Tâm nguyện của Người đã đi vào đời sống

Với sự năng động của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững đã được triển khai thực hiện, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Theo chân chị Đinh Thị Bé, ở thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây), chúng tôi "mục sở thị" khu vườn cây ăn quả xanh tốt. Chị Bé cho biết, trước đây, trên mảnh vườn này, gia đình tôi chỉ trồng mỗi cây keo, hiệu quả kinh tế thấp. Cuối năm 2022, nhận thấy giống ổi ruby có nhiều đặc tính tốt, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương, nhất là sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận tích cực, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng, chăm sóc hơn 200 gốc ổi theo hướng hữu cơ. Sau 10 tháng chăm sóc, vườn ổi cho trái bói. Vụ đầu, gia đình tôi thu hoạch được hơn 3,5 tạ, với giá bán 25 nghìn đồng/kg. Mô hình trồng ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, gia đình tôi nhân rộng lên 2ha, với 500 gốc ổi. Để tăng thêm hiệu quả trong trồng trọt, tôi trồng xen canh 300 cây cam cao phong, 50 cây sầu riêng, 30 cây bưởi da xanh và 40 cây mít thái. “Lúc đầu, tôi lúng túng trong việc đưa cây trồng mới vào canh tác. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi trên sách báo, Internet và tham quan mô hình trồng ổi tại các địa phương, tôi biết chăm sóc vườn cây ăn quả đúng cách nên cây ổi sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng keo gấp nhiều lần. Vì vậy, tôi quyết định mở rộng vườn cây ăn trái theo hướng canh tác hữu cơ", chị Bé chia sẻ.

Chị Đinh Thị Bé, ở thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây), thực hiện mô hình trồng ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRUNG ÂN

Chị Đinh Thị Bé, ở thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây), thực hiện mô hình trồng ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRUNG ÂN

Không chỉ có chị Bé, mà hiện nay hầu hết hộ gia đình người DTTS ở xã Sơn Long, sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tập huấn, đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Đến nay, trên địa bàn xã Sơn Long có hơn 200 hộ trồng hàng chục héc ta ổi ruby, bưởi da xanh, sầu riêng, chuối... Doanh nghiệp, hợp tác xã cam kết thu mua với giá ổn định đối với 20ha ổi ruby và 5ha bưởi da xanh.

Huyện Sơn Tây từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn quả.

Huyện Sơn Tây từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn quả.

“Thời gian tới, cùng với cây cau là cây chủ lực, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế và sản xuất theo hướng hàng hóa để cung ứng cho thị trường”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết.

Tháng 3/2022, Ba Tơ chính thức ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Để có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện. Huyện đã huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong, nòng cốt trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

Chất lượng cuộc sống của người dân Ba Tơ ngày càng được nâng lên. Ảnh: THANH NHỊ

Chất lượng cuộc sống của người dân Ba Tơ ngày càng được nâng lên. Ảnh: THANH NHỊ

Nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo đã được triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Điển hình như mô hình đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế tại thôn Tân Long, xã Ba Động; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc tại thôn Bùi Hui, xã Ba Trang; đoàn kết chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo tại thôn Gọi Re, xã Ba Xa...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong 5 năm (2019 - 2024), tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Tơ giảm từ 4,5- 6%/năm. Đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,5%, huyện Ba Tơ phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17%.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho lãnh đạo huyện Minh Long.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho lãnh đạo huyện Minh Long.

Trung tuần tháng 8/2024, huyện Minh Long đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện Minh Long (17/8/1974 - 17/8/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Thành quả có được như ngày hôm nay là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở huyện Minh Long.

Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái chia sẻ, huyện Minh Long có 76% dân số là người đồng bào dân tộc Hrê, từng là một trong 61 huyện nghèo của cả nước. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, huyện khuyến khích người dân phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có cũng như phát huy tối đa các nguồn lực từ các dự án, chương trình đầu tư trên địa bàn huyện để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2021 đến nay, kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng gần 8,2%/năm.

Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái (bên trái) thăm cơ sở sản xuất mộc của anh Đinh Văn Mót, ở xã Thanh An (Minh Long).

Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái (bên trái) thăm cơ sở sản xuất mộc của anh Đinh Văn Mót, ở xã Thanh An (Minh Long).

Minh Long thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện vẫn còn cao. Chính vì vậy, từ năm 2023, huyện đã phát động phong trào “Cán bộ, đảng viên đồng hành với nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững”. Trong 2 năm đã vận động hơn 200 triệu đồng để hỗ trợ cây, con giống, tư liệu sản xuất cho 20 hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Đinh Thị Bép, ở xã Thanh An (Minh Long), được huyện Minh Long hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: TR.PHƯƠNG

Chị Đinh Thị Bép, ở xã Thanh An (Minh Long), được huyện Minh Long hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: TR.PHƯƠNG

"Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng bộ huyện. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đồng hành, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm. Minh Long hiện là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với các huyện miền núi trong tỉnh”, Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái nhấn mạnh.

NHÓM PV NỘI CHÍNH

Thiết kế, trình bày: P.DUNG

Kỳ cuối: Trách nhiệm và nghĩa tình của đảng viên

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202409/emagazine-tam-nguyen-cua-nguoi-da-di-vao-doi-song-c3952d1/