Tâm nguyện – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Minh họa: Intenet
Ông nghe tin xã đang chuẩn bị sửa sang lại nghĩa trang liệt sĩ liền mở tủ lấy ra một cuốn sổ tiết kiệm được bọc kỹ trong nhiều lớp ni lông. Đó là toàn bộ số tiền ông tích góp được trong nhiều năm đi bán hàng thuê ở nhà máy gốm sứ của đứa cháu họ. Mỗi tháng lấy lương ba triệu đồng, nhà máy nuôi ăn uống nên cũng chẳng tốn kém gì thêm. Nhưng tháng nào cũng có vài cái đám cần đến phong bì. Ông cũng trích một phần tiền lương mua mấy chục cân gạo, thùng mì tôm xách sang cho mấy bà cháu nhà hàng xóm. Mỗi lần nhắc đến bà Tịch, ông lại không nén được tiếng thở dài. Nuôi con lớn khôn những tưởng lúc về già được cậy nhờ, ai ngờ đùng cái con trai bà bị tai nạn mất, con dâu không chịu được gánh nặng nuôi mẹ chồng với ba đứa con còn tuổi ăn tuổi học nên dứt áo ra đi. Thấy mấy bà cháu đáng thương nên ông có gì cũng san sẻ bớt. Dù hoàn cảnh của ông cũng chẳng sung sướng gì nhưng so với người ta vẫn còn tươm tất. Chiến tranh cắt phăng mất của ông một cánh tay, găm vào cơ thể ông vài mảnh đạn, trong đó còn một mảnh vẫn nằm đâu đó trong đầu. Mẹ già mất, ông sống một mình không vợ con. Nhưng ngay cả lúc trái gió trở trời nằm co ro xó giường, ông vẫn nghĩ mình còn may mắn hơn các đồng đội rất nhiều. Họ nằm xuống có khi vừa đôi mươi, có khi mới chớm yêu, đêm ngủ có khi vẫn còn nhớ mùi tóc mẹ. Nhớ chú chim gâu nhốt trong lồng treo ngay trước cổng không biết vắng chủ rồi có gáy vọng hay không. Nhớ đã hứa với đứa em gái ở nhà, rằng chờ anh về sẽ dẫn đi xem múa rối nước. Nhớ một mùa quả chín trong vườn mẹ còn vọng vào vài tiếng cuốc kêu. Những chàng trai lớn lên cùng thời với ông trên mảnh đất này có mấy ai được trở về nguyên vẹn. Trong nghĩa trang liệt sĩ có khi chỉ là mộ gió.
Cô bé nhân viên ngân hàng rời mắt khỏi máy tính, ngẩng lên nhìn ông hỏi:
- Hôm nay đã đến ngày đổi sổ đâu ông?
- Hôm nay ông đến không phải để nộp thêm tiền như hàng tháng mà để rút một ít về.
Nhân viên ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh người thương binh già cứ đúng ngày hai tám hàng tháng là đến ngồi ở hàng ghế dài phía trước, nhẫn nại đợi cho đến lượt mình. Ngân hàng lúc nào cũng đông khách, mọi người thường nhường ông vào giao dịch trước nhưng ông không chịu. “Ai cũng đều bận bịu. Cứ lần lượt mà làm. Mọi người đợi được thì tôi cũng đợi được”. Ông ngồi đó giở số tiền lương ít ỏi của mình ra đếm rồi vuốt lại phẳng phiu. Cuốn sổ của ông lại được nhập thêm số dư cho đến khi kín mít thì nhân viên ngân hàng đổi cho ông sổ mới. Biết hoàn cảnh nên lần nào họ cũng tranh thủ trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe ông.
- Ông có việc gì cần đến tiền sao ạ? Bao năm nay con thấy ông chỉ có gửi vào chứ đâu có rút ra.
