Tầm quan trọng của khối băng tần 'kim cương' 700 MHz và những yếu tố quyết định đấu giá thành công

Theo chuyên gia, các băng tần dưới 1 GHz như băng tần 700 MHz là lựa chọn hoàn hảo để các nhà mạng phủ sóng 5G hiệu quả tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam...

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz (khối băng tần B1-B1’) và băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz (khối băng tần B3-B3’).

Ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cho biết băng tần 700 MHz đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của mạng 5G và các thế hệ viễn thông tiếp theo tại Việt Nam.

Thưa ông, các khối băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz (khối băng tần B1-B1') và băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz (khối băng tần B3-B3') có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của mạng 5G tại Việt Nam cũng như với các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo?

Trước hết, các băng tần dưới 1 GHz như băng tần 700 MHz là lựa chọn hoàn hảo để các nhà mạng di động phủ sóng 5G một cách hiệu quả về chi phí tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.

Điều này là do việc triển khai 5G trên băng tần 700 MHz có thể đạt phạm vi phủ sóng lên tới 10-15 km trong điều kiện tối ưu (tức là phụ thuộc vào địa hình của khu vực). Phạm vi này rất phù hợp cho các khu vực nông thôn và có thể mở rộng vùng phủ sóng 5G với mức giá phải chăng.

Để so sánh, các băng tần 2.6 - 3.5 GHz là các băng tần dung lượng tầm trung. Mỗi trạm phát sóng phủ sóng khoảng 1-5 km, lý tưởng cho các khu vực ngoại ô và đô thị của các trung tâm lớn tại Việt Nam - mang lại sự cân bằng tốt giữa phạm vi phủ sóng và tốc độ băng thông rộng không dây. Nói một cách khác, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trạm 700 MHz có thể phủ sóng xa hơn 3,7 lần so với một trạm sử dụng băng tần 2.6 GHz.

Ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)

Các băng tần dưới 1 GHz như băng tần 700 MHz là lựa chọn hoàn hảo để các nhà mạng di động phủ sóng 5G một cách hiệu quả về chi phí tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.

Ưu điểm khác của băng tần 700 MHz là cải thiện khả năng phủ sóng trong nhà (điều này rất quan trọng khi các trung tâm đô thị của Việt Nam ngày càng đông đúc hơn, nhiều trung tâm mua sắm trong nhà, nhà ga, v.v.).

Nếu cuộc đấu giá không thành công, có khả năng sự cạnh tranh trong dịch vụ 5G sẽ giảm đi ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.

Ưu điểm khác của băng tần 700 MHz là cải thiện khả năng phủ sóng trong nhà (điều này rất quan trọng khi các trung tâm đô thị của Việt Nam ngày càng đông đúc hơn, nhiều trung tâm mua sắm trong nhà, nhà ga, v.v.). Băng tần này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang Thoại trên nền tảng vô tuyến mới (VoNR, tức là thoại trên nền 5G), đây là bước tiếp theo khi công nghệ 3G cũ cũng đang được loại bỏ dần để chuyển sang dịch vụ 4G và 5G.

Theo tôi, Viettel chắc chắn đã có một chiến lược quyết liệt với việc mua lại phổ tần băng tần 2.6 GHz trong cuộc đấu giá năm 2024, triển khai mạng 5G rất nhanh và thành công gần đây trong việc sở hữu 2 x 10 MHz băng tần 700 MHz để tăng cường vùng phủ sóng 5G. Do đó, có thể kỳ vọng rằng Vinaphone/VNPT và MobiFone cũng sẽ cần phải mua mỗi nhà mạng 2 x 10 MHz băng tần 700 MHz để có thể cạnh tranh với Viettel và giảm tổng chi phí triển khai mạng lưới của họ.

Nếu cuộc đấu giá không thành công, liệu có những tác động bất lợi nào cho ngành viễn thông và người tiêu dùng Việt Nam không, thưa ông?

Nếu cuộc đấu giá không thành công, có khả năng sự cạnh tranh trong dịch vụ 5G sẽ giảm đi ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Chỉ những nhà mạng di động (MNO) có đủ băng tần thấp (ví dụ như Viettel) mới có khả năng triển khai 5G bên ngoài các trung tâm đô thị lớn.

Vì vậy, tác động tiêu cực của việc đấu giá không thành công là Viettel có thể trở thành độc quyền tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Nếu chỉ có một mạng lưới, điều đó cũng có nghĩa là ít sự dự phòng và khả năng phục hồi kết nối hơn trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc thảm họa.

Trong trường hợp đấu giá không thành công, theo ông, các nhà mạng và cơ quan quản lý của Việt Nam nên làm gì?

Trong trường hợp này, tôi nghĩ Cục Tần số Vô tuyến điện (ARFM) sẽ đấu giá lại băng tần vào một thời điểm nào đó sau này, có lẽ với các phương thức thanh toán theo nhiều đợt hơn. Nhu cầu và sự cần thiết đối với băng tần 700 MHz từ các nhà mạng là có thật – vấn đề nằm ở chi phí và thời điểm thanh toán.

