Tạm ngừng phiên tòa, triệu tập nguyên công chức xã để làm chứng về nguồn gốc đất

UBND xã Đại Hòa Lộc và UBND huyện Bình Đại đều xác nhận việc cấp giấy chứng nhận cho nguyên đơn trong đó bao gồm cả phần diện tích đất đang tranh chấp là sai quy định.

TAND tỉnh Bến Tre vừa tạm ngưng phiên tòa phúc thẩm vụ án "tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chấm dứt hành vì cản trở quyền sử dụng đất, di dời tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Oanh Em, ông Phạm Văn Hăn và bị đơn là bà Nguyễn Thị Bạch Yến, ông Võ Văn Rỡ.

Tại phiên tòa, phía bị đơn cho biết cần triệu tập người làm chứng là những người từng làm trong UBND xã Đại Hòa Lộc để làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm ngưng phiên tòa để triệu tập những người này nhằm đảm bảo giải quyết toàn diện, khách quan vụ án.

 Bà Nguyễn Thị Bạch Yến và ông Võ Văn Rỡ tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến và ông Võ Văn Rỡ tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Theo nội dung vụ án, tháng 3-2008, bà Phạm Thị Oanh Em và ông Phạm Văn Hăn cùng nhận chuyển nhượng mỗi người khoảng 2 ha đất tại xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Theo nguyên đơn, từ năm 2012, bị đơn đã đưa phương tiện cơ giới (máy Kobe) vào khu vực, trước mặt tiền đất của nguyên đơn đào đất độ sâu 1,5 m và lấn ngang toàn bộ mặt tiền khoảng 210 m vào sâu khoảng 30 m để trồng cây đước làm hàng rào che chắn.

Từ đó, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả lại diện tích 5.984 m2, di dời các cây đước ra khỏi phần đất tranh chấp, bồi thường 200 triệu đồng vì đã cản trở quyền sử dụng đất.

Về phía bị đơn, bà Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết phần diện tích đất đang tranh chấp, trong đó bao gồm phần diện tích đất của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (thửa 117 tờ bản đồ số 31 đã chuyển nhượng cho nguyên đơn Oanh Em) và bà Nguyễn Thị Lâm (thửa 78, 98 tờ bản đồ số 31 đã chuyển nhượng cho nguyên đơn Phan Văn Hăn) có nguồn gốc từ bà Lê Thị Lời trước khi chết đã chia đất cho 3 người con là bà Tuyết, bà Lâm (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), bà Yến (bị đơn) từ năm 1988.

Theo Giấy xác nhận về việc xác định chia đất đai cho con ruột ngày 4-12-2012, Biên bản về việc chia đất cho con của bà Lời thì phần diện tích đất mà bà Lời chia cho 3 người con gồm 2 thửa đất liền kề nhau, trong đó:

- Thửa 01: Thửa từ lộ vào trong đất là một thửa. Từ lộ đo vào 20 m (chân lộ)

- Thửa 02: Thừa nhà nước trả lại (có diện tích khoảng sáu mẫu) có bờ ranh từ lộ vào 20 m.

Trong đó, Thửa 02 với diện tích khoảng sáu mẫu được chia đều cho 3 người con (mỗi người được khoảng 2 mẫu). Đối với thửa 01, bà Lời tiếp tục sử dụng, sau này mới cho bà Yến. Tại Biên bản lấy lời khai ngày 31-7-2013, bà Lời đã tiếp tục khẳng định nội dung này.

Như vậy, lời khai của bà Lâm và bà Tuyết về việc vị trí đất được bà Lời chia cho là chưa chính xác và mâu thuẫn với lời khai của chủ sở hữu quyền sử dụng đất (bà Lời). Phần diện tích đất mà bà Lâm, bà Tuyết được bà Lời chia cho đều không tiếp giáp với Huyện lộ 40.

Tại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 27-3-2008 giữa vợ chồng bà Tuyết với bà Oanh Em và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 27-3-2008 giữa vợ chồng bà Lâm với ông Hăn có một điểm chung là tại Điều 7 của các Hợp đồng này đã ghi nhận “Phần đất cập HL 40 tính từ mép HL 40 vào sâu 20 m theo hướng nam thuộc UBND xã quản lý (kênh và bờ kênh)”.

 UBND xã, UBND huyện Bình Đại đề nghị hủy một phần giấy chứng nhận đã cấp cho nguyên đơn để điều chỉnh lại.

UBND xã, UBND huyện Bình Đại đề nghị hủy một phần giấy chứng nhận đã cấp cho nguyên đơn để điều chỉnh lại.

Như vậy, có thể xác định được rằng tại thời điểm các bên thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các bên đã biết và thừa nhận quyền sử dụng đất của phần diện tích đất cập HL 40 (từ mép HL 40 vào sâu 20 m) không thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Tuyết và vợ chồng bà Lâm (người chuyển nhượng)

Về phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, UBND xã Đại Hòa Lộc và UBND huyện Bình Đại đều xác nhận việc cấp giấy chứng nhận cho nguyên đơn trong đó bao gồm cả phần diện tích đất đang tranh chấp là sai quy định nên đề nghị hủy một phần giấy chứng nhận đã cấp để điều chỉnh lại.

Tại thời điểm đó, Huyện lộ 40 chưa hình thành, chỉ là con đường mòn dẫn vào phần đất của người dân. Phần đất của bà Yến được mẹ cho toàn quyền sử dụng, định đoạt có mặt trước giáp với Huyện lộ 40. Bị đơn quản lý và trồng cây đước trên phần đất này từ năm 1989.

Khoảng năm 1992, Nhà nước tiến hành đắp bờ đê bao nước ngọt trên cơ sở có sẵn con đường mòn. Do phải lấy đất để làm đê bao nên Nhà nước tiến hành móc đất để làm đê nên mới hình thành con mương và sau đó hình thành Huyện lộ 40.

Cạnh đó, vào năm 2008 khi hòa giải thành tại UBND xã Đại Hòa Lộc, những người chuyển nhượng đất cho nguyên đơn đã xác nhận phần đất từ mí Huyện lộ 40 vào 20 m do vợ chồng bị đơn quản lý, sử dụng. Còn đất do Nhà nước quản lý, UBND xã đã tiến hành đo đạc cắm ranh (trụ bêtông vẫn còn).

Như vậy, phần đất từ mí Huyện lộ 40 vào 20 m là do bà Yến, ông Rỡ sử dụng. Từ đó, bị đơn có yêu cầu phản tố, yêu cầu tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng và hủy các giấy chứng nhận đã cấp cho nguyên đơn.

Xử sơ thẩm vào tháng 2-2024, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đến các chứng cứ là giấy xác nhận chia đất cho các con của mẹ bà Yến, những nội dung mà UBND xã và UBND huyện Bình Đại đã nêu ra; bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

VKSND Tối cao giải đáp nhiều vướng mắc khi giải quyết tranh chấp đất đai

06/04/2024 16:18

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-ngung-phien-toa-trieu-tap-nguyen-cong-chuc-xa-de-lam-chung-ve-nguon-goc-dat-post792416.html