Tấm lòng cha mẹ

Linh lợi, kháu khỉnh, đáng yêu là cảm nhận của nhiều người khi tiếp xúc với bé Nguyễn Bảo Linh (3 tuổi), con gái Đại úy Nguyễn Văn Trưởng, Trợ lý Phòng Chính trị Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cô bé ấy sớm mang trong mình căn bệnh: Suy tủy xương vô căn. Căn bệnh khiến tuổi thơ của Bảo Linh gắn liền với các bệnh viện và những đợt điều trị kéo dài. Song, điều đó không làm nụ cười trên gương mặt bé Bảo Linh kém tươi.

Kể về hoàn cảnh gia đình, Đại úy Nguyễn Văn Trưởng trải lòng: “Vợ và con gái tôi hiện ở Ninh Giang, Hải Dương, cùng gia đình bên nội. Mọi người vẫn nói vợ chồng tôi đến với nhau như duyên trời định. Nhà tôi và nhà cô ấy cách nhau chưa đầy 3km, người làng trên làng dưới. Thế mà phải đợi lúc tôi tốt nghiệp Học viện Hải quân, lúc đó Phạm Thị Thanh Ngọc đang là sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Hải Dương, chúng tôi mới bén duyên. Tình yêu cả hai cũng có lúc trải qua những sóng gió, thăng trầm; nhưng kết lại bằng đám cưới thật đầm ấm, ngọt ngào vào cuối năm 2016. Tháng 8-2017, con gái Nguyễn Bảo Linh chào đời trong niềm vui của hai bên gia đình, người thân”.

 Bé Nguyễn Bảo Linh và mẹ. Ảnh do gia đình cung cấp

Bé Nguyễn Bảo Linh và mẹ. Ảnh do gia đình cung cấp

Tổ ấm vợ chồng trẻ dẫu còn khó khăn về kinh tế, nhưng lúc nào cũng tràn ngập tình yêu, hạnh phúc cứ tưởng nhẹ nhàng trôi... Thế nhưng, biến cố xảy ra khi Linh 15 tháng tuổi. Đầu tiên bé bị sốt nhẹ và trên da xuất hiện những nốt bầm tím, kèm triệu chứng chảy máu chân răng. Lo lắng, vợ chồng anh Trưởng đưa con đi khám. Bệnh viện đầu tiên mà Linh đến là Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang. Tại đây, bác sĩ kết luận Linh mắc bệnh liên quan đến đường huyết, yêu cầu gia đình chuyển cháu lên tuyến trên để làm các xét nghiệm cần thiết.

Đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương, cả hai không tránh được sự hoang mang, lo lắng… “Lần xét nghiệm đầu tiên, rồi thứ hai, lúc đó, trong suy nghĩ chúng tôi vẫn còn tia hy vọng. Vợ nói với tôi mà chính là đang động viên mình: Bình tĩnh, bình tĩnh, phải thật bình tĩnh anh ạ. Nhưng đến lần xét nghiệm thứ 3, các kết luận vẫn không có gì khác nhau, rằng con gái bé bỏng của chúng tôi mắc phải căn bệnh nan y. Cầm kết quả mà trái tim vợ chồng tôi như chết lặng”, anh Trưởng nhớ lại giây phút đó.

Nghẹn lời dừng lại, một lúc sau anh Trưởng mới tiếp tục được câu chuyện. Anh bảo: "Chưa đầy 15 tháng tuổi, con phải chịu đựng hai lần chọc tủy làm xét nghiệm. Nhìn con nhỏ xíu nằm trên giường bệnh mà vợ chồng tôi đau thắt lòng. 12 tháng, con đã bắt đầu tập đi. 14 tháng, con đã tự mình đi vững, không cần có người hỗ trợ. Vậy mà, sau hai lần lấy tủy để làm sinh thiết, cơ thể con trở nên mỏng manh, yếu đuối. Con lại bắt đầu tập những bước đi đầu tiên của mình". Thời gian đầu, cứ 5-10 ngày Linh phải truyền đợt máu bổ sung, rồi uống hóa chất... Nằm viện nhiều đến nỗi, em trở nên gần gũi, thân thiết với bác sĩ, y sĩ của Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, như người thân trong gia đình. Là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của khoa, nhưng nghị lực của cô bé khiến nhiều bác sĩ, y sĩ phải thán phục và dành cho Linh những tình cảm vô cùng yêu thương.

