Tắm lá thuốc của đồng bào Dao đỏ - điểm nhấn du lịch Lào Cai
Trong bối cảnh xu hướng du lịch đang có sự thay đổi rõ rệt, những chuyến đi dài ngày của du khách không chỉ là tham quan đơn thuần mà còn là du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe. Do đó, các bài thuốc nam của dân tộc Dao đỏ tại Lào Cai càng trở nên giá trị hơn bao giờ hết.
Nhằm quảng bá bài thuốc bí truyền của dân tộc, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra tín hiệu vui về phát triển du lịch cộng đồng ở xã vùng cao này.
Báu vật rừng xanh
Với cộng đồng người Dao (tập trung lên tới 98%), các bài thuốc nam thực sự là báu vật rừng xanh. Cách thành phố Lào Cai chừng 25km, thôn Sải Duần nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Từ lúc lọt lòng, cuộc sống của đồng bào Dao thôn Sải Duần đã gắn bó với cánh rừng. Rừng là nhà, rừng cho đồng bào kế sinh nhai, đặc biệt cho họ món quà quý giá - những lá thuốc nam.
Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan Vàng Láo Lở cho biết, bà con nơi đây luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng và có ý thức bảo vệ rừng. Người dân cùng nhau ký hương ước. Theo đó, họ chỉ lấy từ rừng cành củi khô, rau, quả, măng, lá thuốc... Ai vi phạm quy định chịu hình phạt lao động công ích một ngày công, phát quang cây cối, nhổ cỏ dọn sạch lối đi trong bản.
Theo mẹ vào rừng tìm lá thuốc từ nhỏ, bà Chảo Cói Mẩy, thôn Sải Duần đã được truyền nghề, nắm giữ hàng chục bài thuốc nam của dân tộc Dao đỏ. Bà Chảo Cói Mẩy cho biết, thuốc tắm của người Dao được pha chế từ 25-30 vị thuốc nằm rải rác khắp các khe núi, không phải người nào cũng biết. Bài thuốc ngâm tắm của người Dao đỏ có được là do sự kết hợp của các loại thảo dược tốt cho da (kim ngân, lá khế, thìa là, lá vối, long não, hoàng bá nam), tốt cho xương khớp (thanh táo, thổ lục linh, thiên niên kiện, đào rừng, bách quản, tam huyết, tân quy, lá lốt) và có tác dụng đối với đường tiêu hóa (sa nhân, sả, hồi, quế, thủy xương bồ, màng tang, mạn khâu tử...). Thuốc tắm của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần chăm sóc sức khỏe mà còn là yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa mang đậm tri thức bản địa của tộc người.
Bà Mẩy cho biết, trước những năm 90, giao thông đi lại khó khăn, người dân không biết bệnh viện thế nào. Các bệnh như đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, người ốm cần phục hồi sức khỏe đều nhờ vào những dược liệu quý giá lấy từ rừng già. Đặc biệt, phụ nữ Dao sinh nở, ai cũng dùng lá thuốc tắm. Sau khi tắm 3-5 nồi thuốc, chỉ 3 ngày, phụ nữ có thể lên nương, lên rừng. Trẻ con tắm rửa nước lá định kỳ sẽ loại bỏ các bệnh mụn nhọt và bệnh ngoài da.
Nhà bà Mẩy hiện không chỉ thờ tổ nghề thuốc nam người Dao đỏ mà còn có phòng khám nhỏ chuyên chăm sóc, chữa bệnh cho bà con.
Ngâm tắm thuốc nam là văn hóa truyền thống lâu đời của người Dao đỏ. Bà thường vào rừng lấy các loài cây thuốc nam vì biết rõ chỗ cây thuốc thường mọc. Trước khi vào rừng lấy lá cây thuốc, bà thắp hương xin phép thần rừng và chỉ lấy đủ dùng, bà Chảo Cói Mẩy chia sẻ.
Từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á, các bài ngâm tắm thuốc nam của người Dao đỏ mới được phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào địa phương, thu hút du khách đến trải nghiệm.
