Tầm quan trọng của các căn cứ Mỹ ở châu Âu

Với các căn cứ then chốt trải khắp Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha… châu Âu không chỉ là tiền đồn mà còn là bệ phóng toàn cầu của sức mạnh Mỹ.

Lễ khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Redzikowo, miền Bắc Ba Lan ngày 13/11/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Lễ khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Redzikowo, miền Bắc Ba Lan ngày 13/11/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc, vai trò của các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bình luận với Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (cepa.org), Tướng (đã nghỉ hưu) Wesley K. Clark, cựu Tổng Tư lệnh Lực lượng Đồng minh NATO ở châu Âu, đã nhấn mạnh điều này trong một buổi phỏng vấn mới đây, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ giảm bớt sự hiện diện quân sự tại khu vực này.

Theo ông, Đông Âu vẫn là một "mồi lửa" tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ, và một cuộc xung đột tại đây sẽ gây ra những hệ lụy toàn cầu sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ không chỉ ở châu Âu mà còn ở Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới. "Việc rút quân quy mô lớn khỏi mạng lưới căn cứ của Mỹ tại châu Âu có thể gây ra hậu quả tàn khốc, đối với khả năng ngăn chặn xung đột và ứng phó với khủng hoảng của Washington", ông Clark nêu rõ.

Tướng Clark khẳng định rằng châu Âu là "bệ phóng" cho ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ trên khắp Âu-Á. Các căn cứ như Ramstein (Đức), Poznan (Ba Lan), Lakenheath (Anh) hay Rota (Tây Ban Nha) không chỉ là nơi đóng quân mà còn là trung tâm điều phối sức mạnh, đảm bảo cam kết an ninh của Mỹ đối với các đồng minh, đặc biệt là trong việc duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược trước Nga. Trong bối cảnh Nga ngày càng thể hiện sức mạnh, việc duy trì và củng cố các căn cứ này là tối quan trọng với NATO.

Sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho NATO. Tướng Clark chỉ rõ rằng, sau nhiều năm tập trung vào các vấn đề khác, liên minh quân sự này đã gần như lãng quên các biện pháp tăng cường và triển khai lực lượng được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc triển khai quân NATO về phía Đông, dù phần lớn là các vị trí tạm thời và để huấn luyện, đã đóng vai trò then chốt trong việc tái thiết lập các quy trình và kế hoạch phòng thủ. Sự hiện diện này không chỉ giúp các lực lượng làm quen với địa hình mà còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Nga, đồng thời trấn an các đồng minh Đông Âu.

Một trong những thách thức an ninh cấp bách hiện nay là khu vực Suwałki Gap, hành lang hẹp nối liền Ba Lan và Litva, nằm giữa Belarus (với sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga) và vùng Kaliningrad của Nga. Tướng Clark lo ngại rằng mục tiêu hàng đầu của Nga trong một cuộc xung đột tiềm tàng có thể là kiểm soát Suwałki Gap, từ đó chia cắt các nước Baltic với phần còn lại của NATO, gây sức ép lên Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận Biển Baltic của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Việc Mỹ và các đồng minh duy trì lực lượng luân phiên tại Litva, Ba Lan và các nước Baltic khác là yếu tố quan trọng để đối phó với nguy cơ này.

Theo Tướng Clark, bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm rút quân đáng kể hoặc đóng cửa các căn cứ quan trọng ở châu Âu sẽ bị Moskva và Bắc Kinh coi như một dấu hiệu của sự suy yếu và rút lui. Điều này không chỉ khuyến khích Nga tiếp tục mở rộng ảnh hưởng mà còn có thể khiến Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ không kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình ở châu Á. Ông Clark nhấn mạnh rằng sự răn đe của Mỹ ở châu Âu là nền tảng cho sự ổn định và an ninh toàn cầu, là sự chuẩn bị cần thiết và là sự đảm bảo cho các đồng minh mà Mỹ dựa vào để có được sự ủng hộ ngoại giao, đầu tư và thậm chí là sự tăng cường lực lượng nếu xung đột nổ ra ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Tướng Clark bày tỏ sự lo ngại về xu hướng ở Mỹ trong việc chuyển trọng tâm chiến lược sang Trung Quốc và giảm ưu tiên cho châu Âu. Ông cho rằng việc tập trung quá mức vào Trung Quốc như một đối thủ hàng đầu đã bắt đầu từ những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, ông Clark cảnh báo rằng việc coi nhẹ tầm quan trọng của châu Âu là một sai lầm nghiêm trọng, đồng thời chỉ trích các chính quyền Mỹ gần đây, từ Obama đến Biden và cả Trump, đã "coi thường nền tảng ổn định đã mang lại hòa bình và an ninh cho thế giới trong 80 năm qua".

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tam-quan-trong-cua-cac-can-cu-my-ochau-au-20250514150239959.htm