Tấm lòng lương y trẻ
Lương y, Y sĩ Hồng Nhật Trường, Phường 9, TP Cà Mau, không chỉ trẻ tuổi, đam mê với y học cổ truyền mà còn là người hết lòng, hết sức với bệnh nhân nghèo.
Chúng tôi có dịp theo chân Lương y Hồng Nhật Trường đến thăm bệnh nhân ở xã Khánh An, huyện U Minh. Bệnh nhân Trần Văn Ngoán, Ấp 10, xã Khánh An, đã nhận được sự lui tới, bốc thuốc, châm cứu chẩn mạch hơn 2 năm nay từ Lương y Trường.
Bà Phạm Mộng Nghi, vợ ông Ngoán, không khỏi bùi ngùi, cám cảnh khi kể về bệnh tình của chồng: “Trước đây chồng tôi làm bảo vệ cho Công ty Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau. Cách đây 4 năm, trong một lần đi làm về chồng tôi bị tai nạn giao thông, liệt cả người. Anh là lao động chính, 2 con gái đang tuổi ăn tuổi học nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Chồng tôi vượt qua cơn thập tử nhất sinh nhưng không còn lao động được, tôi xin làm tạp vụ nhưng thu nhập không đủ tiền thuốc men cho anh. Chi phí các con đi học cũng phải vay mượn khắp nơi”.
Thấu cảm với hoàn cảnh, Lương y Trường chưa nhận đồng chi phí nào cho việc chăm sóc tại nhà. Nhìn căn nhà khang trang, không ai nghĩ kinh tế kiệt quệ vì tai nạn ập đến với ông Ngoán. Mọi sinh hoạt của ông đều phải nhờ người thân trợ giúp. Vậy mà những di chứng của tai nạn còn khiến chân tay ông đôi khi co giật, quắp quéo và những cơn đau nhức hành hạ đến mất ngủ. Phương pháp châm cứu kết hợp tập vật lý trị liệu, uống thuốc nam từ Lương y Trường phần nào giúp bệnh nhân vơi bớt đau nhức xương khớp, nhất là khi trái gió trở trời.
Ông Ngoán chia sẻ: “Trước đây có quen biết Y sĩ Trường, có đến hốt thuốc, châm cứu. Khi tai nạn, lúc đầu có điều kiện ra Cà Mau thì ghé ngang cho Trường chẩn mạch, hốt thuốc. Sau này không còn điều kiện, hễ nhờ là Trường chạy vô tới nhà châm cứu, hốt thuốc miễn phí, quý lắm. Dù không thể nào được như bình thường nhưng cũng giảm đau đớn”.
Lương y Hồng Nhật Trường chia sẻ: “Thấy người dân còn nghèo nhiều, mà đi khám tây y thì bao giờ chi phí cũng cao. Tôi kết hợp cả đông và tây y để điều trị cho bệnh nhân sớm khỏe mà đỡ được chi phí phần nào. Dù có tiền hay không tiền thì đến phòng khám đều được chẩn mạch, bắt bệnh, hốt thuốc như nhau”.
Phòng chẩn trị Ðông y Tuệ Tĩnh, Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau là nơi Lương y Trường bắt mạch, bốc thuốc nam miễn phí cho người nghèo hơn 10 năm nay. Bệnh nhân Dương Ngọc Duyên, Phường 8, TP Cà Mau, từng có thời gian bệnh viêm gan nặng nhưng việc kết hợp điều trị đông, tây y đã giúp bệnh tình thuyên giảm nhiều. Bà Duyên bày tỏ: “Uống đợt trước khỏi 3-4 năm, nay thấy không khỏe thì quay lại kiếm Trường hốt thuốc uống tiếp. Mấy lần không qua lấy thuốc được, vợ chồng Trường còn đem thuốc tới nhà giùm, không lấy tiền”.
Lương y Hồng Nhật Trường năm nay chỉ mới 36 tuổi đời nhưng tay nghề đã được nuôi dưỡng từ nhỏ. Anh Trường sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề đông y, ngay từ bé anh đã được cha là Lương y Hồng Bình Ðẳng truyền dạy nhiều kiến thức về các vị thuốc nam, mạch tượng, các bài thuốc chữa bệnh hay của gia đình. Năm 2009, anh Trường theo học lương y, y sĩ y học cổ truyền tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, ra trường anh về làm việc ở Hội Ðông y tỉnh. Anh vừa tốt nghiệp Cử nhân phục hồi chức năng Trường Ðại học Cửu Long (Vĩnh Long) tháng 6/2023.
Song song với việc học tập, trau dồi kiến thức, vừa làm việc ở Hội Ðông y tỉnh, Lương y Trường vẫn tiếp tục kế thừa phòng chẩn trị đông y từ cha mình. Trung bình mỗi ngày, phòng chẩn trị tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân từ kê đơn, bốc thuốc, châm cứu, điện châm, dùng kỹ thuật vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt. Ða phần chi phí duy trì hoạt động dựa trên sự thiện nguyện, đóng góp từ những tấm lòng của các bệnh nhân đã khỏi bệnh, những nhà hảo tâm có mong muốn giúp đỡ những người còn khó khăn./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tam-long-luong-y-tre-a33710.html