Tầm nhìn 'phục hồi, mạnh mẽ và tương hỗ'

Ngày 1/1, Pháp chính thức đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) nửa đầu năm 2022. Đây là lần thứ 13 Pháp giữ vai trò này kể từ khi EU được thành lập năm 1993.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2022, Pháp phải thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng theo chương trình lập pháp của châu Âu và đưa ra các thỏa hiệp có khả năng giải quyết các vấn đề chính trị giữa các chính phủ của 27 quốc gia thành viên hoặc giữa các chính phủ và Nghị viện châu Âu.

Pháp cũng chịu trách nhiệm tổ chức và chủ trì tất cả các cuộc họp của Hội đồng EU theo lĩnh vực hoạt động. Cụ thể là Pháp sẽ chủ trì 9 lĩnh vực hoạt động của Hội đồng EU bao gồm: các vấn đề chung; kinh tế tài chính; tư pháp và nội vụ; việc làm, chính sách xã hội, sức khỏe và người tiêu dùng; khả năng cạnh tranh (thị trường nội bộ, công nghiệp, nghiên cứu và vũ trụ); giao thông - vận tải, viễn thông và năng lượng; nông nghiệp và đánh bắt cá; môi trường; giáo dục, thanh niên, văn hóa và thể dục - thể thao. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, Hội đồng Đối ngoại sẽ do đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh làm chủ tịch trong 5 năm.

Theo dự tính, trong nhiệm kỳ 6 tháng này, gần 400 sự kiện đã được lên kế hoạch và sẽ tổ chức tại Pháp, Bỉ cũng như trong các quốc gia thành viên trước khi Pháp chuyển giao vai trò chủ tịch cho Thụy Điển vào nửa cuối năm 2022.

Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã công bố những ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên này của Pháp bao gồm chủ quyền, tăng trưởng, sinh thái, chuyển đổi kỹ thuật số, nhà nước pháp quyền…, với phương châm "Phục hồi, mạnh mẽ, tương hỗ",

Mục tiêu đầu tiên sẽ là xây dựng một “Châu Âu có chủ quyền đầy đủ”. Theo Tổng thống Macron, "chúng ta phải chuyển từ một châu Âu hợp tác trong biên giới của chúng ta thành một châu Âu mạnh mẽ trên thế giới, có chủ quyền đầy đủ, tự do lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình”. Chủ quyền đầy đủ này phải hiện thực hóa thông qua việc kiểm soát tốt hơn các biên giới bên trong và bên ngoài của EU, thông qua cải tổ khu vực Schengen, ưu tiên thúc đẩy hiệp ước di cư châu Âu và cải cách chính sách của liên minh trong lĩnh vực này.

Tiếp đó là phải tăng cường sức mạnh phòng thủ châu Âu, để hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn thông qua một số giải pháp cụ thể như thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu, thông qua Sách Trắng được coi là “kim chỉ nam chiến lược” để đổi mới các định hướng quốc phòng và an ninh của châu Âu trong những năm tới. Bên cạnh đó, Pháp cũng chú trọng vấn đề ổn định và an ninh của khu vực lân cận, cụ thể là mối quan hệ giữa châu Âu và châu Phi sẽ được hồi sinh với một "Thỏa thuận mới", dự kiến được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Liên minh châu Phi tại Brussels (Bỉ) vào tháng 2 tới.

Dự kiến, vào tháng 6, một hội nghị cũng sẽ được tổ chức tại Tây Balkan nhằm thúc đẩy sự gắn kết của khu vực này với EU. Tổng thống Macron từng tuyên bố: “Chúng ta không thể xây dựng một châu Âu hòa bình trong 50 năm tới nếu chúng ta bỏ rơi Tây Balkan như ngày nay”.

Mục tiêu ưu tiên thứ hai mà nước Pháp nhắm tới là thúc đẩy "Mô hình tăng trưởng mới" với tham vọng tạo nên một châu Âu đổi mới, sáng tạo, tạo việc làm và khẳng định khả năng cạnh tranh kinh tế so với Trung Quốc và Mỹ. Để làm được điều này, Pháp dự định sẽ thúc đẩy đạt được “chủ quyền công nghệ” của châu Âu vào năm 2030 và trung hòa khí thải vào năm 2050.

Kỹ thuật số cũng sẽ là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn của Pháp suốt thời gian đảm nhiệm chủ tịch luân phiên EU. Paris muốn xây dựng một thị trường kỹ thuật số có khả năng thu hút nhân tài và vốn. Để cụ thể hóa mục tiêu này, trong nhiệm kỳ của Pháp, “hai văn bản tiên phong” hiện đang được đàm phán trong các định chế của EU có thể được thông qua vào nửa đầu năm 2022 là Quy định về thị trường kỹ thuật số (DMA) và Quy định về dịch vụ kỹ thuật số (DSA).

Ưu tiên thứ ba là xây dựng “một châu Âu mang tính nhân văn”. Tổng thống Macron mong muốn biến nhiệm kỳ chủ tịch này trở thành một “khoảnh khắc tuyệt vời của chủ nghĩa nhân văn châu Âu”, theo đó "nhà nước pháp quyền được đề cao ở các quốc gia thành viên".

Với chủ đề «Năm Thanh niên châu Âu », năm 2022 cũng là dịp kỷ niệm 35 năm của chương trình Erasmus +. Để tôn vinh thanh niên và giáo dục, Pháp sẽ tổ chức một loạt cuộc giao lưu giữa các trường đại học ở châu Âu với chủ đề nghĩa vụ công dân EU dành cho tất cả các bạn trẻ dưới 25 tuổi để trao đổi đại học hoặc học nghề, thực tập hoặc hành động liên kết.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 10 và 24/4/2022, trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU của nước này. Tổng thống Macron sẽ đồng thời là nguyên thủ quốc gia đứng đầu Hội đồng EU và là ứng cử viên tổng thống CH Pháp nếu ông tham gia tranh cử. Trong bối cảnh này, Pháp sẽ phải tính cả đến phương án sẽ có thể có một tổng thống khác chịu trách nhiệm tổng kết nhiệm kỳ chủ tịch của Pháp trước Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2022.

Kịch bản này không phải là chưa từng xảy ra với Pháp. Năm 1995, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra giữa nhiệm kỳ Pháp là chủ tịch EU. Ông Jacques Chirac đã kế nhiệm Tổng thống François Mitterrand vào tháng 5. Việc thay đổi người đứng đầu quốc gia cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại và nhiệm kỳ chủ tịch EU của nước này khi Ngoại trưởng Alain Juppé phải nhường chỗ cho ông Hervé de Charrette.

Bên cạnh đó, thách thức của đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở châu Âu, tranh cãi liên quan tới dòng người di cư từ Belarus vào các nước EU, những căng thẳng hậu Brexit hay quan hệ với Nga sẽ là những vấn đề mà nước Pháp phải để tâm trên cương vị mới.

Mọi điều còn đang ở phía trước, và quan trọng là Pháp đã sẵn sàng cho vai trò chủ tịch luân phiên EU với tầm nhìn "phục hồi, mạnh mẽ và tương hỗ".

Nguyễn Thu Hà (Pv TTXVN tại Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tam-nhin-phuc-hoi-manh-me-va-tuong-ho-20220101075804458.htm