"Phác đồ điều trị căn bệnh này có phức tạp lắm không?", tôi hỏi. "Đây là căn bệnh vô cùng hiếm gặp chị ạ, tỷ lệ trên thế giới chỉ có 2 người/1triệu người mắc phải, nhất lại là ở độ tuổi của con. Vợ chồng tôi đã tìm hiểu rất nhiều và được các bác sĩ giải thích cặn kẽ: Bệnh này hiện có 3 phương pháp điều trị: Ghép tủy từ anh, chị em ruột, dùng thuốc và ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, anh em ruột cũng không phải ai cũng phù hợp nên xác suất rất thấp; còn tế bào gốc hiện Việt Nam chưa có. Con chỉ còn cách điều trị dùng thuốc để duy trì và kéo dài. Cách điều trị này rất dễ xảy ra biến chứng và cần có chế độ ăn uống, chăm sóc đặc biệt. Quả thực, những ngày đầu vợ chồng tôi cũng bi quan lắm. Thế nhưng, từ ngày điều trị bằng thuốc đến nay, sức khỏe con vẫn duy trì ổn định; thêm vào đó là sự quan tâm, chia sẻ, động viên của đồng chí, đồng đội, gia đình người thân, nhất là những bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho con, nên vợ chồng tôi cũng lạc quan hơn".

Trước khi con phát bệnh, chị Ngọc là giáo viên hợp đồng Trường THCS Quyết Thắng, huyện Ninh Giang (Hải Dương). Trước bệnh tình của con gái, chị Ngọc xin nghỉ dạy học không lương để chăm sóc cháu. Biết được hoàn cảnh gia đình, Ban giám hiệu Trường THCS Quyết Thắng cùng đội ngũ giáo viên trong trường luôn động viên, tạo mọi điều kiện hỗ trợ gia đình chị. Chị Ngọc chia sẻ với chúng tôi: “Chồng tôi do yêu cầu nhiệm vụ, không thường xuyên có mặt ở nhà, trong khi, ông, bà nội sức khỏe không tốt, nên việc chăm sóc Bảo Linh phải nhờ đến ông, bà ngoại. Tháng 9-2019, tôi bắt đầu dạy học lại. Tuy nhiên, công việc của tôi nhiều lúc phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của con. Mọi khó khăn, vất vả vợ chồng tôi đều có thể vượt qua, chỉ mong con được vui vẻ như bạn bè cùng trang lứa, không bị đau đớn do căn bệnh hành hạ…”.

Cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi phải tạm dừng, vì tôi không cầm được nước mắt khi nghe chị Ngọc nghẹn ngào đọc những câu thơ chị sáng tác tặng con đầy xúc động, chất chứa nỗi niềm sâu thẳm của người mẹ, người cha dành cho bé Nguyễn Bảo Linh: “Cố lên con vì ngày mai tươi sáng/ Cố lên con vì hạnh phúc vẫn bên mình/ Cố lên con, ngoài kia còn nhiều mảnh đời bất hạnh…/ Mỗi khi mẹ nói: Chúng mình học nhé/ Con không ngại ngùng tắt điện thoại ngồi ngay/ Mẹ chỉ từng chữ, con chú ý nghe/ Trả lời đúng, mẹ khen rằng: Giỏi quá/ Con mỉm cười-nụ cười sáng mở/ Mẹ chỉ buồn… con chẳng có bạn ngồi bên/ Vậy đó con, cuộc đời vốn ngắn/ Được bên nhau trong tình yêu mẫu tử/ Mẹ đã không còn thấy tủi hận hay sầu đau/ Cố lên con! Vì bên con có mẹ, có cha/ Cố lên con!Vì bên có người thân/ Cố gắng lên con!

KIM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tam-long-cha-me-619968