Tam quốc diễn nghĩa: Tại sao Lưu Bị lại tặng Bàng Thống 'ngựa sát chủ'?
Bàng Thống (178-214), tự Sĩ Nguyên, hiệu Phượng Sồ, là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tài năng của ông được người đời ca tụng là ngang với cả Gia Cát Lượng. Ông là người góp công lớn trong việc giúp Lưu Bị chiếm đoạt Ích Châu của Lưu Chương.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Bàng Thống được La Quán Trung mô tả là một người có tướng mạo xấu xí. Tư Mã Huy kể về Bàng Thống như sau: "Nếu được một trong 2 người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phụng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ".
Lúc đầu, Bàng Thống theo Tôn Quyền. Sau này nhân lúc Chu Du qua đời, Gia Cát Lượng đã sang Đông Ngô khóc tang Chu Du xong, ông đã gặp được Bàng Thống và trao cho Bàng Thống một phong thư, mong muốn ông nếu ở đây không được trọng dụng hãy về với Lưu Hoàng Thúc (Lưu Bị). Quả nhiên, Tôn Quyền vốn là người cẩn thận, thấy Bàng Thống xốc nổi, ngoại hình xấu xí, thì không ưng, nên Thống mới từ biệt Giang Đông để về với Lưu Bị, đúng ý nguyện của Gia Cát Lượng.
Sau này, Bàng Thống được Lưu Bị cảm khái tài năng nên phong ông làm Thị trung tòng sự. Ít lâu sau, ông được phong làm Quân sư trung lang tướng, ngang hàng với Khổng Minh. Quả thật, tài năng và trí tuệ của ông không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, khi Lưu Bị đem quân đánh vào Tây Xuyên, thấy ngựa của Bàng Thống già yếu quá, nên để thể hiện sự trọng dụng của mình với Bàng Thống, Lưu Bị đã đem ngựa yêu của mình tặng cho Bàng Thống. Ai ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng, vừa mới cưỡi lên Đích Lô (có bản dịch là Đích Lư) tại gò Lạc Phương, Bàng Thống đã bị bắn chết bởi quân mai phục của Trương Nhiệm. Ông đã hy sinh khi mới 36 tuổi. Bàng Thống là một nhân tài hiếm có trong tay Lưu Bị, đáng tiếc là ông chưa kịp cống hiến gì nhiều đã hy sinh.
Con ngựa mà Lưu Bị tặng cho Bàng Thống thật ra không phải là con ngựa bình thường. Có người từng nói với Lưu Bị, Đích Lô là “ngựa sát chủ” nhưng lưu bị không tin, về sau Đích Lô lại còn cứu mạng Lưu Bị tại suối Đàn Khê nên ông càng không tin chuyện ngựa Đích Lô “sát chủ” và càng yêu quý con ngựa này hơn. Bởi vậy Lưu Bị mới tặng ngựa Đích Lô cho Bàng Thống. Về phần ngựa Đích Lô sau khi Bàng Thống chết thì cũng không rõ lưu lạc về đâu.
Ngựa Đích Lô lúc đầu vốn là của Trương Vũ, khi Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân xuất binh chiến đấu với Trương Vũ, Lưu Bị nhìn xa thấy ngựa mà Trương Vũ cưỡi, vô cùng hùng tuấn. Liền nói: “Kia tất là thiên lý mã”. Lời còn chưa dứt, Triệu Vân cầm thương xông trận. Trương Vũ thúc ngựa nghênh chiến, chưa đầy 3 hiệp đã bị Triệu Vân đánh bại, tiện tay cầm dây cương, kéo ngựa về dâng Lưu Bị.
Sau đó, khi Lưu Biểu nhìn thấy con ngựa này cũng khen không ngớt lời. Lưu Bị đang không biết lấy gì để báo đáp việc Lưu Biểu cho nương nhờ liền tặng con ngựa này cho Lưu Biểu. Không ngờ, Lưu Biểu lại thấy con ngựa này “có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ”, còn nói rằng “Trương Vũ cưỡi con ngựa này bị chết” chính là minh chứng, nên vội vàng tìm cớ trả lại cho Lưu Bị.
Người hầu của Lưu Bị đem tin “ngựa sát chủ” nói cho Lưu Bị, nhưng Lưu Bị không tin. Sau đó, trong một lần nhận được mật báo có người định sát hại, Lưu Bị vội vàng thoát ra ngoài, cưỡi ngựa Đích Lô chạy trốn, nhưng bị nhầm đường, ông chạy đến bên suối Đàn Khê.
Phía trước là con suối rộng lớn, phía sau là quân địch truy đuổi, lúc này Lưu Bị mới nhớ đến lời khuyên ngựa Đích Lô “sát chủ” ngày trước, ông vừa điên cuồng quất vào lưng ngựa, vừa hét: “Đích Lô! Đích Lô! Hôm nay mày hại ta đi!”. Đích Lô bỗng nhiên vùng lên, phi một phát sang bờ bên kia, lập một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử. Sau đó, Lưu Bị càng không tin chuyện “Đích Lô sát chủ”, ông càng yêu quý con ngựa đã cứu mạng mình này hơn.
Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa được La Quán Trung viết theo phương pháp 7 thực 3 hư (7 phần thực 3 phần hư cấu) nên việc ngựa Đích Lô có phải là “ngựa sát chủ” hay không thì rất khó kiểm chứng. Còn cái chết của Bàng Thống hiện tại vẫn là đề tài tranh cãi của rất nhiều sử học gia Trung Quốc với rất nhiều luồng quan điểm xung quanh cái chết của nhân vật lịch sử này.
Video: Bàng Thống chết ở Lạc Phượng.
Quốc Tiệp (t/h)