Sinh kế bền vững từ du lịch cộng đồng
Ngôi nhà cộng đồng của người Dao đỏ Phìn Ngan nằm ở trung tâm thôn Sải Duần là nơi hoạt động của mô hình tắm lá thuốc. Đây là ngôi nhà gỗ truyền thống được dự án của CIRUM tài trợ xây dựng trên diện tích 300m2, tổng kinh phí 440 triệu đồng. Năm 2019, mô hình này đi vào hoạt động quy mô 4 phòng, 16 thùng tắm, gội và phòng nghỉ được bố trí dành cho khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại đây, tham gia hoạt động cộng đồng với bà con trong thôn.
Không chỉ sở hữu chung "sổ đỏ" nhà cộng đồng, hưởng lợi từ việc bán sản vật người dân còn được hưởng một phần lợi nhuận từ hoạt động của nhà cộng đồng. Sau khi đưa vào vận hành, thôn đã thành lập nhóm vận hành và nhóm quản lý gồm 12 người. Nhóm quản lý do bà Chảo Cói Mẩy làm trưởng nhóm, chịu trách nhiệm quản lý chung về các hoạt động. Nhóm vận hành thực hiện công đoạn từ xử lý thuốc, pha thuốc và hướng dẫn khách vào ngâm tắm. Từ khi có nhà cộng đồng, bà Mẩy đã lên rừng lấy cây thuốc về trồng khu vực quanh nhà vừa tiện cho việc thu hái thuốc lại tạo cảnh quan và hứng thú đối với du khách.
Sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện lượng khách đến với Sải Duần đã đông đúc trở lại. Được người quen giới thiệu về những đặc tính hiệu nghiệm, tốt cho sức khỏe của việc tắm thuốc người Dao đỏ, ông Phùng Văn Thảo (thành phố Lào Cai) chọn tắm hai lần trong chuyến đi đến Sải Duần. Ông tin tưởng để bà Chảo Cói Mẩy điều trị chứng đau lưng kinh niên theo phương pháp truyền thống của người Dao đỏ.
Ông Phùng Văn Thảo cho biết, khi gội đầu, ngâm tắm trong nước thuốc thơm lừng, nóng ấm, toàn thân có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, nhanh chóng tan hết các chứng mỏi mệt, giảm đau mỏi lưng, xương khớp, nhức đầu...
Sau trải nghiệm ngâm tắm lá thuốc, chị Văn Ngọc Lan, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ, tháng trước, chị bị mắc COVID-19. So với mọi người, chị ở thể nhẹ nhưng mấy tuần sau vẫn có cảm giác chếnh choáng hay bị hụt hơi, mệt mỏi.
Lên Sải Duần hít thở không khí trong lành, chị thấy người sảng khoái, nhẹ nhõm. Nay được tắm lá thuốc của bà con, đầu óc chị nhẹ bẫng, cảm giác như cơ thể được thanh lọc. Ngay sau khi tắm lá thuốc, chị Lan cùng đoàn khách thưởng thức các bữa cơm truyền thống, mùa nào thức nấy, với các sản vật địa phương như rau rừng xào thịt lợn gác bếp, măng tươi luộc hoặc xào, măng chua nấu canh, cá suối rán...
Khách nước ngoài thường lưu lại lâu hơn, hào hứng tham gia một số hoạt động như đi bộ trong rừng, theo bà con đi hái thuốc nam, lên nương cuốc đất, gieo ngô, vãi hạt rau...
Với nguồn lãi thu được khoảng 100-150 triệu đồng/năm, mô hình tắm lá thuốc của đồng bào Dao đỏ nơi rẻo cao Sải Duần không chỉ bước đầu tạo nét chấm phá mới trên bản đồ du lịch Lào Cai mà còn góp phần khẳng định nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương về định hướng phát triển các dịch vụ có thu nhập gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là đã đưa những bài thuốc nam trở thành sản phẩm hàng hóa, vừa bảo tồn vừa phát triển đời sống văn hóa, kinh tế địa phương.