Tám nhóm giải pháp cải thiện chất lượng 'hàng hóa'
Chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu, trong đó có yêu cầu về thông tin đầy đủ, minh bạch, tin cậy.
Thành tựu lớn, nhưng còn nhiều hạn chế
Kể từ ngày tổ chức phiên giao dịch đầu tiên (28/7/2020) đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn 23 năm hoạt động, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp cổ phần nói riêng.
Kết thúc quý I/2024, trên 2 sàn HOSE và HNX có 738 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết; tại sàn UPCoM có 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch; tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 2,151 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2023 và tương đương 21% GDP ước tính năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu trên cả 3 sàn đạt 6,762 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cuối năm 2023 và tương đương 66,2% GDP ước tính năm 2023. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/3/2024 ở mức 1.284,09 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng 2/2024 và tăng 13,6% so với cuối năm 2023; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 242,58 điểm, tăng 3% so với cuối tháng 2/2024 và tăng 5% so với cuối năm 2023. Về quy mô giao dịch, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3/2024 đạt 29.751 tỷ đồng; tính chung trong quý năm 2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 23.894 tỷ đồng, tăng 35,9% so với bình quân năm trước.
Về thị trường trái phiếu, đến cuối tháng 3/2024, thị trường có 458 mã trái phiếu niêm yết, với giá trị niêm yết 2,078 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2023, tương đương 20,3% GDP ước tính năm 2023. Trong tháng 3/2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.623 tỷ đồng, tăng 24,1% so với bình quân tháng 2. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.088 tỷ đồng, tăng 54,8% so với bình quân năm trước.
Với các sản phẩm khác, trong quý I/2024, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có khối lượng giao dịch bình quân trên 200.000 hợp đồng/phiên, thấp hơn bình quân năm trước; chứng quyền có bảo đảm giao dịch bình quân hơn 62,6 triệu đơn vị/phiên, giá trị bình quân hơn 54 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với bình quân năm trước.
Về hoạt động đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2024, có hơn 7,69 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng 5,52% so với cuối năm 2023; trong 3 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 11.416 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 1.295 tỷ đồng trái phiếu.
Tuy nhiên, tương tự như các thị trường chứng khoán trong khu vực ở giai đoạn đầu phát triển, đà tăng “nóng” cùng với sự bất cập trong hoạt động của một số công ty niêm yết, doanh nghiệp dịch vụ tư vấn kiểm toán, sự phối hợp trong quản lý, giám sát của xã hội, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.
Sự tồn tại của các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, thị giá thấp vì doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, mất thanh khoản, thiếu vắng những thương vụ IPO mới với những hàng hóa chất lượng… là những hạn chế dễ nhận thấy. Trong số đó, chất lượng hàng hóa trên thị trường còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán nỗ lực áp dụng các giải pháp quản lý, kể cả các biện pháp mạnh nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và cải thiện chất lượng hàng hóa.
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua các giải pháp nâng cao tính công khai, minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết, giao dịch trên thị trường và cải thiện chất lượng quản trị công ty của các công ty đại chúng.
Chẳng hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Sau đó, ngày 22/9/2017, Thông tư 95/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành, hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2017/NĐ-CP. Các quy chế niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán cũng được sửa đổi, bổ sung. Các văn bản này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch, chất lượng quản trị công ty tại các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và công ty đại chúng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Những quy định về quản trị công ty trong các văn bản nêu trên chủ yếu dựa trên 6 nguyên tắc quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, đồng thời có sự điều chỉnh vừa mang tính định hướng vừa mang tính bắt buộc tuân thủ để đảm bảo phù hợp với môi trường pháp lý của Việt Nam và thực tiễn quản trị của các doanh nghiệp.
Qua thời gian thực hiện, mặc dù đạt được một số cải thiện, có tác động đối với những doanh nghiệp cổ phần có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhìn chung toàn thị trường, việc nâng cao chất lượng hàng hóa còn gặp khó khăn, thách thức.