- Thì gửi vào mãi cũng phải có lúc rút ra chứ cháu. Đã đến lúc ông cần đến nó rồi.
Cầm số tiền bốn mươi triệu trên tay, ông bắt xe về thẳng ủy ban gặp chủ tịch xã. Ông muốn trao số tiền này để đóng góp vào việc tu sửa lại nghĩa trang liệt sĩ của xã. Ông nghĩ đây là việc nên làm vì các đồng đội của mình. Nghĩa trang liệt sĩ của xã xây từ lâu giờ đã xuống cấp nặng. Năm nào ngày thương binh liệt sĩ ông cũng ra đó thắp hương, quét dọn. Năm 2001 địa phương bị ngập nặng, nghĩa trang liệt sĩ cũng chìm trong nước. Hôm nước rút, ông cầm chiếc khăn đi lau từng bia mộ rồi thắp nén hương cho linh hồn các liệt sĩ được ấm lên. Ông đã hứa với đồng đội là sẽ làm một việc gì đó để nơi hương khói của họ được tươm tất. Dù ông biết những người lính khi còn sống hay cả khi đã nằm dưới cỏ đều chẳng mảy may nghĩ đến sướng khổ riêng mình. Nhưng ông làm sao chịu được khi đứng nhìn những bia mộ liệt sĩ ngập sâu trong nước. Đã vài lần ông và Hội Cựu chiến binh kiến nghị xã về việc tu sửa lại nghĩa trang liệt sĩ. Nghe nói xã cũng đã họp mấy lần, cũng đã xin kinh phí từ trên huyện, huyện lại trình lên tỉnh. Dùng dằng mãi vẫn chưa quyết được vì đời sống nhân dân còn nghèo quá, bao nhiêu việc phải lo. Nên đâu phải muốn sửa sang là làm ngay được.
- Thay mặt lãnh đạo xã chúng cháu xin ghi nhận tấm lòng của ông. Nhưng cháu nghĩ ông nên để số tiền này để dưỡng già. Lương thương binh không đáng là bao, tuổi ông cũng đã cao lại không có con cháu. Việc sửa sang đã có nguồn kinh phí rồi ông ạ.
- Đối với tôi tất cả những liệt sĩ nằm đây đều là đồng đội của mình. Đây là tâm nguyện của tôi. Là chút tấm lòng tôi dành cho họ, như một nén nhang thơm. Các anh đừng lo, tôi đã dự liệu mọi thứ cho mình đến cả khi nhắm mắt xuôi tay.
Trước tấm lòng của ông, lãnh đạo xã đã nhận số tiền bốn mươi triệu đồng. Họ hứa sẽ dùng tiền để sửa sang cho nghĩa trang thêm khang trang, sạch sẽ. Ông bước ra khỏi cổng ủy ban xã, cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Trưa hôm ấy ông mắc võng nằm dưới tán cây sấu già bỗng nhớ đến những ngày bom đạn. Ở những trạm nghỉ chân trên đường hành quân, ông cùng đồng đội mắc võng giữa rừng. Có khi ăn tạm thanh lương khô mang theo. Có khi nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, hái rau rừng nấu canh, nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương quê nhà vời vợi. Ký ức theo về từng nhịp võng đưa. Hùng vắt tay lên trán nói:
- Mưa thế này mà ở nhà đi lùa tôm dưới mương gần nhà thì thích phải biết. Cá quả cũng nhiều, cứ cầm dao chém mang về kho trám thì ngon phải biết. Mùa này đang là mùa trám đấy mấy anh.
Hùng ngoảnh sang Thiên đang ghi chép gì đó trong cuốn sổ bé bằng bàn tay, hỏi:
- Viết nhật ký phải không?
- Chỉ là vài ghi chép nhỏ thôi. Lần trước bị thương ở đầu, tớ có cảm giác trí nhớ mình không còn được tốt.
- Thế liệu có khi nào quên mất khuôn mặt người yêu không nhỉ?
