đường ĐT 848 thu hút đông đảo du khách. Ông Dương Văn Quế - chủ Điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn, phường Tân Qui Đông, TP Sa Đéc tâm sự: “Trước khi quyết định phục dựng lại vườn hồng thuở trước của ba, tôi đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều vì không biết mình có làm tốt được như ba ngày trước không. Nhưng có một điều mà tôi nhận thấy mình rất giống ba là niềm tự hào về quê hương xứ sở, tự hào về nghề trồng hoa hồng truyền thống của gia đình nên bằng tất cả tâm huyết, tôi đã gầy dựng lại vườn hồng. Trong khu vườn mới, tôi phục dựng khung cảnh vườn hồng ngày xưa của ba, dành nhiều chỗ trồng lại các giống hoa hồng của Sa Đéc, các giống hoa hồng cổ, hồng ngoại để du khách thưởng lãm... Tôi hy vọng với những cố gắng của mình sẽ góp phần giúp cho du khách hiểu và yêu mến Làng hoa Sa Đéc hơn”.
Cũng nặng tình với cây hồng truyền thống của quê nhà, khi bắt đầu khởi nghiệp làm du lịch (năm 2018), anh Phạm Thanh Tâm - chủ Điểm tham quan Cánh đồng Hoa hồng, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc dành gần như toàn bộ khuôn viên của điểm du lịch để trồng hơn 20 giống hoa hồng. Anh Tâm bộc bạch: “Ba đời gia đình tôi gắn bó với nghề trồng hoa hồng nên khi làm du lịch, tôi nghĩ ngay đến việc trồng hoa hồng để tạo điểm nhấn đặc biệt. Với tôi, được góp phần đưa thương hiệu hoa hồng Sa Đéc phát triển và vươn xa không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của thế hệ sau đối với các bậc tiền nhân”.
Nghề trồng hoa hồng có khi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng tình yêu nghề, nông dân Làng hoa Sa Đéc đã có nhiều sáng kiến mới, góp phần quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu hoa hồng Sa Đéc ngày càng phát triển và vươn xa. Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, xác định hoa kiểng là một trong những ngành hàng thế mạnh, địa phương đã có nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển cây hoa hồng nói riêng và hoa kiểng nói chung, trong đó công tác bảo tồn và phát triển làng hoa gắn với du lịch sinh thái được tập trung nhất. Thông qua việc tổ chức chương trình lễ hội, địa phương mong muốn giúp cho các hộ nông dân thuận lợi hơn trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm hoa, kiểng đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài ra, công tác hướng dẫn nông dân áp dụng các phương pháp, kỹ thuật sản xuất mới, hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm hoa kiểng, tiếp cận với thị trường... cũng được địa phương đẩy mạnh.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/tam-huyet-voi-nghe-trong-hoa-hong-120246.aspx