Trước hết, không ít doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của quản trị công ty như một yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Việc nâng cao chất lượng quản trị công ty chưa được quan tâm đúng mức, nên các doanh nghiệp này không có mô hình quản trị công ty phù hợp với thực tiễn kinh doanh cũng như nhu cầu của cổ đông, nhà đầu tư đối với việc đảm bảo tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 738 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch, nhưng không ít mã bị hạn chế giao dịch, mất thanh khoản…
Thứ hai, đa số công ty niêm yết/đăng ký giao dịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do nhiều vấn đề tồn tại, họ gặp khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quốc tế, trong đó có hạn chế về nguồn lực, cũng như từ nhận thức của chủ doanh nghiệp. Quản trị công ty cần có thời gian vừa truyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vừa đẩy mạnh hỗ trợ cũng như áp dụng các chế tài bắt buộc để các doanh nghiệp làm quen và áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, trên giác độ toàn thị trường thì việc nâng cao chất lượng hàng hóa còn bao gồm cả việc gia tăng hàng hóa có chất lượng thông qua các đợt IPO hoặc các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, quản trị công ty tốt thực hiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, bao gồm chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp niêm yết gặp vướng mắc về tỷ lệ sở hữu tối đa (room) dành cho khối ngoại khi hoạt động trong nhiều lĩnh vực, vốn có giới hạn room khác nhau. Ngược lại, Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho phép mở room đến 100% đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành liên quan không bị giới hạn sở hữu nước ngoài, nhưng có doanh nghiệp không nới room, thậm chí còn hạ room xuống mức thấp. Điều này ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Đề xuất 8 nhóm giải pháp
Nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với cả trước mắt và lâu dài, do vậy nhiều giải pháp đã được đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 (Đề án 242). Theo đó, 7 giải pháp cụ thể được đề ra từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát huy động và sử dụng vốn trên thị trường, nâng cao điều kiện niêm yết và duy trì niêm yết gắn với quản trị công ty, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán…, đến tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty và đánh giá xếp loại quản trị công ty hàng năm.
Đa số công ty niêm yết/đăng ký giao dịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Triển khai thực hiện các nội dung cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Đề án 242, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán mới (Luật số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, với nhiều nội dung đổi mới. Các quy định liên quan đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán được Chính phủ quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 116/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020.
Trong quá trình thực hiện, từ kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động thị trường, đặc biệt sau khi phát hiện các hành vi lừa đảo, làm giá cổ phiếu, lũng đoạn thị trường (điển hình như vụ FLC, Vạn Thịnh Phát, SCB...), nhiều nội dung quản lý đã được tổng kết, đánh giá đưa vào Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Để thực hiện việc nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán trên cả hai phương diện nâng cao chất lượng hàng hóa hiện hữu và gia tăng nguồn cung hàng hóa có chất lượng cho thị trường trong thời gian tới, người viết khuyến nghị 8 nhóm giải pháp sau.
Một là, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đi đôi với phát triển thị trường chứng khoán và tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm rõ và thu hẹp dần danh mục ngành nghề hạn chế sở hữu nước ngoài tại Luật Đầu tư, các luật chuyên ngành liên quan; triển khai hiệu quả công tác phát triển và tái cấu trúc thị trường; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, kể cả các giải pháp về thuế trước mắt cũng như sửa đổi các luật thuế theo chương trình xây dựng pháp luật.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung, các quy định liên quan đến hoạt động phát hành, lưu thông chứng khoán nói riêng gắn liền với mục đích bảo vệ lợi ích công chúng và nhà đầu tư; nghiên cứu và xem xét ban hành quy định, hướng dẫn về quản trị rủi ro cho các công ty đại chúng, đặc biệt đối với công ty đại chúng quy mô lớn, trên cơ sở đó tiến hành sắp xếp, phân loại cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam dựa trên quy mô, chất lượng, đồng thời nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu.
Ba là, thực hiện thẩm định, giám sát chặt chẽ việc phát hành chứng khoán; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán
Bốn là, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ công bố thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán - kiểm toán, bảo đảm độ tin cậy, minh bạch, đúng pháp luật của các thông tin được kiểm toán. Xử lý nghiêm, áp dụng các chế tài mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tuân thủ và công bố thông tin, vi phạm pháp luật về thuế, về kế toán, kiểm toán của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo tài chính và công khai thông tin doanh nghiệp.
Năm là, nâng cao chất lượng công bố thông tin của công ty đại chúng trên cơ sở thúc đẩy việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về công bố thông tin; khuyến khích tiến tới có lộ trình bắt buộc các đối tượng công bố thông tin bằng tiếng Anh; tổ chức kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp, thành viên thị trường, cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đầy đủ và kịp thời; hiện đại hóa hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, thành viên thị trường thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định.
Sáu là, nghiên cứu các thông lệ tốt của quốc tế, vận dụng để có quy định áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), góp phần nâng cao tính minh bạch và tăng hiệu quả cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.
Bảy là, phối hợp, điều phối các chương trình tài trợ trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty hàng năm cho các công ty niêm yết; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các sở giao dịch chứng khoán trong việc giám sát thực hiện các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty.
Tám là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nghiên cứu về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững; chuẩn hóa quy định về trách nhiệm của tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, tổ chức quản lý tài sản đảm bảo để tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.