Tầm nhìn xa với điện hạt nhân
Trong một cuộc gặp gỡ gần đây, PGS.TS Bùi Huy Phùng, chuyên gia hàng đầu về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đã nhận xét rằng: 'Trong tương lai gần, dứt khoát Việt Nam sẽ phải phát triển năng lượng hạt nhân'.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhận xét này khiến không ít người am hiểu giật mình nhớ tới đề nghị gần đây của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu mặt bằng các nhà máy điện hạt nhân đã được quy hoạch vào mục đích khác.
Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, việc lựa chọn địa điểm đã được tiến hành hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong hơn 10 năm (1996 - 2007), với sự hỗ trợ của IAEA cùng các chuyên gia Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Canada… Nay, nhiều ý kiến lo lắng đã nảy sinh, bởi việc lựa chọn địa điểm có vai trò hết sức quan trọng, tốn nhiều tiền bạc, công sức và thời gian. Nay xóa đi, thử hỏi sau này muốn làm lại, liệu có tìm được địa điểm tối ưu như hiện nay?
Theo các chuyên gia, địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm những đòi hỏi rất cao về mặt an toàn của nền móng công trình, an toàn với các hiện tượng tự nhiên cực đoan như: lốc xoáy, lũ lụt, động đất, sóng thần… Địa điểm không những phải bảo đảm an toàn cho nhà máy, mà còn phải đáp ứng được tính hợp lý về kinh tế xây dựng, giảm thiểu tác động tới môi trường và được công chúng địa phương chấp thuận.
Chính vì thế, sau khi tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các nhà khoa học và chuyên gia, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc “giữ lại mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2” với hai nội dung cơ bản.
Thứ nhất: Đảng và Chính phủ xem xét lại và sớm có chủ trương tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân. Tiếp tục đưa điện hạt nhân vào trong định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia mới thay thế Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2007, làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và xây dựng Quy hoạch điện VIII.
Thứ hai: Các địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải tại Ninh Thuận đã được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, công phu và đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA, đồng thời nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, cũng như chính quyền địa phương, cần được giữ lại cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai. Việc giữ lại 2 địa điểm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm, vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thông tin mới nhất, cách đây ít ngày, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 784/PC-VPCP gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận để xem xét xử lý vấn đề chuyển đổi mặt bằng quy hoạch địa điểm các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/tam-nhin-xa-voi-dien-hat-nhan.html