Tâm lý thị trường giải tỏa khi VN-Index trụ thành công mốc 1.000 điểm
VN-Index đã kết thúc xu hướng giảm giá ngắn hạn và tạo vùng hỗ trợ cân bằng mới 1.000-1.030 điểm, qua đó xác định xu hướng phục hồi đồng thời kiểm tra lại vùng kháng cự 1.100-1.110 điểm.
Sau năm tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại. Tuần qua, VN-Index sau khi kiểm tra thành công tại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm (ngày 11/10) đã giúp thị trường phục trở lại trong ba phiên cuối tuần.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 25,94 điểm (+2,5%), lên 1.061,85 điểm. Tuy nhiên, HNX-Index chỉ nhích nhẹ 1,8 điểm (+0,8%) và lên 227,89 điểm.
Theo các chuyên gia phân tích, số điểm VN-Index hồi phục trong tuần đã góp phần giúp giải tỏa tâm lý cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Lực cầu bắt đáy xuất hiện
Theo ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SHS), giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 62.767 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tuần trước đó, tương ứng khối lượng 2.909 triệu cổ phiếu, tăng 3,2%. Song, giá trị giao dịch trên sàn HNX chỉ đạt 4.748 tỷ đồng, giảm 11,4%, khối lượng chỉ đạt 300 triệu cổ và giảm 3,5% so với tuần trước.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên gia phân tích của SHS cho hay thanh khoản trong tuần qua ở mức xấp xỉ so với tuần giảm điểm mạnh trước đó và ngang với mức trung bình 20 tuần. Điều này cho thấy là lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường.
Ông Thắng cũng cho biết thị trường hồi phục khá tốt trong tuần qua giúp cho hàng loạt các nhóm ngành trụ cột có sự quay trở lại.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có diễn biến tích cực nhất với mức tăng 7,6% giá trị vốn hóa và chủ yếu đến từ các cổ phiếu thuộc ngành thép và ngành hóa chất, như HPG (+10,5%), HSG (+19,9%), NKG (+14,9%), DGC (+18,6%), DPM (+15,9%), DCM (+15,2%)...
Giá trị giao dịch trong tuần theo ngành:
Đứng thứ hai là ngành dịch vụ tiêu dùng với mức hồi phục 4,6% giá trị vốn hóa, nhờ sự hồi phục của các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, như MWG (+10,9%), FRT (+22,8%), DGW (+22%)... Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng tăng trưởng tốt với 4,3% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu là PLX (+6%), BSR (+4,1%), OIL (+4%), PVS (+2,2%), PVT (+5,3%)...
Đáng chú ý, nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng đã hồi phục đáng kể với 4,2% giá trị vốn hóa đồng thời tạo động lực cho sự đi lên của thị trường trở nên vững chắc hơn, các mã đại diện VCB (+2,1%), BID (+13%), CTG (+13,8%), VPB (+5,2%), MBB (+5%), ACB (+11,8%), SHB (+6,3%)...
Về động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Thắng chỉ ra khối ngoại đã mua ròng trở lại trên cả hai sàn với giá trị 2.850 tỷ đồng. Trong đó, họ mua ròng mạnh nhất tại mã HPG với 12 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SSI và SHB với lần lượt 9,3 triệu cổ phiếu và 8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, E1VFVN30 là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 2,1 triệu chứng chỉ quỹ.
“Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2210 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh -13,39 điểm, điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại,” ông Thắng nói.
VN-Index kết thúc xu hướng giảm ngắn hạn
Sau đợt giảm điểm mạnh trước đó, VN-Index đã phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ tâm lý và giá thấp nhất năm 2021, tương ứng 1.000 điểm.
Ông Thắng nhấn mạnh VN-Index đã kết thúc xu hướng giảm giá ngắn hạn mạnh nhất (kể từ khi áp dụng chu kỳ thanh toán T+2) và tạo vùng hỗ trợ cân bằng mới 1.000-1.030 điểm, xác định xu hướng phục hồi ngắn hạn đồng thời kiểm tra lại vùng kháng cự 1.100-1.110 điểm (đây cũng là vùng giá đã chịu áp lực bán mạnh trong tuần trước).
Về trung hạn, ông Thắng thận trọng đưa ra quan điểm: “VN-Index vẫn chưa cải thiện và phục hồi trong vùng quá bán dưới áp lực giải chấp, rút vốn mạnh (trong tuần trước) khi kênh nối các vùng giá thấp nhất (tháng 5 và 7/2022) không giữ được hỗ trợ. Kỳ vọng trong tuần tới, VN-Index khả năng tiếp tục phục hồi lên các vùng kháng cự trên song nhà đầu tư cũng nên chú ý cân bằng danh mục khi áp lực bán ngắn hạn gia tăng ở vùng 1.100 điểm.”
Theo nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), mặc dù thanh khoản thị trường đang xuống mức thấp trong hai năm nhưng độ rộng thị trường hiện rất tích cực. Cụ thể, thanh khoản trong tuần tập trung chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian vừa qua như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,… Bên cạnh đó, động lực giúp thị trường phục hồi đang đến từ hoạt động mua ròng của khối ngoại (giá trị lớn nhất kể từ đầu năm).
Về kỹ thuật, báo cáo của MBS đánh giá sau tuần phục hồi của VN-Index được củng cố với 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường đang tạo vùng cân bằng sau nhịp giảm trước đó đồng thời tạo đáy ngắn hạn ở ngưỡng tâm lý VN-Index 1.000 điểm. Với quán tính tăng hiện tại, nhóm phân tích cho rằng khả năng VN-Index sẽ tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi khi vượt vùng cận trên của ngưỡng 1.073 điểm.
Đánh giá về tình hình vĩ mô, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh đây là một trong những khía cạnh nhà đầu tư cần chú ý, cụ thể là áp lực tăng tỷ giá và lãi suất trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thế giới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn tiếp tục thể hiện những lo ngại về việc lạm phát tiếp tục leo thang. Đây cũng là căn cứ để thị trường kỳ vọng thêm 1 lần nữa FED sẽ tăng lãi suất 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 khi số liệu lạm phát Mỹ trong tháng Chín cao hơn các dự báo trước đó.
“Xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn và nối dài xu hướng định giá lại tài sản rủi ro bao gồm cả thị trường cổ phiếu. Theo đó, các nhà đầu tư cân nhắc tới chiến lược thận trọng trong giai đoạn này,” báo cáo của VCBS khuyến nghị.
Về kỹ thuật, nhóm phân tích của VCBS chỉ ra VN-Index tăng trở lại khu vực 1.060 và bước vào nhịp hồi ngắn hạn. Trong trường hợp lực cầu vẫn được duy trì tốt, VN-Index có thể tiếp tục hướng lên khu vực 1.100 điểm trước khi có sự rung lắc tiếp theo./.