Tầm nhìn dài hạn với cổ phiếu ngân hàng

Mức định giá hiện tại của nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là đã phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải nhưng bền vững, trong đó có kỳ vọng về câu chuyện tăng trưởng tín dụng.

Sau nhịp tăng mạnh trong 2 tháng đầu, nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngang trong phần còn lại của năm 2024. Điển hình là cổ phiếu VCB của Vietcombank - mã đầu ngành lĩnh vực ngân hàng, có nhịp tăng mạnh trong giai đoạn 2 tháng đầu năm 2024, từ vùng giá hơn 80.000 lên sát 100.000 đồng, kể từ tháng 4 đến nay gần như đi ngang trong vùng giá loanh quanh ngưỡng 90.000 đồng/cp.

Mức định giá phù hợp

Tương tự, cổ phiếu CTG của VietinBank bật mạnh trong 2 tháng đầu năm, sau đó đi ngang trong 10 tháng.

Cổ phiếu của “Big 4” còn lại là BID của BIDV kém tích cực hơn. Mã này tăng mạnh từ vùng giá 43.000 - 44.000 đồng lên gần 54.000 đồng trong quý I năm nay, sau đó chỉ giữ nhịp giằng co với xu hướng đi xuống. Đến đầu tháng 12, thị giá BID về tương đương với vùng giá cuối tháng 12/2023.

Mức định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn.

Mức định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn.

Nhóm ngân hàng tư nhân biến động có phần tích cực hơn, nhưng vẫn thua kém khi so sánh với một số nhóm tăng trưởng mạnh gần đây như cổ phiếu vận tải biển, dệt may hay khu công nghiệp.

Dù vẫn còn một số quan ngại về chất lượng tài sản, rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, song nhiều cổ phiếu ngân hàng đang được các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ trong dài hạn.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS cho rằng, việc nhà đầu tư quan ngại về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đã được phản ánh vào định giá. Hiện, mức P/B của ngành ngân hàng thấp hơn trung bình 10 năm, là mức định giá khá hấp dẫn. Chưa kể, trong thời gian tới, khi môi trường kinh doanh được cải thiện, ngành ngân hàng có triển vọng tăng trưởng rất lớn.

Trong Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết mức định giá hiện tại của ngành ngân hàng đã xuống còn 9,5 lần P/E, thấp hơn gần 1 độ lệch chuẩn so với trung vị lịch sử.

Theo ACBS, mức định giá này đã phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải nhưng bền vững.

Kỳ vọng từ câu chuyện tăng trưởng tín dụng

ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích tăng trưởng khoảng 14,9%, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024.

Theo ACBS, động lực tăng trưởng lợi nhuận cho các nhà băng trong năm tới đến từ mức tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động, trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát và một số tín hiệu tích cực cho thấy nợ xấu đã tạo đỉnh, chất lượng tài sản có thể hồi phục trong năm 2025.

Tính đến cuối tháng 11/2024, tín dụng tăng trưởng đạt 11,9% so với đầu năm và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với trung bình giai đoạn 2013 đến nay là 14,4%.

“Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thực hiện để kích thích sự phục hồi của nền kinh tế, vốn vẫn đang đối mặt với những vấn đề tồn đọng sau cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp”, nhóm phân tích ACBS nhận xét.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tín dụng ngân hàng sẽ tích cực trong năm tới nhờ kỳ vọng tín dụng bán lẻ phục hồi và tín dụng cho bất động sản - xây dựng tiếp tục tăng trưởng khả quan.

“Lợi nhuận trước thuế của các nhà băng trên thị trường tiếp tục giữ đà tăng trưởng đạt mức khoảng 15% trong cả năm 2024, dù có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa trong 2025 với mức tăng trưởng khoảng 15% và triển vọng hồi phục nhanh ở nhóm ngân hàng tư nhân năng động”, VCBS dự báo.

Thực tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang là câu chuyện chính của ngành ngân hàng, khi mà NHNN có thể mở thêm room cho các ngân hàng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sớm. Việc tăng trưởng tín dụng mạnh của các ngân hàng được nhìn nhận cũng là hỗ trợ cho lợi nhuận của nhóm này trong giai đoạn cuối năm và đầu năm 2025.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE), NHNN dự kiến mở rộng room tín dụng, tạo điều kiện để các ngân hàng có thanh khoản dồi dào tiếp tục đẩy mạnh cho vay trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Điều này hỗ trợ trực tiếp vào lợi nhuận quý IV và cả năm 2025 của nhóm ngân hàng. Đây cũng là chu kỳ hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao giai đoạn cuối năm và cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo vòng chu chuyển vốn cho nền kinh tế. Với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và chi phí vốn giảm, biên lãi ròng của các ngân hàng lớn có khả năng được cải thiện. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh về lãi suất giữa các ngân hàng có thể thu hẹp mức lợi nhuận này ở một số ngân hàng nhỏ hơn.

“Tôi ưa thích các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, BIDV, VietinBank nhờ hệ khách hàng rộng lớn và nhiều lợi thế đặc biệt, bên cạnh nhóm ngân hàng thương mại có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai như Á Châu (ACB), Techcombank (TCB), MB (MBB), Ocean Bank (OCB)”, ông Khanh cho biết.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng việc nới room cho các ngân hàng những năm gần đây cũng đã thường diễn ra chứ không phải quá đặc biệt, tất nhiên, các ngân hàng trong nhóm được nới room sẽ có những lợi thế nhất định, trong năm nay là VietinBank, ACB, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Techcombank, Ngân hàng Hàng Hải (MSB)...

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh về việc Thông tư 02 có tiếp tục được gia hạn hay không sẽ là yếu tố tác động mạnh đến ngành ngân hàng trong ngắn hạn cũng như trung hạn. Nếu Thông tư 02 không được gia hạn thì các cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ phải đối diện với những tác động khá tiêu cực.

Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, nhà quản lý Quỹ PYN Elite (Phần Lan) nhận định lĩnh vực ngân hàng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ trong những năm tới.

Theo ông Petri Deryng, dù tốc độ tăng trưởng thu nhập gần đây của các ngân hàng niêm yết Việt Nam có chậm hơn, song hoạt động kinh doanh vẫn đang được mở rộng và vốn chủ sở hữu cũng đã được tích lũy đáng kể. Đặc biệt, với yếu tố vĩ mô thuận lợi, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7%/năm sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành ngân hàng tăng trưởng thời gian tới.

"Các ngân hàng Việt Nam thậm chí có thể vượt trội hơn các công ty công nghệ Hoa Kỳ về mức tăng trưởng thu nhập. Dù vậy, giá cổ phiếu ngân hàng trong 3 năm qua đã diễn biến theo hướng ngược lại. Theo quan điểm quản lý rủi ro, hiện tại có thể là thời điểm tốt nhất để chuyển hướng phân bổ từ các cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đang bị định giá thấp", ông Petri Deryng nhận định.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/tam-nhin-dai-han-voi-co-phieu-ngan-hang-1104286.html