- Khuôn mặt người yêu không cần lưu giữ bằng trí nhớ, tất cả ở trong tim. Nên có lạc đến kiếp sau vẫn sẽ nhận ra nhau. Đâu cần phải sợ.
- Lãng mạn nhỉ. Thế mà mình còn chưa có mảnh tình tí tí nào.
- Sao tưởng lần trước cậu đã kịp hẹn hò với cô giao liên có má lúm đồng tiền? Người đâu mà duyên thế không biết. Nhoẻn cười một cái là cũng đủ điêu đứng lòng người.
- Thương thì thương thật mà đâu dám hẹn thề. Chiến tranh chẳng biết kéo dài đến bao giờ. Nay còn thở đây mà ngày mai có khi thành nắm đất. Lời thề hẹn có khi là sợi giây trói chặt tuổi thanh xuân của một con người.
Tất cả im lặng, nghe mưa rơi lộp độp trên tấm ni lông mắc che võng. Mỗi người trôi theo một dòng suy nghĩ. Người nhớ đến mẹ cha không biết ở nhà có mạnh khỏe không? Đàn em nhỏ có được đến trường? Bà nội già yếu còn hay đã mất? Có người nằm thiêm thiếp ngủ, mơ thấy mình thả diều trên bờ đê, hương đòng đòng thơm ngát. Con trâu thong thả về chuồng sau một buổi chiều gặm cỏ. Lúc đi qua giếng nước đầu làng dừng lại rửa chân, có cô bé mắt bồ câu lúng liếng đứng vân vê tà áo nhìn mình. Còn ông thường hay nghĩ về món canh rau sắn ngâm chua của mẹ, bỏ thêm ít tép đồng thì ngon phải biết. Có đêm nằm giữa rừng ông ngắm ánh trăng tròn vành vạnh mà tha thiết mong đến một ngày không còn tiếng đạn bom. Ông sẽ về chăm sóc mẹ già, yêu thương một ai đó, những đứa con rồi sẽ ra đời. Nhưng cuộc sống không như những gì ông mơ ước.
Chiến tranh kết thúc, ông bỏ lại một cánh tay ở rừng và mang về mảnh đạn nằm đâu đó trong đầu. Thỉnh thoảng chúng lại hành ông một trận, chỉ muốn nổ tung đầu. Ông không dám buộc đời mình vào người đàn bà nào cả. Từ khi mẹ già qua đời, ông sống một mình với ý nghĩ trời gọi lúc nào thì đi. Chẳng phải thu vén gì. Nhẹ bẫng…
Cuối cùng thì nghĩa trang liệt sĩ của xã cũng bắt đầu đi vào sửa sang. Tấm lòng của ông dành cho những đồng đội đã hy sinh khiến ai nấy đều cảm động. Nhiều nhà có điều kiện bảo nhau đóng góp ít nhiều. Con cháu ở xa cũng gửi về chút tấm lòng thơm thảo. Nhờ thế mà gần hai trăm bia mộ và toàn bộ khuôn viên nghĩa trang đều được ốp gạch sạch sẽ, hệ thống thoát nước cũng được chú trọng để chống ngập úng. Số tiền còn lại lãnh đạo xã lập ra một quỹ riêng dành mua hoa quả, hương nhang thắp hương vào những ngày lễ, Tết. Nhiều cây xanh, và các loại giống hoa cũng được mua về trồng xung quang khuôn viên. Thỉnh thoảng lúc đi làm về ông rẽ vào tưới từng khóm hoa, chăm bẵm từng mầm cây mới nhú. Ông ngồi đó nghe rì rào gió bên tai, mường tượng ra cảnh một ngày không xa cả nghĩa trang sẽ tràn ngập lá hoa, ong bướm rập rờn, những chú chim rủ nhau về nhí nhách. Ý nghĩ ấy khiến ông thấy lòng xôn xao quá…