Đấu giá lại băng tần “kim cương” 700 MHz cho 4G, 5G: Sẽ gọi tên VNPT, MobiFone?
Viettel trúng đấu giá băng tần "kim cương" có giá khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng

Về phía các nhà mạng di động, họ có thể sẽ giới hạn việc triển khai mạng 5G ở các thành phố và các khu vực đô thị khác, nếu không họ sẽ đầu tư quá mức vào mạng lưới của mình – tức là triển khai nhiều trạm 5G hơn mức cần thiết bằng cách sử dụng các băng tần 2.6 và 3.5 GHz nếu họ không có băng tần 700 MHz.

Một phương án khác là họ sẽ cần phải tái quy hoạch các băng tần khác như băng tần 900 MHz cho 5G, điều này có thể gây ra những tác động khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ 3G và 4G cũng như chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế thành công trong công tác tổ chức đấu giá tần số không? Đâu là những lý do dẫn đến các cuộc đấu giá không thành công?

Thứ nhất, đấu giá tần số chỉ nên diễn ra khi nhu cầu vượt cung. Trong nhiều trường hợp, các cuộc đấu giá không thành công vì không có nhu cầu đối với băng tần cụ thể đó hoặc giá khởi điểm cho băng tần được đặt quá cao.

Thứ hai, một loạt các điều kiện ràng buộc khác quá khắt khe, ví dụ như về vùng phủ sóng, giá bán lẻ hay việc cho thuê lại hạ tầng, khiến cho việc sở hữu băng tần trở nên không hấp dẫn.

Một nhà mạng giỏi sẽ xây dựng một mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) để đánh giá lợi nhuận tài chính của việc mua lại phổ tần di động, thay vì chỉ chi thêm vốn để triển khai nhiều trạm phát sóng hơn. Nhu cầu dài hạn ước tính cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định nhu cầu về tần số của một nhà mạng di động.

Đã có quốc gia nào từng trải qua các cuộc đấu giá không thành công và các cơ quan quản lý của họ đã làm gì?

Có, rất nhiều quốc gia đã trải qua các cuộc đấu giá không thành công như Thái Lan gần đây và chính Việt Nam với băng tần 2.3 GHz. Các nước khác bao gồm Úc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các nước châu Âu, châu Phi...

Cơ quan quản lý các nước xem xét và hy vọng sẽ rút kinh nghiệm từ những lần đó. Thông thường sau một kết quả như vậy, các cơ quan quản lý thực hiện một số động thái.

Thứ nhất là giảm giá khởi điểm. Đây là biện pháp phổ biến nhất để thu hút các nhà mạng.

Thứ hai là chia nhỏ lịch trình thanh toán, giúp dàn trải chi phí trong nhiều năm, giảm gánh nặng tài chính ban đầu cho các nhà mạng.

Thứ ba là giảm yêu cầu về vùng phủ và tiến độ triển khai, làm cho việc sở hữu băng tần trở nên khả thi hơn.

Thứ tư là tách các khối tần số. Nếu trước đó các khối tần số được gộp chung, việc tách ra có thể thu hút nhiều đối tượng tham gia hơn.

Thứ năm là cung cấp chính sách chắc chắn hơn, ví dụ như kéo dài thời hạn giấy phép từ 15 lên 20 năm, tăng tính ổn định cho các nhà mạng.

Liệu các băng tần 703−713 MHz và 758−768 MHz (khối B1-B1') và băng tần 723−733 MHz và 778−788 MHz (khối B3-B3') có thể được sử dụng để phát triển mạng 6G không?

Chắc chắn là có thể. Theo thời gian, băng tần 700 MHz sẽ được nâng cấp từ dịch vụ 5G lên 6G và cung cấp vùng phủ 6G bằng chính băng tần đó.

Các quy luật vật lý về truyền sóng của tần số không thay đổi tùy thuộc vào công nghệ di động được sử dụng. Các băng tần thấp như băng tần 700 MHz sẽ tiếp tục được sử dụng để cung cấp vùng phủ cho dịch vụ di động các thế hệ tiếp theo.

Đầu năm 2025, Bộ đã tổ chức ba đợt đấu giá ba khối băng tần B1-B1’, B2-B2’, B3-B3’. Tuy nhiên, cuộc đấu giá đã không diễn ra do chỉ có một doanh nghiệp tham gia nộp tiền đặt trước.

Theo thông tin được Tạp chí Kinh tế Việt Nam / VnEconomy đưa, về việc đấu giá lại khối băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz (khối băng tần B1-B1’) và băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz (khối băng tần B3-B3’), trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz (khối băng tần B1-B1') và băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz (khối băng tần B3-B3') phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Cục Viễn thông.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tam-quan-trong-cua-khoi-bang-tan-kim-cuong-700-mhz-va-nhung-yeu-to-quyet-dinh-dau-gia-thanh-cong.htm